50 năm ký ức mãi hào hùng tươi mới
Ngay khi nghe đài phát thanh báo tin về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mẹ tôi được tặng một tấm bản đồ để theo dõi và ghi nhận chiến thắng. Hà Nội những ngày này hầu như gia đình nào cũng có tấm bản đồ như thế. Suốt 20 năm đất nước bị chia cắt, miền Nam luôn trong trái tim người Hà Nội và cả miền Bắc. Một nửa đất nước hướng về miền Nam ruột thịt trong những cung bậc cảm xúc đan xen. Khi hào hùng ngưỡng mộ, lúc nhói lòng thắt đau, nhưng trên tất cả vẫn là niềm tin, niềm hy vọng vào ngày toàn thắng.
![]() |
Nhân dân Sài Gòn chào đón Quân Giải phóng. Ảnh: TTXVN |
Những tháng ngày đầu năm 1975, một không khí náo nức đã lan truyền trong lòng Hà Nội. Có cảm giác mùa xuân đất trời vẫn lan tỏa rạng ngời trên những ánh mắt nụ cười, dẫu còn ngỡ ngàng, hồi hộp. Tấm bản đồ trên tường bắt đầu ghi dấu nét mực đỏ.
Những tên đất, tên vùng lâu nay chỉ nghe trong sách vở bỗng trở nên quen thuộc. Đài phát thanh liên tục truyền đi những bản tin chiến sự. Buôn Mê Thuột thất thủ. Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng ngày 24-3. Vùng đất cao nguyên xinh đẹp, xa vời vợi bỗng trở nên gần gũi, yêu thương.
Chúng tôi ríu rít chụm đầu cùng vẽ một ngôi sao đỏ trên bản đồ đất nước. Liên tiếp những ngày sau, cả khúc ruột miền Trung cũng rực màu sao đỏ. Tôi bồi hồi chạm tay lên tấm bản đồ nơi vùng đất quê hương của người tôi yêu thương, thành phố Đà Nẵng, nơi ngôi sao đỏ được đánh dấu đúng ngày 29-3.
Những tên đất, tên làng, những gương mặt, những cuộc đời số phận từng vượt qua mất mát đau thương, kiên cường, bất khuất đã in đậm trong tâm thức, trong tình cảm thế hệ chúng tôi. Mỗi ngày lại thêm nhiều ngôi sao đỏ trên tấm bản đồ. Khí thế tiến công như vũ bão. Ở hậu phương, chúng tôi hiểu, càng gần thắng lợi càng nhiều gian nan. Trên đường tiến quân, nhiều người đã ngã xuống ngay cả khi chiến thắng chỉ còn gang tấc.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, được quyết định ngay khi quân ta tiến vào cửa ngõ Sài Gòn. Cả miền Bắc, cả Hà Nội sống trong khí thế hừng hực của đoàn quân mang sứ mệnh cao cả của đất nước, của dân tộc. Trong trái tim và ánh mắt dõi theo ấy còn có bóng dáng của những người thân yêu ruột thịt, niềm tự hào của mỗi gia đình lúc bấy giờ.
Em trai độc nhất trong gia đình sáu chị em của tôi cũng đang trong đoàn quân ấy. Rời ghế nhà trường, em nhập ngũ cùng các thầy, các bạn. Tôi từng tiễn bao bạn bè ra trận, giờ lại tiễn em trai duy nhất của mình. Câu chuyện tiễn đưa đã trở thành đề tài chung không của riêng ai. Nhiều gia đình ở Hà Nội chắc cũng như gia đình tôi.
Bữa cơm chiều hôm ấy thật đặc biệt. Một người khách lạ thở dồn dập sau khi leo lên các tầng cầu thang để trao cho gia đình tờ giấy và hối hả giục chúng tôi khẩn trương ra ga kẻo lỡ. Đó là những dòng chữ viết vội trên mảnh giấy còn rõ vết xé cũng vội. Biết tin ngay lúc này em đang cùng đơn vị hành quân trên đường Trần Hưng Đạo ra ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội bây giờ), chúng tôi lao ra phố.
Đoàn quân xếp hàng ngang năm hoặc mười, hàng dọc dài tít tắp, nghiêm trang đi trong đêm tối đèn. Em tôi đi trong khối đơn vị học sinh, sinh viên các trường đại học và cao đẳng. Rất nhiều gia đình cũng nhận được những lá thư thả vội từ trên tàu, rơi xuống những điểm chắn tàu trên đường phố Hà Nội. Họ cũng như gia đình tôi đã có được phút giây tiễn người thân ra trận thật quý giá, cảm động.
Sau này, khi trở về, em tôi đã nói, đấy là thời khắc giá trị nhất trong suốt thời gian tham gia trận mạc, là nguồn động viên, là sức mạnh tinh thần thôi thúc em vượt qua những khoảnh khắc khốc liệt đầy thử thách của chiến trường.
Những ngày tháng Tư năm ấy, tôi vẫn đến trường dạy như mọi ngày. Không khí rộn ràng của đất nước ùa vào lớp học. Cô trò say sưa kể cho nhau nghe những điều mình biết về chiến sự. Ngoài hai mươi tuổi, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi được phân công dạy tại một trường cấp III ven đô Hà Nội.
Ngôi trường nằm sát đường tàu xuôi về hướng nam. Những năm đó, chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều đoàn tàu xanh chở một màu xanh chiến sĩ. Cô trò chúng tôi thường vẫy chào tạm biệt những đoàn tàu lịch sử ấy với niềm xúc động, thương mến, tự hào.
Con đường quen thuộc mỗi khi tan trường trở về nhà của tôi là đường Nam Bộ, nay là phố Lê Duẩn, Hà Nội. Đã 50 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in buổi trưa ngày 30 tháng Tư năm đó. Hai bên đường Nam Bộ, cờ đỏ sao vàng rực rỡ.
Dường như, người Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng cho chiến thắng từ trước nên khi đài phát thanh loan tin Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, như có phép màu, Hà Nội rợp cờ đỏ. Người người đổ ra đường, tay cầm cờ hoa, reo hò mừng chiến thắng. Họ ôm nhau, nắm tay nhau cùng hát vang “như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.
Những nụ cười, những giọt nước mắt long lanh hạnh phúc. Chỉ mấy bước sẽ về đến nhà nhưng gần một tiếng đồng hồ sau tôi mới ra khỏi đường Nam Bộ với nguyên vẹn cảm xúc náo nức, bồi hồi.
Và, như một lẽ đương nhiên, ngôi nhà nhiều tầng nơi gia đình tôi sống cũng ngập tràn cảm xúc đó. Tôi bước nhanh lên cầu thang, tấm bản đồ treo tường đã được đánh dấu bằng hình cờ đỏ sao vàng ngay tại chữ Sài Gòn.
Cả nhà đã tề tựu đông đủ đón mừng chiến thắng. Không ai nói ra nhưng trong niềm vui chiến thắng chung của dân tộc, ai cũng dành một phần ý nghĩ cho người con, người em vẫn đang trong đoàn quân tham gia chiến dịch, giờ này đang ở đâu. Người tôi yêu thương vừa rời bục giảng nhập ngũ trong đợt tổng động viên mùa xuân, lúc này đang ở đâu. Chắc anh sẽ rất vui khi biết quê hương hai mươi năm cách xa đang gần lại.
Em trai tôi có mặt trong đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn và trở về với gia đình sau ngày toàn thắng. Mưa bom bão đạn, gió núi sốt rừng, cận kề cái chết vậy mà nụ cười em vẫn tươi trẻ. Có thay đổi chăng chỉ là sự rắn rỏi, trưởng thành. Sau khi ra quân, em theo học một ngành kỹ thuật của điện ảnh và làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam.
Em có nhiều cơ hội trở về thành phố nơi em đã từng có mặt và góp phần cùng đồng đội làm nên chiến thắng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bằng những dự án phim truyện về đất nước và con người Việt Nam. Còn tôi, tạm biệt Hà Nội, theo chồng trở về thành phố Đà Nẵng sống và làm việc.
Những tên đất, tên làng trước kia chỉ biết trong sách vở đã trở thành những điểm vùng mà chúng tôi phải đến, phải hành động trong nhiệm vụ và sứ mệnh của mình. Đó là thúc đẩy và bảo vệ các quyền cơ bản của trẻ em, hướng tới một môi trường an toàn, lành mạnh, bảo đảm cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
Điều này mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Sự hy sinh xương máu của các thế hệ đi trước trong công cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc không phải chỉ cho hôm nay mà còn vì những thế hệ tương lai chất lượng cao, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước phồn vinh, rạng rỡ.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, ký ức về Chiến dịch Hồ Chí Minh và ngày 30 tháng Tư năm 1975 lịch sử vẫn luôn hào hùng, tươi mới. Sự đổi thay của đất nước trong đó có quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng hôm nay chính là thành quả lớn lao của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, là giá trị bất diệt của chân lý cao cả “Không có gì quý hơn độc lập tự do” mà Bác Hồ kính yêu đã khẳng định.
NGÔ LIÊN HƯƠNG
Nguồn: Báo Đà Nẵng