Nhật Bản tăng cường năng lực ứng phó thảm họa

16 lượt xem - Đăng vào

Nhật Bản tăng cường năng lực ứng phó thảm họa

.

Chính phủ Nhật Bản lên kế hoạch đầu tư hơn 20.000 tỷ yên (tương đương 134 tỷ USD) để tăng cường khả năng chống chịu trước thảm họa. Khoản ngân sách này cao hơn đáng kể so với kế hoạch hiện tại, cho thấy sự chú trọng ngày càng tăng của nước này vào việc chuẩn bị và ứng phó với các trận động đất lớn trong tương lai.

Khoản ngân sách kỷ lục sẽ được triển khai trong 5 năm, kể từ năm tài chính 2026. Kế hoạch dự kiến được chính thức phê duyệt vào tháng 6-2024. “Chúng ta phải kiên trì thúc đẩy các biện pháp để giảm thiệt hại”, Kyodo News trích dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru, nêu rõ tại cuộc họp gần đây về thúc đẩy khả năng phục hồi quốc gia. Ông Ishiba cũng lưu ý tác động tiềm tàng của trận động đất quy mô lớn có thể xảy ra và sự lo lắng ngày càng tăng của công chúng về cơ sở hạ tầng đang xuống cấp.

Theo Yomiuri News, kế hoạch phục hồi mới tập trung triển khai hơn 300 dự án. Trong đó nâng cấp hệ thống điện, nước để có thể chống chịu với động đất, cùng với sửa chữa đường sá và cầu tại khoảng 92.000 địa điểm toàn quốc. Bên cạnh đó, tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại và kỹ thuật số trong phòng ngừa thiên tai, đẩy mạnh hợp tác giữa khu vực công và tư nhân, đồng thời thúc đẩy sự chuẩn bị ứng phó trong cộng đồng địa phương.

Kế hoạch nói trên được công bố sau khi nhóm công tác quản lý thảm họa của Chính phủ Nhật Bản đưa ra cảnh báo về siêu động đất ở vùng rãnh Nankai, khu vực rìa vùng đáy đại dương dọc bờ biển Thái Bình Dương. Theo đó, nếu xảy ra, ước tính thảm họa này có thể gây thương vong rất lớn và gây thiệt hại kinh tế tới hơn 270.000 tỷ yên (tương đương 1.810 tỷ USD). Đầu năm 2025, các đường ống nước thải ngầm mục nát đã tạo hố sụt ở Yashio (tỉnh Saitama), gần thủ đô Tokyo, nuốt chửng một chiếc xe tải.

Nhiều khu vực của Nhật Bản đang đứng trước nguy cơ xảy ra động đất lớn trong 30 năm tới, theo đánh giá của các cơ quan nghiên cứu động đất vào tháng 1-2025. Rãnh Nankai ngoài khơi bờ biển phía đông nam có khả năng cao xảy ra động đất có cường độ 8-9 độ richter; bờ biển Nemuro ở Hokkaido có khả năng xảy ra động đất có cường độ 7,8-8,5 độ richter; tỉnh Miyagi có khả năng hứng chịu trận động đất có cường độ từ 7,4 độ richter. Trước đó, tháng 1-2024, trận động đất mạnh 7,6 độ richter trên bán đảo Noto kết hợp với lượng mưa lớn, đã cướp đi sinh mạng của hơn 500 người, hơn 150.000 ngôi nhà bị hư hại. Một năm sau trận động đất, hơn 7.500 người di tản vẫn đang sống trong các nơi trú ẩn hoặc nhà ở tạm thời, theo Nippon News Network.

Gần đây, tác động của biến đổi khí hậu và yếu tố khác đã làm gia tăng cường độ của các thảm họa thiên nhiên trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia ngày càng quan tâm hơn đến “bosai”, khái niệm của Nhật Bản, bao gồm sáng kiến phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai, về cơ bản là nhằm mục đích phát triển các hệ thống toàn diện có khả năng chống chịu thiên tai. Vốn thường xuyên hứng chịu các thảm họa thiên nhiên, Nhật Bản đã tích lũy nhiều kinh nghiệm quý báu giúp họ phát triển nhiều hệ thống “bosai” độc đáo và sáng tạo các công nghệ phòng ngừa thiên tai.

Một trong những hệ thống như vậy là Spectee Pro, dịch vụ quản lý khủng hoảng dựa vào trí tuệ nhân tạo, có tiềm năng cải thiện đáng kể khả năng ứng phó với thảm họa. Cụ thể, hệ thống phân tích nhiều dữ liệu khác nhau, gồm các bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội, dữ liệu thời tiết và giao thông… để truyền tải thông tin chi tiết chính xác, theo thời gian thực về những gì đang xảy ra và ở đâu trong các tình huống thảm họa. Hiện công nghệ này đang mở rộng sang các thị trường châu Á.

THƯ LÊ

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

mười bảy − mười hai =