Vùng Vịnh thúc đẩy hợp tác về năng lượng tái tạo với châu Á
Mối quan hệ hợp tác về năng lượng tái tạo ngày càng tăng của vùng Vịnh với Trung Quốc và Đông Nam Á đang định hình lại địa – chính trị năng lượng toàn cầu.
Các quốc gia Arab vùng Vịnh, vốn có nguồn dầu mỏ giàu có, đang tăng cường mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau về năng lượng với Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á, với việc ký kết một loạt thỏa thuận năng lượng tái tạo trị giá hàng chục tỷ USD gần đây trong bối cảnh thế giới chuyển hướng khỏi các loại nhiên liệu hóa thạch gây biến đổi khí hậu.
Dù chủ yếu được thúc đẩy bởi động cơ kinh tế, nhưng sự mở rộng nhanh chóng trong quan hệ đối tác năng lượng tái tạo giữa Trung Quốc và các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) đang định hình lại nền chính trị năng lượng toàn cầu. GCC cung cấp cho châu Á khoảng một nửa lượng dầu nhập khẩu, cũng như một lượng lớn khí đốt tự nhiên hóa lỏng và hóa dầu thiết yếu cho các ngành sản xuất của châu lục này.
Không giống như hoạt động thương mại dầu khí lâu đời, khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo giữa Trung Quốc và vùng Vịnh là sự hợp tác qua lại ngay từ đầu. Năm 2019, Quỹ Con đường tơ lụa của Trung Quốc mua 49% cổ phần của công ty ACWA Power của Saudi Arabia. Kể từ đó, công ty này đẩy mạnh các dự án năng lượng tái tạo trên khắp vùng Vịnh, châu Phi và Trung Á. Tháng 1-2025, ACWA Power thâm nhập thị trường Trung Quốc, hợp tác với Sungrow Renewables và Mingyang Smart Energy Group để phát triển hai dự án điện với công suất dự kiến hơn 1 gigawatt. Công ty cam kết đầu tư 30 tỷ USD vào năng lượng tái tạo tại Trung Quốc vào năm 2030, phù hợp với kế hoạch lắp đặt năng lượng sạch công suất 250-300GW mỗi năm của Bắc Kinh.
Theo các chuyên gia, các quốc gia vùng Vịnh rất muốn đa dạng hóa nguồn năng lượng, trong khi các công ty Trung Quốc mang đến chuyên môn kỹ thuật và vốn đầu tư. Các thỏa thuận gần đây nêu bật tốc độ hợp tác ngày càng tăng. Vào tháng 1-2025, PowerChina Guizhou Engineering ký hợp đồng xây dựng hai dự án năng lượng mặt trời tại Saudi Arabia với tổng công suất là 1,75GW.
Thỏa thuận này diễn ra sau các thỏa thuận trị giá khoảng 2 tỷ USD giữa Riyadh và 2 công ty Trung Quốc Jinko Solar và TCL Zhonghuan vào tháng 7-2024 để thành lập các nhà máy sản xuất 30GW pin quang điện mỗi năm. Tập đoàn BYD (Trung Quốc) ký thỏa thuận vào tháng 2-2025 để xây dựng mạng lưới lưu trữ pin lớn nhất thế giới tại Saudi Arabia, trải dài trên 5 địa điểm với tổng công suất là 12,5GWh.
Bên cạnh Trung Quốc, các nước vùng Vịnh cũng tăng cường hợp tác với các nước Đông Nam Á. Công ty năng lượng tái tạo hàng đầu có trụ sở tại UAE là Masdar hợp tác với Tập đoàn Keppel (Singapore) để thực hiện dự án năng lượng tái tạo trên khắp Đông Nam Á, gồm hệ thống năng lượng mặt trời nổi và giải pháp lưu trữ năng lượng xuyên biên giới.
Tháng 1-2025, công ty của UAE thâm nhập thị trường Philippines với kế hoạch thực hiện các dự án năng lượng mặt trời, gió và pin công suất 1GW, đặt mục tiêu mở rộng lên 10GW vào năm 2035 thông qua khoản đầu tư 15 tỷ USD. Công ty đã thực hiện thỏa thuận tương tự với Malaysia vào năm 2023. Masdar cũng đàm phán với Indonesia để mở rộng quy mô nhà máy điện mặt trời nổi Cirata (nhà máy lớn nhất Đông Nam Á) và phát triển các dự án cho thủ đô mới Nusantara của nước này.
Đối với các quốc gia vùng Vịnh, sự chuyển dịch sang năng lượng tái tạo phù hợp với tham vọng đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này và đa dạng hóa nền kinh tế khỏi hydrocarbon. Theo ông Aisha al-Sarihi, thành viên Hội đồng Trung Đông về các vấn đề toàn cầu tại Doha, các khoản đầu tư nước ngoài vào năng lượng sạch cũng giúp bảo đảm quan hệ phụ thuộc lẫn nhau lâu dài, bên cạnh dầu khí. Trung Quốc và ASEAN, với mục tiêu hướng đến năng lượng tái tạo, tạo cơ hội cho vùng Vịnh tăng cường quan hệ chính trị và kinh tế trong một thế giới ngày càng đa cực.
“Đây là cơ hội để theo đuổi chiến lược liên kết đa phương… đặc biệt là trong bối cảnh cam kết của Mỹ đối với khu vực ngày càng không chắc chắn”, ông Sarihi nói. Đối với Trung Quốc và ASEAN, mối quan hệ chặt chẽ hơn với vùng Vịnh cũng tạo ra vùng đệm chống lại thuế quan và hạn chế thương mại của Mỹ, đồng thời cho phép tiếp cận nguồn vốn dồi dào của khu vực. Theo SCMP, châu Á vẫn là “trung tâm của nhu cầu năng lượng toàn cầu”, với tiến trình phi carbon hóa chậm hơn các khu vực khác.
NGHI VĂN
Nguồn: Báo Đà Nẵng