50 năm giải phóng Trường Sa: Ý chí kiên cường và khát vọng hòa bình

3 lượt xem - Đăng vào
Diễu binh trên đảo Trường Sa lớn. Ảnh: TRỌNG HUY

50 năm giải phóng Trường Sa: Ý chí kiên cường và khát vọng hòa bình

.

ĐNO – Cách đây tròn 50 năm, trong khí thế hào hùng của cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, cùng với các mũi tiến công trên đất liền, một “cánh quân thứ sáu” từ Đà Nẵng âm thầm rẽ sóng ra khơi, thực hiện nhiệm vụ đặc biệt: giải phóng các đảo ở quần đảo Trường Sa. Trường Sa hôm nay không chỉ là biểu tượng chủ quyền, mà còn là điểm tựa tinh thần, là minh chứng cho sức sống bền bỉ, kiên cường của Tổ quốc giữa biển khơi.

Diễu binh trên đảo Trường Sa lớn. Ảnh: TRỌNG HUY
Diễu binh trên đảo Trường Sa lớn. Ảnh: TRỌNG HUY

Ngay sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Quân ủy Trung ương đã kiến nghị Bộ Chính trị cho phép mở rộng chiến dịch, không chỉ trên bộ mà cả trên biển với mục tiêu giành lại các đảo do quân đội Sài Gòn kiểm soát. Ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị ra nghị quyết, giao nhiệm vụ giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa cho Quân khu 5 và Quân chủng Hải quân.

Thực hiện chỉ đạo, Bộ Tổng tham mưu điều động Sở Chỉ huy tiền phương của Bộ Tư lệnh Hải quân vào Đà Nẵng. Cùng lúc, các đơn vị chiến đấu được gấp rút thành lập: Đội 1 Đoàn 126 đặc công, một phần hỏa lực của Tiểu đoàn 471, Quân khu 5, các tàu vận tải 673, 674, 675 của Đoàn 125.

Chuẩn Đô đốc Nguyễn Thiên Quân, Tư lệnh Vùng 3 Hải Quân thăm hỏi, động viên chiến sĩ trên đảo  trên đảo Đá Thị. Ảnh: TRỌNG HUY
Chuẩn Đô đốc Nguyễn Thiên Quân, Tư lệnh Vùng 3 Hải Quân (thứ 2, trái sang) thăm hỏi, động viên chiến sĩ trên đảo trên đảo Đá Thị. Ảnh: TRỌNG HUY

Chỉ huy trưởng “cánh quân thứ 6” là đồng chí Mai Năng, Đoàn trưởng Đoàn 126. Chiến dịch mang tính đặc biệt: tốc độ thần tốc, yêu cầu tuyệt đối bí mật, bất ngờ, tác chiến nhanh gọn, hiệu quả. Các mục tiêu giải phóng bao gồm: Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa.

Ngày 9-4-1975, Quân ủy Trung ương điện khẩn, yêu cầu “đánh chiếm ngay các đảo do ngụy quân miền Nam chiếm đóng, nếu để chậm có thể bị nước ngoài chiếm trước”. Ngày 10-4, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương, tiếp tục điện: “Thời cơ rất thuận lợi, phải ra lệnh đánh chiếm ngay. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra chặt chẽ”.

Rạng sáng 14-4-1975, trận đánh mở màn: quân ta nổ súng tiến công đảo Song Tử Tây. Sau hơn một giờ chiến đấu, ta làm chủ hoàn toàn đảo, treo lá cờ đỏ sao vàng trên cột cờ phía đông.

Chiến sĩ Hải quân canh gác bên mốc chủ quyền đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: TRỌNG HUY
Chiến sĩ Hải quân canh gác bên mốc chủ quyền đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: TRỌNG HUY

Từ đó, lực lượng lần lượt tiến chiếm các đảo khác: 25-4: giải phóng đảo Sơn Ca; 27-4: giải phóng các đảo Nam Yết, Sinh Tồn; 28-4: giải phóng đảo Trường Sa, đảo xa nhất phía nam quần đảo.

Cuộc tiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa hoàn tất chỉ trong hai tuần, không chỉ giải phóng các đảo mà còn thể hiện tài thao lược và tầm chiến lược quân sự đặc biệt của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân.

Chuẩn Đô đốc Nguyễn Thiên Quân, Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, người dẫn đầu đoàn công tác ra thăm Trường Sa dịp tháng 4-2025, nhận định: “Đó không chỉ là một chiến công quân sự đơn thuần, mà là sự kết nối toàn diện giữa các mũi tiến công, góp phần làm nên mùa xuân toàn thắng, thống nhất đất nước từ đất liền đến biển đảo”.

Môt màu xanh tràn đầy sức sống trên đảo Song Tử Tây hôm nay. Ảnh: TRỌNG HUY
Môt màu xanh tràn đầy sức sống trên đảo Song Tử Tây hôm nay. Ảnh: TRỌNG HUY

Nửa thế kỷ sau giải phóng, Trường Sa không còn là những đảo nổi cô lập hay bãi cạn hoang sơ. Hôm nay, Trường Sa là hệ thống pháo đài phòng thủ đa tầng, đa hướng; là “điểm tựa vững chắc” giữa đại dương; là “mắt xích” chiến lược trong bảo vệ chủ quyền, giữ vững lợi ích quốc gia trên biển.

Hạ tầng các đảo được đầu tư đồng bộ và hiện đại: âu tàu, cầu cảng, nhà ở, trạm radar, hải đăng, trạm khí tượng, trường học, trạm y tế… Nguồn điện từ năng lượng gió và mặt trời cung cấp đủ sinh hoạt cho quân dân. Mạng thông tin liên lạc phủ sóng mạnh, nối biển đảo với đất liền chỉ trong tích tắc.

Đặc biệt, chương trình “Xanh hóa Trường Sa” đã thổi luồng sinh khí mới. Trên nền đá san hô khô cằn, cây xanh phủ bóng, hoa nở quanh năm, rau xanh mướt vườn. Những hàng bàng vuông, phong ba, mù u, dừa nước, được cán bộ, chiến sĩ trồng và chăm như báu vật. Trường Sa mang màu xanh của hòa bình, của niềm tin và hy vọng.

Chuẩn Đô đốc Nguyễn Thiên Quân xúc động chia sẻ: “Mỗi lần ra đảo là một lần thấy Trường Sa khác hơn, mạnh mẽ hơn, xanh hơn, vững chãi hơn. Cán bộ, chiến sĩ không chỉ hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện, chiến đấu, mà còn tự tay xây dựng đảo như xây nhà mình. Đó là điều khiến Trường Sa luôn có linh hồn, có hơi ấm của đất liền”.

50 năm giải phóng, Trường Sa đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành một phần thiêng liêng bất khả xâm phạm của Tổ quốc. Trường Sa là nơi tụ hội của niềm tin, nơi khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

TRỌNG HUY

(Tài liệu tham khảo: Báo Nhân dân; Báo Quân đội nhân dân; Hồi ký “Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, NXB Chính trị quốc gia).

 

 

 

 

;
;
.
Tags Trường Sa Biển ĐôngThống nhất đất nước Biển đảo quê hươngChiến dịch Hồ Chí Minh
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

một + mười sáu =