Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ ba, khóa X
Ngày 17-4, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ ba, khóa X để thảo luận, cho ý kiến một số nội dung trình tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
![]() |
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Minh Đức/TTXVN |
Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì hội nghị. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng; các đại biểu Ủy viên Trung ương Đảng là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương, Ủy viên Đoàn Chủ tịch; lãnh đạo Ban Dân vận và Tuyên giáo Trung ương, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, Đảng ủy MTTQ Việt Nam, các đoàn thể Trung ương; Văn phòng Quốc hội, cùng các cụ, các vị trong Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X.
Tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho việc sắp xếp, tổ chức bộ máy MTTQ Việt Nam
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam được tổ chức ngay sau khi Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa thành công rất tốt đẹp. Hội nghị Trung ương đã quyết định những nội dung quan trọng, mang tính cách mạng, có ý nghĩa lịch sử: Cơ bản thống nhất với các nội dung đề xuất của Bộ Chính trị và Đề án về phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; sắp xếp các tổ chức chính trị – xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; xây dựng hệ thống tổ chức đảng ở địa phương; chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Để triển khai kịp thời Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị – xã hội, các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch và chủ động, tích cực triển khai 9 nhiệm vụ được giao; đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 và các luật chuyên ngành của các tổ chức chính trị – xã hội để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho sắp xếp, tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam, bảo đảm đi vào hoạt động kể từ ngày 1-7-2025.
Cùng với đó, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ trình bày trước Quốc hội báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước kể từ sau kỳ họp thứ 8 đến nay.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết: Từ những nội dung trên, đại biểu tham dự Hội nghị sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung về hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân gửi tới Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Nhấn mạnh nội dung hội nghị rất quan trọng, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị các đại biểu phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, đề cao trách nhiệm, thảo luận sôi nổi nội dung các Tờ trình do Ban Thường trực chuẩn bị. Trên cơ sở đó, Ban Thường trực sẽ chỉ đạo tiếp thu, hoàn thiện các văn bản dự thảo, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Sửa đổi một số điều của Hiến pháp 2013 liên quan đến tổ chức bộ máy MTTQ
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày tờ trình xin ý kiến về hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Bà Tô Thị Bích Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày tờ trình xin ý kiến dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân gửi tới Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Đại diện Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng thông tin một số nội dung về tình hình kinh tế – xã hội của đất nước, việc sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.
Theo dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 liên quan đến tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam liên quan đến Điều 9, Điều 10 và Điều 84.
Cụ thể, Điều 9: MTTQ Việt Nam (thêm cụm từ “là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo); là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; (thêm cụm từ: “nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; nơi hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động của các giai cấp, tầng lớp xã hội, của toàn thể nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài); đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, giám sát, phản biện xã hội, tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân phản ảnh với các cơ quan nhà nước; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh là các tổ chức chính trị – xã hội (thêm cụm từ: “trực thuộc MTTQ Việt Nam”, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; (thêm cụm từ “được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ Việt Nam”); cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận (thêm cụm từ: “hiệp thương dân chủ”), phối hợp và thống nhất hành động (thêm cụm từ: “dưới sự chủ trì”) của MTTQ Việt Nam.
MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và (thêm cụm từ: “pháp luật, điều lệ MTTQ, điều lệ của mỗi tổ chức”). Nhà nước tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động.
Điều 10: Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, (thêm cụm từ: “trực thuộc MTTQ Việt Nam”; đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động; (thêm cụm từ: “là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn”); tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Điều 84: Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (bỏ cụm từ: “và cơ quan trung ương của các tổ chức thành viên của Mặt trận) có quyền trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Góp ý kiến về các nội dung sắp xếp, tổ chức bộ máy, bà Nguyễn Thị Doan, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đánh giá cao tinh thần làm việc, quyết tâm cao độ và ý chí phấn đấu vì Đảng, vì dân, vì nước của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương và Chính phủ cũng như MTTQ thời gian qua, nhất là trong việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Những quyết sách vừa qua của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương, sự triển khai của Chính phủ, MTTQ Việt Nam là việc ấp ủ từ lâu, việc các cơ quan rất nhiều năm đã xảy ra tình trạng một số công chức sáng cắp ô đi, tối cắp về. Việc này đã được nói từ nhiệm kỳ khóa 8, khóa 9, khóa 10. Bên cạnh đó, vấn đề hành chính phức tạp với rất nhiều cửa, đã làm khổ cho các doanh nghiệp, khổ cho dân… giờ mới được giải quyết.
Đánh giá cao việc sắp xếp tổ chức bộ máy MTTQ Việt Nam triển khai thời gian qua, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cho rằng, đây là việc làm hợp lý, khi sắp xếp các tổ chức chính trị – xã hội, các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc MTTQ Việt Nam về cơ bản không thay đổi về chức năng, nhiệm vụ mà chỉ sắp xếp lại theo hướng hợp lý.
Việc sắp xếp bộ máy ở Trung ương chính là một hình mẫu cho các địa phương sắp tới triển khai việc sáp nhập để mỗi địa phương sẽ quyết tâm cao hơn, triển khai nghiêm túc hơn. Trong thực hiện quyết tâm cao độ này, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội, các Hội đoàn thể đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong điều kiện “nước sôi, lửa bỏng” trong điều kiện chúng ta thực hiện đổi mới, cũng cần có các giải pháp cấp bách – Bà Nguyễn Thị Doan nêu rõ.
Đề cập đến nội dung Nghị quyết 57/NQ-TW về việc thu hút nhân tài, bà Nguyễn Thị Doan nêu quan điểm; Thực tế hiện nay, rất nhiều học sinh đạt Huy chương Vàng quốc tế, hoặc học giỏi các môn Toán, Lý, Hóa nhưng không chọn thi vào lĩnh vực khoa học tự nhiên, nghiên cứu cơ bản, lại thi vào lĩnh vực tài chính, kinh doanh, …
Do vậy trong một thời gian dài, đất nước ta bị “hẫng” một đội ngũ kỹ sư và những người nghiên cứu cơ bản. Để gỡ “nút thắt”, Chính phủ cần có giải pháp để thu hút nhân tài, có chế độ, chính sách ưu đãi cụ thể, phù hợp với nội dung Nghị quyết như: miễn 50% học phí và có học bổng để khuyến khích, thậm chí dành kinh phí để các cháu thi vào lĩnh vực nghiên cứu cơ bản được đi học tập, đào tạo ở nước ngoài.
Cần làm rõ trách nhiệm trong việc bảo đảm sức khỏe của người dân
Quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang nổi cộm hiện nay, nhất là đối với 600 loại sữa giả vừa qua, hiện tượng thức ăn đường phố…, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cho rằng cần làm rõ đơn vị quản lý, trách nhiệm của ai, để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, không thể để hiện tượng “một mâm cơm 5 người quản lý.
Đồng quan điểm, bà Bùi Thị Thanh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu thực tế hiện nay người dân rất băn khoăn lo lắng bất an về nhiều vấn đề nhất là giá vàng tăng đột biến, tình trạng sữa giả, thuốc giả rất nhức nhối gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Việc sáp nhập sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, người dân băn khoăn tới đây sẽ như thế nào sau khi sáp nhập “ai đi ai ở”,…
Hay thực trạng lừa đảo trên không gian mạng khiến người dân bất an, lo lắng. Từ thực trạng trên, bà Bùi Thị Thanh góp ý kiến: MTTQ Việt Nam cần kiến nghị với Đảng, Chính phủ sớm có biện pháp ổn định giá vàng giúp cho người dân an tâm, tin tưởng. Xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao, tội phạm sản xuất buôn bán hàng giả, hành kém chất lượng. Đồng thời, sau khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính và sắp xếp tổ chức bộ máy, Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, lắng nghe ý kiến, phát hiện những vấn đề bất cập để điều chỉnh hợp lý để đảm bảo quyền lợi người dân
Cùng mối quan tâm, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu rõ: Cần mạnh mẽ lên án, tìm giải pháp quyết liệt, có hiệu quả để giải quyết vấn nạn liên quan vụ gần 600 loại sữa giả.
Dẫn chứng việc hai doanh nghiệp Rance Pharma và Hacofood Group đã “lừa dân” trong 4 năm sản xuất, tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai, doanh thu gần 500 tỷ đồng, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Đường nêu rõ: “Họ dùng quảng cáo nêu thành phần chiết xuất từ tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột mắc ca, bột óc chó…, nhưng thực tế sản phẩm hoàn toàn không có những chất này. Tiếp tay lại là những nhân vật có tiếng trong showbiz, quảng cáo rất rầm rộ, ‘lừa dân’ đến 4 năm liền. Do đó, phải lên án, phải chấm dứt vấn đề này, đề nghị các cơ quan chức năng phải phát hiện sớm và xử lý”…
Theo TTXVN
Nguồn: Báo Đà Nẵng
- Bí thư Đà Nẵng: Rà lại việc “đi lấy ý kiến” làm tái định cư cho cao tốc
- Ngư dân đứt bàn chân giữa biển, may mắn được cứu sống nhờ phản ứng nhanh của đội cứu nạn
- Cõng sách lên non
- Nghiên cứu xây 5 hòn đảo trên vịnh Đà Nẵng, giống với mô hình của Dubai
- Tìm kiếm giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho dự án đường sắt tốc độ cao