Các đại học Mỹ đối mặt khủng hoảng kép

15 lượt xem - Đăng vào

Các đại học Mỹ đối mặt khủng hoảng kép

.

Hiện tượng du học sinh tại Mỹ bị hủy tình trạng cư trú hợp pháp ngày càng nhiều, khiến họ có thể bỏ qua Mỹ để tìm đến các quốc gia thân thiện hơn. Việc mất đi nguồn sinh viên quốc tế có thể gây tổn hại đến các trường học và nền kinh tế Mỹ.

Bị tước thị thực

Theo AP, du học sinh đến Mỹ thường được cấp thị thực F-1 và phải đáp ứng yêu cầu cụ thể của chính quyền liên bang và trường theo học. Hoạt động thu hồi bắt đầu từ cuối tháng 3-2025 sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ triển khai chương trình “Bắt và thu hồi” (Catch and Revoke) sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để rà soát nền tảng mạng xã hội, xác định những sinh viên quốc tế công khai bày tỏ quan điểm “cực đoan”, theo cách đánh giá từ nhà chức trách Mỹ. Những cá nhân bị phát hiện sẽ bị hủy thị thực tại Mỹ mà không cần thông báo trước.

Tốc độ và quy mô hủy bỏ tình trạng cư trú hợp pháp của sinh viên quốc tế khiến các trường đại học khắp nước Mỹ choáng váng. Hầu như không có khu vực nào trong hệ thống giáo dục đại học tránh khỏi tình trạng này, từ các trường đại học tư danh tiếng, viện nghiên cứu công lập lớn đến những trường cao đẳng nghệ thuật nhỏ đều phát hiện tình trạng sinh viên bị mất tư cách cư trú liên tục xảy ra. Theo AP, đến nay, hơn 1.000 sinh viên tại 160 trường đại học, cao đẳng và hệ thống đại học bị thu hồi thị thực hoặc bị chấm dứt tình trạng cư trú hợp pháp. Các tổ chức bảo vệ quyền lợi sinh viên cho rằng có thể còn hàng trăm sinh viên nữa bị ảnh hưởng bởi chiến dịch trấn áp này.

Nhiều trường đại học có sinh viên bị thu hồi visa cho biết, họ không nhận được thông báo chính thức từ nhà chức trách về lý do cụ thể khiến sinh viên bị thu hồi visa. Nhiều trường hợp chỉ được phát hiện khi kiểm tra cơ sở dữ liệu của Bộ An ninh nội địa. Bà Fanta Aw, Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế (NAFSA) nói rằng, những diễn biến gần đây khiến sinh viên lo lắng về việc có thể bị tước thị thực mà không lường trước được.

Tổn hại kinh tế và nguồn “chất xám”

The New York Times (NYT) dẫn số liệu NAFSA cho biết, năm 2024, có khoảng 1,1 triệu sinh viên quốc tế học tập tại Mỹ và số du học sinh này đóng góp 43,8 tỷ USD cho kinh tế Mỹ. Đây cũng là nguồn thu quan trọng đối với các trường hoạt động dựa vào học phí. Theo TS. Gaurav Khanna, chuyên gia kinh tế tại Đại học California ở San Diego, các trường có thể thu hút sinh viên nước ngoài thường có thể tránh tăng học phí trong tiểu bang cho sinh viên trong nước và cắt giảm lớn về nghiên cứu và giảng dạy.

Trong khi đó, The Guardian dẫn lời GS. Chris Glass, giảng viên Trường Boston College (Mỹ), cho biết, số lượng sinh viên quốc tế nhập học tại Mỹ trong năm nay ước tính giảm hơn 11%, tương đương khoảng 130.000 sinh viên, gây thất thu gần 4 tỷ USD cho hệ thống giáo dục đại học tại Mỹ. Ông Chris Glass cảnh báo tình hình có thể trở nên nghiêm trọng hơn, nếu nhà chức trách tiếp tục thắt chặt chính sách xét duyệt thị thực và cắt giảm ngân sách nghiên cứu dành cho các trường đại học. Tại nhiều trường đại học quy mô nhỏ, sinh viên quốc tế chiếm tới gần một nửa tổng số sinh viên. Nếu sinh viên quốc tế giảm mạnh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng về tài chính đối với các trường đại học và cao đẳng quy mô nhỏ.

Ngoài những tác động về kinh tế, các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực giáo dục đại học lo ngại rằng việc giảm tuyển sinh quốc tế sẽ ngăn cản những bộ óc hàng đầu thế giới đến Mỹ. “Mối đe dọa về việc thu hồi thị thực bất ngờ sẽ khiến khả năng những tài năng chất xám từ khắp nơi trên thế giới đến Mỹ trở nên thấp hơn. Điều đó sẽ gây tổn hại đến khả năng cạnh tranh và vị thế dẫn đầu về khoa học của Mỹ trong nhiều năm tới”, NYT dẫn lời TS Sally Kornbluth, Hiệu trưởng Học viện Công nghệ Massachusetts, cho biết.

NGHI VĂN

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1 + mười bốn =