Những ngang qua chạm miền sâu thẳm…
“Sống đã rồi hãy viết”, tâm niệm ấy của nhà văn Nam Cao đã trở thành thông điệp sáng tác cho bao người cầm bút. Sống là hành trình miệt mài gom nhặt muôn thái trạng của cuộc đời để làm đầy hành trang sáng tạo, là cuộc đối thoại bền bỉ với nhân sinh để biết nhân sinh đang đòi hỏi điều gì và từ đó định nghĩa bản thân bằng những văn bản tâm hồn sống động nhất. Mọi thực hành sáng tạo vì thế luôn là sự kết nối đặc biệt của chủ thể với hiện thực. Có thể nói, cuốn trường ca “Ngang qua bình minh” của tác giả Lữ Mai là một sự thể hiện tiêu biểu tinh thần ấy của một cây bút thế hệ mới.
![]() |
Độc giả biết đến Lữ Mai với tư cách là một nhà báo, nhà thơ. Hành trình sống và viết của chị là một con đường in dấu sắc nét sự say mê, tâm huyết của một cây bút giàu năng lượng. Với nhiều đầu sách ở nhiều thể loại khác nhau và nhiều giải thưởng văn chương uy tín, nhà thơ Lữ Mai đã khẳng định dấu ấn sáng tạo riêng có.
Tác giả dành sự quan tâm đặc biệt với đề tài người lính và chiến tranh cách mạng. Sự thể hiện đề tài này của chị đã mang đến cho bầu quyển văn chương đương đại những sắc màu mới mẻ. “Ngang qua bình minh” nằm trong chương trình đầu tư sáng tác Văn học của Bộ Quốc phòng, do NXB Văn học ấn hành năm 2020, được trao giải Ba giải thưởng sáng tác về đề tài biên giới, hải đảo giai đoạn từ 1975 đến nay của Hội Nhà văn Việt Nam.
Khai thác sâu những thế mạnh của trường ca trong việc thể hiện hình tượng, đan cài những câu chuyện và chuyển tải cảm xúc. Xuyên suốt 8 chương: “Khởi tại Điêu Lương”, “Linh thoại”, “Ảo giác”, “Vẽ lại bình minh”, “Giấc mơ trổ vào thân sóng”, “Chuỗi ngày sao biển”, “Miền trong suốt”, “Trở về” nhà thơ Lữ Mai đã dẫn lối người đọc đi từ góc nhìn này qua góc nhìn khác, từ đó mở rộng được những chiều kích trong cảm quan khi nghĩ về biển đảo quê hương và những chủ thể đang “trổ vào thân sóng”.
Sự mênh mông của muôn trùng, sự xa xôi của khoảng cách, sự sâu thẳm của nỗi niềm người lính trải lên những câu thơ tự do. Xúc cảm của cuốn sách mang đến cho độc giả vì thế cũng tựa như những ngọn sóng chạm vào sâu thẳm người đọc. Cả những suy nghiệm ẩn chìm trong từng khúc, từng chương cũng khiến người đọc dừng lại để hình dung và đối thoại, từ đó thấu hiểu sâu sắc về câu chuyện của những người lính hải quân: “đêm nào cũng như đêm nay/ không giấc mơ trọn vẹn/ bình yên mà chông chênh/ căng nhịp thở giữa bộn bề cạm bẫy/ ước gì/ suốt kiếp bám biển trời/ thảnh thơi câu ánh trăng đẫm gối…”.
Nhà thơ Lữ Mai đã nối lòng mình vào nỗi niềm của những người lính, có những tiếp xúc thực tế với biển đảo và cũng có những liên tưởng sâu xa. Khởi nguyên của người lính đất Điêu Lương với những mạch nguồn lịch sử: “… chỉ có họ mới có thể chuyện trò/ với những linh hồn nương náu đất Điêu Lương” đã thôi thúc họ ra đi, để tiếp nối và khẳng định những giá trị.
Ở đó, hình ảnh người mẹ, rộng ra là tấm lòng hậu phương chứa đầy khắc khoải, dẫu vẫn “biết trước rồi khôn lớn sẽ theo cha/ thế mà vẫn đứt từng khúc ruột/ buốt xót đầy lên/ lâu tan hơn cả giọt chuông chiều”.
Điểm đặt trường ca ấy vậy luôn được xoáy sâu, từng câu chuyện được thể hiện cảm động. Hành trình của người lính vì thế chính là hành trình lặng im cao cả, nới rộng chính mình và cả nỗi niềm người mẹ với sâu thẳm của biển khơi. Để rồi khi ra với mênh mông, những giấc mơ luôn thao thức, vừa trổ vào thân sóng, vừa lặn vào thao thức miền xưa. Tâm tình người lính hải quân tỏ cùng mẹ, người yêu và quê hương ấy vậy được khắc họa trong nhiều cảnh huống trên biển: “cả sao trời đung đưa/ khắc khoải muốn gửi về cho mẹ/ gửi em chuỗi ngày sao biển lân tinh/ giống chuyện đôi mình”.
Tất cả phác họa nên những màu sắc đa dạng nhưng thống nhất về vẻ đẹp vốn và cả những chấm phá hiện đại của hình tượng người lính trong văn chương. Những vẻ đẹp ấy được nhà thơ Lữ Mai thể hiện đầy xúc động và ám gợi: “những người lính của ta ơi/ đêm nhoi nhói sáng biển trời mênh mông/ đảo mình chấm nhỏ bâng khuâng/ bão gầm sóng cuộn nước dâng nghẹn lòng”.
“Ngang qua bình minh” là sự giao hòa giữa không gian – thời gian, giữa quá khứ – hiện tại, giữa hiện thực – biến ảo cùng hệ thống thi ảnh giàu tính ẩn dụ đã mở ra nhiều chiều kích suy tưởng. Và rồi, hình tượng người lính lại hiện lên với vẻ đẹp của tâm thế muôn đời, của khát vọng là chủ và làm chủ biển trời quê hương: “tận cùng quyết tử là gì/ là thành thực trao đi một giấc mơ/ vui buồn chẳng rõ/ để tự hòa mình trong dải lụa lân tinh”. Trường ca cứ thế gieo vào lòng người những chiêm ngẫm về khát vọng cao đẹp của người lính giữa biển khơi.
“Ngang qua bình minh” cũng đem đến những khoảng lặng trong trải nghiệm văn chương của độc giả. Những mất mát hy sinh, những tận cùng quyết tử, những giấc mơ mãi mãi gửi lại lòng đại dương được nhà thơ Lữ Mai thể hiện đầy nghẹn ngào. Giá trị của hòa bình và sâu thẳm của bình minh xanh kia là những linh hồn ở lại để định nghĩa những chân lý muôn thuở về chủ quyền.
Mỗi sáng tạo nghệ thuật đích thực bao giờ cũng có khả năng tạo nên những sự ám ảnh sâu sắc. Kết tinh từ những trải nghiệm sau chuyến đi ra với biển đảo quê hương, cuốn sách vì thế càng mang đến những xúc cảm dào dạt mà lắng sâu về hình tượng người lính hải quân. Tập trường ca của Lữ Mai chính là sự kết nối sâu sắc với dòng chảy đời sống, góp thêm một tiếng nói bằng văn chương về chủ quyền biển đảo. Và đến cùng, đó là những ngang qua chạm sâu vào tâm hồn người đọc.
HOÀNG TRẦN
Nguồn: Báo Đà Nẵng