An ninh năng lượng của châu Âu vẫn bấp bênh

17 lượt xem - Đăng vào
Một cơ sở xử lý khí đốt do Gazprom vận hành tại mỏ khí Bovanenkovo trên bán đảo Yamal, vùng Bắc Cực của Nga. Ảnh: Maxim Shemetov/Reuters

An ninh năng lượng của châu Âu vẫn bấp bênh

.

Sau 3 năm từ bỏ nguồn khí đốt giá rẻ từ Nga, châu Âu đang đứng trước sức ép kép: một bên là nền công nghiệp ngày càng tổn thương vì giá năng lượng neo cao, một bên là căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Một cơ sở xử lý khí đốt do Gazprom vận hành tại mỏ khí Bovanenkovo trên bán đảo Yamal, vùng Bắc Cực của Nga. Ảnh: Maxim Shemetov/Reuters
Một cơ sở xử lý khí đốt do Gazprom vận hành tại mỏ khí Bovanenkovo trên bán đảo Yamal, vùng Bắc Cực của Nga. Ảnh: Maxim Shemetov/Reuters

Tại khu công nghiệp hóa chất Leuna ở miền đông nước Đức, nơi từng phụ thuộc tới 60% vào khí đốt Nga giá rẻ, tiếng máy móc đang dần lặng im. Ngành công nghiệp hóa chất Đức đã cắt giảm việc làm suốt 5 quý liên tiếp, điều chưa từng xảy ra trong nhiều thập niên qua. Trong khi đó, tại Brussels (Bỉ) các quan chức EU đang đau đầu với bài toán nan giải: làm sao dung hòa giữa lợi ích kinh tế và nguyên tắc chính trị. Họ phải lựa chọn giữa việc tiếp tục nhập khẩu LNG đắt đỏ từ Mỹ, hay từng bước nối lại nguồn cung khí đốt từ Nga, quốc gia mà EU từng tuyên bố sẽ chấm dứt phụ thuộc hoàn toàn vào năm 2027.

Tiếng nói từ ngành công nghiệp

Hơn 3 năm sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, bức tranh năng lượng châu Âu thay đổi rõ rệt. Năm 2023, khí đốt từ Mỹ chiếm 16,7% tổng lượng nhập khẩu của EU, đứng sau Na Uy (33,6%) và Nga (18,8%), theo số liệu của Reuters. Tuy nhiên, thị phần của Nga dự kiến giảm xuống dưới 10% trong năm nay, do tác động của các lệnh trừng phạt và việc Ukraine đóng đường ống dẫn khí.

Tại Đức, quốc gia từng phụ thuộc vào nguồn cung vào khí đốt Nga, việc chuyển sang các nguồn thay thế đắt đỏ hơn đã trở thành gánh nặng lớn với nhiều doanh nghiệp.

Ông Klaus Paur, CEO Leuna-Harze, nhà sản xuất hóa dầu tại Leuna, nêu quan điểm thẳng thắn với Reuters: “Chúng tôi cần khí đốt Nga, cần năng lượng giá rẻ, bất kể nó đến từ đâu”. Trong khi đó, ông Christof Guenther, Giám đốc điều hành của InfraLeuna, đơn vị điều hành Công viên Hóa chất Leuna (Đức) nói rằng việc khôi phục đường ống sẽ giúp hạ giá năng lượng hiệu quả hơn bất kỳ chương trình trợ giá nào. Lời cảnh báo này phản ánh mối lo ngày càng lớn của ngành công nghiệp châu Âu trước nguy cơ mất sức cạnh tranh vì chi phí năng lượng tăng cao.

Tại Pháp, ông Patrick Pouyanne, CEO Tập đoàn TotalEnergies, cảnh báo không nên quá lệ thuộc vào nguồn khí từ Mỹ: “Chúng ta cần đa dạng hóa, cần nhiều tuyến cung ứng, không nên quá phụ thuộc vào một hoặc hai tuyến”, ông nói và dự đoán EU có thể nhập khoảng 70 tỷ m3 khí đốt Nga sau khi xung đột ở Ukraine kết thúc.

Dư luận cũng bắt đầu thay đổi. Khảo sát của Viện Forsa cho thấy 49% người dân bang Mecklenburg-Vorpommern, nơi đường ống Nord Stream từ Nga dẫn vào Đức mong muốn quay lại sử dụng khí đốt của Nga.

“Tiến thoái lưỡng nan”

Trong lúc doanh nghiệp châu Âu cần năng lượng giá rẻ để duy trì sản xuất, EU lại đối mặt sức ép chính trị ngày càng tăng từ Mỹ. Ngày 8-4, Tổng thống Trump áp thuế 20% lên hàng hóa EU và yêu cầu khối này chi thêm 350 tỷ USD cho năng lượng Mỹ nhằm bù đắp “thâm hụt thương mại dai dẳng”. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau ông Trump thông báo tạm hoãn hầu hết các mức thuế trong 90 ngày, tạo cơ hội đàm phán. EU nhanh chóng tận dụng thời gian này để nối lại các cuộc thương lượng về việc tăng nhập khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, theo Politico.

Trong bối cảnh đó, bà Tatiana Mitrova, nhà nghiên cứu tại Đại học Columbia, nhận định với Reuters: “Thật ngày càng khó coi LNG của Mỹ là mặt hàng trung lập… nó có thể trở thành công cụ địa chính trị”. Một nhà ngoại giao cấp cao EU cũng thừa nhận khả năng đó khi cho rằng không ai có thể loại trừ khả năng đòn bẩy này sẽ được sử dụng.

Cùng lúc, EU vẫn trì hoãn công bố lộ trình cụ thể để chấm dứt phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch của Nga trước năm 2027. Theo Reuters, lý do một phần đến từ sự bất ổn xoay quanh chính sách thuế quan của Tổng thống Trump, yếu tố có thể ảnh hưởng đến đàm phán thương mại EU – Mỹ.

Đáng chú ý, theo The Guardian, Ủy ban châu Âu đang xem xét cho phép doanh nghiệp châu Âu rút khỏi các hợp đồng khí đốt dài hạn với Nga mà không phải trả phạt. Kế hoạch này là một phần trong lộ trình giảm dần phụ thuộc vào nhiên liệu Nga đến năm 2027.

Mỹ – Nga – EU trên bàn cờ năng lượng
Khủng hoảng năng lượng làm thay đổi toàn diện cấu trúc thị trường khí đốt toàn cầu. Theo S&P Global Commodity Insights,  “làn sóng LNG mới” đang hình thành, với 10,3 triệu tấn LNG được ký hợp đồng cung cấp cho châu Âu từ các nhà máy đang xây dựng tại Mỹ. Thêm 9,5 triệu tấn nữa cũng sẵn sàng cho người mua, gồm cả châu Âu. Tổng lượng này vượt quá 17 triệu tấn LNG mà EU nhập từ Nga năm ngoái và sẽ đi vào hoạt động vào hoặc trước năm 2029”, theo The Financial Times. Tuy nhiên, giá cả vẫn là rào cản lớn. Giá khí đốt ở châu Âu hiện cao gấp 3 lần so với Mỹ và vẫn duy trì mức gấp đôi thời điểm trước khi xung đột ở Ukraine bùng phát. Các chuyên gia nhận định, chính các quyết định thương mại và tín hiệu giá sẽ là yếu tố quyết định dòng chảy LNG từ Mỹ sang châu Âu, chứ không phải các sắc lệnh chính phủ. Đáng chú ý, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu khí đốt tự nhiên tại EU sẽ giảm 25% vào năm 2030 so với năm 2023, tín hiệu cho thấy thị trường có thể tự điều chỉnh khi năng lượng tái tạo dần chiếm ưu thế.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

19 + 16 =