Thuế đối ứng của Mỹ: ‘Canh bạc’ khó lường

21 lượt xem - Đăng vào
Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố quyết định áp thuế đối ứng với hàng hóa nhập khẩu vào nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày 3-4. Ảnh: Reuters

Thuế đối ứng của Mỹ: ‘Canh bạc’ khó lường

.

Hàng loạt quốc gia lên tiếng phản đối, doanh nghiệp, người tiêu dùng lo lắng trước việc Mỹ công bố áp thuế đối ứng với hàng nhập khẩu vào nước này. Ẩn chứa nguy cơ khôn lường về một giai đoạn đầy khó khăn cho kinh tế Mỹ và toàn cầu nói chung.

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố quyết định áp thuế đối ứng với hàng hóa nhập khẩu vào nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày 3-4. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố quyết định áp thuế đối ứng với hàng hóa nhập khẩu vào nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày 3-4. Ảnh: Reuters

Theo chính sách thuế mới do Tổng thống Donald Trump công bố sáng 3-4 (giờ Việt Nam), nước này sẽ áp thuế cơ sở 10% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ, có hiệu lực từ ngày 5-4; đồng thời áp thuế đối ứng với hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ từ ngày 9-4. Danh sách gồm nhiều nền kinh tế lớn như Trung Quốc (34%), Liên minh châu Âu (20%), Ấn Độ (26%), Hàn Quốc (25%), Nhật Bản (24%), Thái Lan (36%), Indonesia (32%), Malaysia (24%)… Washington biện minh mức thuế đối ứng này chỉ bằng một nửa mức thuế mà các quốc gia đó đang áp lên hàng hóa của họ.

Làn sóng chỉ trích

Ông Trump gọi động thái áp thuế mang tính lịch sử nói trên là “tuyên ngôn độc lập kinh tế” trong khi nhiều đối tác thương mại kiên quyết phản đối, kèm theo những lời chỉ trích mạnh mẽ, theo Reuters. EU bày tỏ sự thất vọng khi mô tả thuế quan phổ quát của Mỹ là đòn giáng mạnh vào kinh tế thế giới và tuyên bố chuẩn bị biện pháp đối phó nếu đàm phán với Washington thất bại. Thủ tướng Canada Mark Carney cho biết nước này sẽ có biện pháp đối phó để chống lại mức thuế quan mới trên diện rộng của Mỹ, theo CBC News. Thủ tướng Ý Giorgia Meloni gọi thuế quan của Mỹ là quyết định sai lầm và không vì lợi ích của bất kỳ bên nào, Politico trích dẫn.

Tại châu Á, theo Global Times, Trung Quốc kêu gọi Mỹ hủy bỏ ngay lập tức chính sách thuế quan đơn phương và giải quyết bất đồng với các đối tác thương mại thông qua đối thoại. Bắc Kinh sẽ kiên quyết thực hiện biện pháp đối phó để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Bộ Thương mại Trung Quốc chỉ trích cái gọi là “thuế quan có đi có lại”, được xác định dựa trên các đánh giá đơn phương và chủ quan, vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế, làm suy yếu quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan… Tương tự, Hàn Quốc và Thái Lan đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp để thảo luận chiến lược ứng phó.

Giới quan sát lo ngại nguy cơ mức thuế mới của Mỹ đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên toàn cầu hóa đã thúc đẩy kinh tế thế giới suốt nhiều thập kỷ, đồng nghĩa với sự quay lưng với những nền tảng tạo nên giá trị toàn cầu, cũng như sự tăng trưởng và thịnh vượng của nhiều khu vực trên thế giới như lời nhận định của lãnh đạo Hiệp hội Công nghiệp ô-tô Đức (VDA): “Đây không phải nước Mỹ trên hết, đây là nước Mỹ đơn độc”.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho rằng: “Mọi người đều từng hưởng lợi từ vị thế của Mỹ, quốc gia cam kết với trật tự đa phương, dựa trên luật lệ. Nhưng ngày nay, chúng ta phải đối mặt với sự khép kín, phân mảnh và bất định”, bà Lagarde nêu rõ, với ẩn ý đề cập đến thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh với lạm phát thấp và thương mại toàn cầu mở rộng.

Những biến động đầu tiên

Chưa rõ liệu “canh bạc” thuế quan mới của ông Trump có thực sự mang lại “cú hích” cho kinh tế Mỹ như kỳ vọng của giới chức nước này hay không, nhưng đa số các nhà phân tích đều có cái nhìn bi quan, thậm chí còn dự đoán nguy cơ suy thoái kinh tế gia tăng với Mỹ.

“Đợt tăng thuế lịch sử” có thể đẩy trật tự toàn cầu đến điểm tan vỡ và khởi động quá trình chuyển đổi đau đớn cho chính người dân Mỹ, đặc biệt người tiêu dùng có thu nhập thấp, khi các mặt hàng thiết yếu đều sẽ trở nên đắt đỏ hơn, chưa kể tác động từ việc phá vỡ các liên minh được xây dựng với Mỹ để bảo đảm hòa bình và ổn định kinh tế. Chính sách thuế quan của Tổng thống Trump cũng làm giảm niềm tin vào đồng USD và thúc đẩy giới đầu tư tìm kiếm các giao dịch ngoại hối khác. Chưa kể, một số công ty mang tính biểu tượng nhất của Mỹ như Apple có thể bị cuốn vào cuộc chiến thương mại này.

Theo CNN, tác động đầu tiên có thể cảm nhận rõ lúc này là sự lao dốc của thị trường chứng khoán Mỹ với sắc đỏ bao trùm phiên giao dịch ngay sau khi Tổng thống Trump công bố thuế quan có đi có lại áp lên hơn 180 đối tác thương mại khi chỉ số Dow Jones giảm 0,61%, S&P 500 giảm 1,69% và Nasdaq-100 giảm 2,54%. Các thị trường châu Á như Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đồng loạt giảm mạnh.

Giá dầu thô cũng sụt mạnh do nhà đầu tư lo ngại cuộc chiến thương mại leo thang sẽ đặt ra trở ngại lớn đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, giá vàng tăng vọt lên mức kỷ lục mới. “Mức thuế quan mới tệ hơn những gì mà nhà đầu tư từng lo sợ, và mức độ tác động vẫn chưa được phản ánh hết trên thị trường”, chuyên gia Art Hogan của công ty B. Riley Wealth Management nhận định với CNBC.

Dư luận hiện đang dõi theo liệu “canh bạc” chính trị này của Tổng thống Trump có thành công, hay sẽ là “gậy ông đập lưng ông” gây tổn thương cho chính kinh tế Mỹ? Và các quốc gia có tìm cách đàm phán để tránh leo thang căng thẳng thuế quan hay là “ăn miếng trả miếng”? Cũng cần nói thêm rằng lịch sử đã chứng minh rằng việc tăng thuế không giải quyết được các vấn đề của riêng Mỹ khi nó gây tổn hại đến lợi ích, uy tín của Mỹ đồng thời đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu và không có bên nào chiến thắng trong cuộc chiến thương mại.

THƯ LÊ

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

5 + bốn =