Giữ cho biển Đà Nẵng an toàn, văn minh
Đi dọc những bãi biển của thành phố, dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhân viên thuộc đội cứu hộ các bãi biển Đà Nẵng túc trực sẵn sàng vì sự an toàn cho người dân và du khách. Những hoạt động cứu hộ kịp thời và hiệu quả góp phần xây dựng hình ảnh Đà Nẵng là điểm đến “an toàn – văn minh”.
![]() |
Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng phối hợp các tổ chức, hiệp hội tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho nhân viên cứu hộ. Ảnh: TRẦN TRÚC |
Khoác trên mình bộ đồng phục vàng, đỏ với thân hình rắn rỏi, làn da bánh mật, những nhân viên đội cứu hộ của Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng luôn miệt mài với công việc bất kể ngày nắng hay mưa. Vào mùa cao điểm, khi lượng khách tăng đột biến, đội cứu hộ trực chiến xuyên suốt, ứng phó với mọi tình huống bất ngờ. Từng đi biển rồi bén duyên với nghề cứu hộ suốt 9 năm nay, ông Bùi Văn Công (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) luôn cố gắng bảo đảm an toàn cho người dân, du khách khi tắm biển.
Ông Công kể, trước đây mỗi thành viên trong đội đều có công việc khác nhau, nhưng phần lớn đã quen với biển, bơi lội giỏi và biết cách xử lý tình huống khẩn cấp. “Để làm công việc này, anh em chúng tôi phải trải qua quá trình đào tạo khắt khe, bơi ít nhất 800m để đáp ứng khả năng ứng cứu. Ngoài ra còn phải thuần thục kỹ năng lặn, hô hấp nhân tạo và khai thông đường thở… Suốt gần 10 năm gắn bó với nghề, mỗi khi cứu nạn được một vụ việc, tôi và các anh em đều rất vui và hạnh phúc vì có thể góp một chút sức để duy trì sự bình yên của thành phố”, ông Công chia sẻ.
Cũng theo các nhân viên cứu hộ, nguyên tắc quan trọng trong ứng cứu người gặp nguy hiểm là không bơi thẳng vào giữa dòng nước mà phải vòng sang hai bên, lợi dụng dòng chảy để đưa nạn nhân vào bờ an toàn. Người cứu hộ phải có đủ sức khỏe, kỹ năng xử lý tình huống và không thể chậm trễ khi phát hiện có người đuối nước, luôn trong tư thế sẵn sàng xuống biển. Đồng thời phải am hiểu vùng biển quản lý để không cho khách tắm ở khu vực nước sâu, phải phát hiện sớm các dấu hiệu nguy hiểm. Theo số liệu thống kê, từ năm 2022 đến nay, đội cứu hộ các bãi biển Đà Nẵng cứu gần 200 trường hợp an toàn.
Ông Nguyễn Quốc Vinh, Đội trưởng đội cứu hộ các bãi biển Đà Nẵng cho biết, toàn đội có gần 100 nhân viên được chia thành 20 tổ, làm nhiệm vụ cứu hộ khắp các bãi biển du lịch từ quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà đến quận Thanh Khê và Liên Chiểu. Lực lượng trong đội được phân công theo ca, bắt đầu 4 giờ 30 sáng đến 19 giờ tối hằng ngày, tăng cường tuần tra đêm đến 21 giờ 30 tại các khu vực trọng điểm. “Các anh em phải dậy sớm và xong việc lúc tối muộn bất kể thời tiết mưa gió.
Với lượng người tập trung quá đông, việc phải căng mắt theo dõi nhất cử nhất động của từng người thực sự là một thách thức. Do đó, các đội viên phải tập trung tinh thần cao độ nhận biết ai có nguy cơ gặp nguy hiểm để cảnh báo hoặc ứng cứu kịp thời. Bên cạnh đó, để giữ được an toàn trong lúc cứu hộ, việc duy trì sự bình tĩnh trong mọi tình huống là yếu tố rất quan trọng.
Làm hết ca trực nhưng chưa vội về khi bãi biển vẫn còn người tắm hoặc chưa đến giờ trực nhưng đã có mặt trên bãi biển để chủ động nắm tình hình… đó là thói quen mà mỗi nhân viên cứu hộ biển Đà Nẵng đã cùng nhau thực hiện trong suốt nhiều năm qua. Anh em trong đội luôn nhận thức việc bảo vệ an toàn cho người dân, du khách cũng là góp phần làm đẹp hơn cho hình ảnh thành phố du lịch Đà Nẵng”, ông Vinh chia sẻ.
Ông Phan Minh Hải, Phó trưởng ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng thông tin, thời gian qua đơn vị tích cực phối hợp các tổ chức, hiệp hội trong và ngoài nước nhằm nâng cao kỹ năng và nghiệp vụ cho nhân viên cứu hộ. Trong các khóa đào tạo này, nhân viên được hướng dẫn nâng cao kỹ năng như: sơ cứu CPR (hồi sinh tim phổi), sử dụng phao cứu hộ, kỹ năng chạy, bơi, vận chuyển nạn nhân và phòng chống đuối nước cho trẻ em. Đội được huấn luyện về cách nhận biết dòng chảy, tín hiệu cứu hộ và các kỹ năng làm việc theo nhóm để xử lý hiệu quả các tình huống cụ thể.
Ban quản lý triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho du khách tại các bãi biển như tăng cường lực lượng cứu hộ, bố trí 100% lực lượng cứu hộ trực tại các bãi tắm trọng điểm; duy trì tuần tra trong khung giờ trực hằng ngày, giăng phao tại các khu vực tắm an toàn; lắp đặt các bảng cảnh báo cấm tắm tại các khu vực nguy hiểm, có dòng chảy xa bờ; lắp đặt bảng khuyến cáo khu vực không có lực lượng cứu hộ…
Để chuẩn bị cho mùa cao điểm du lịch 2025, ban quản lý tiếp tục đào tạo và nâng cao chuyên môn cho đội ngũ cứu hộ; tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị cứu hộ; mở rộng các hoạt động tuyên truyền và giáo dục cộng đồng. Qua đó, giúp bảo đảm an toàn tuyệt đối cho du khách và người dân, cũng như góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Đà Nẵng là điểm đến “an toàn – văn minh”.
TRẦN TRÚC – THU HƯƠNG
Nguồn: Báo Đà Nẵng