Chuyên gia kinh tế thế giới phản đối chính sách thuế quan của Mỹ
Hơn 1.000 người, gồm các nhà kinh tế hàng đầu thế giới, cùng ký tuyên bố phản đối chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump là “sai lầm”, đồng thời cảnh báo nguy cơ “tự gây ra suy thoái kinh tế”.
![]() |
Quang cảnh cảng hàng hóa Long Beach ở California (Mỹ). Ảnh: THX/TTXVN |
Theo Global Times, chủ nhân giải Nobel Kinh tế, Vernon Smith và James Heckman, cùng với các nhà kinh tế và học giả khác khởi xướng “Lời kêu gọi phản đối các chính sách thuế quan có hại” trên trang web anti-tariff.org ngày 18-4. Bức thư thu hút sự chú ý cuối tuần qua và tính đến chiều 21-4, có ít nhất 1.200 cá nhân ký tên. Bức thư mở đầu nêu rõ, sự thịnh vượng của Mỹ trước đây bắt nguồn từ nguyên tắc của tinh thần kinh doanh và trao đổi kinh tế tự nguyện.
Tuy nhiên, chính quyền Trump 2.0 đã áp dụng thuế quan bảo hộ bằng các sắc lệnh hành pháp đơn phương, gây ra sự bất ổn và hỗn loạn cho kinh tế toàn cầu thông qua các mức thuế biến động mạnh và các lệnh liên tục thay đổi. Tổng cộng, họ áp đặt mức tăng thuế lớn nhất đối với thương mại trong gần một thế kỷ. Thực tế cho thấy thuế quan hà khắc không phải là hành động “giải phóng kinh tế” mà thực chất đang đảo ngược các nguyên tắc tự do vốn mở ra kỷ nguyên tự do và thịnh vượng do Mỹ dẫn dắt trước đây.
Các mức thuế quan của chính quyền Mỹ hiện tại được thúc đẩy bởi sự hiểu lầm về các điều kiện kinh tế mà người Mỹ phải đối mặt. Người lao động Mỹ sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của những chính sách sai lầm này dưới hình thức giá cả tăng và nguy cơ suy thoái tự gây ra. Bên cạnh đó, mức thuế đối ứng đang ảnh hưởng tới hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bản tuyên bố nêu rõ: “Cần phải nhắc lại một thực tế hiển nhiên: chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ chưa bao giờ làm nước Mỹ thịnh vượng”.
Đáng chú ý, các mức thuế đối ứng này được tính toán dựa trên “công thức sai lầm và tùy tiện không có cơ sở trong thực tế kinh tế”. Các phép tính này đi chệch khỏi các phương pháp đã thiết lập để tính thuế quan đối ứng như được nêu trong Đạo luật Thương mại năm 1974, lặp lại sai lầm lớn của Thuế quan Smoot-Hawley năm 1930 vốn bị hơn 1.000 nhà kinh tế phản đối một bức thư ngỏ gửi Quốc hội Mỹ nhưng bị phớt lờ.
Thuế quan Smoot-Hawley với chính sách tăng mạnh thuế nhập khẩu, làm trầm trọng thêm cuộc Đại suy thoái ở Mỹ và lan rộng ra toàn cầu vào thời điểm đó. Tiến sĩ Joseph Stiglitz, chủ nhân giải Nobel Kinh tế năm 2001, cảnh báo: “Chủ nghĩa bảo hộ thời đại mới dưới thời Trump không chỉ đơn giản là chiến thuật thương mại. Nó là biểu hiện của tầm nhìn kinh tế đóng kín, thiển cận và mang rủi ro lớn cho kinh tế toàn cầu”.
Một số chuyên gia cảnh báo rằng chính sách thương mại của ông Trump không thuần túy là bảo vệ nền công nghiệp Mỹ mà mang tính chính trị. Việc đánh thuế cao có thể được xem là một phần của chiến lược “vũ khí hóa kinh tế” nhằm đạt các mục tiêu địa chính trị”, theo ông Edward Alden, chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR) nói với CNN. Tuy nhiên, đây là “con dao hai lưỡi” khi các đối tác thương mại sẽ dần mất niềm tin vào cam kết thị trường mở của Mỹ và chuyển hướng sang các liên minh khác. “Chúng ta đang chứng kiến sự trỗi dậy của các khối thương mại không có Mỹ”, ông Alden cảnh báo.
Thông điệp từ tuyên bố nói trên là lời cảnh báo nghiêm túc về rủi ro kinh tế mà các chính sách thuế quan có thể gây ra. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt nhiều thách thức, việc áp dụng chính sách thương mại dựa trên bằng chứng và phân tích kinh tế vững chắc là điều cần thiết để bảo đảm sự ổn định và tăng trưởng bền vững.
Trong khi đó, theo TTXVN, trong một bài viết trên tờ New York Times mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự kiến công bố các dự báo mới cho thấy kinh tế thế giới năm nay sẽ tăng trưởng chậm hơn và lạm phát cao hơn so với dự báo trước đây. Điều này phản ánh hệ lụy toàn cầu từ cuộc chiến tranh thương mại của Mỹ. Các dự báo tăng trưởng sẽ cung cấp chỉ dấu rõ ràng nhất cho đến nay về thiệt hại mà các chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gây ra đối với nền kinh tế toàn cầu.
Phát biểu trước thềm các cuộc họp mùa Xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva bày tỏ lo ngại về “cái giá” của chủ nghĩa bảo hộ. Bà cho rằng: “Suy cho cùng, thương mại cũng giống như nước. Khi các quốc gia dựng lên những trở ngại dưới dạng hàng rào thuế quan và phi thuế quan, dòng chảy sẽ chuyển hướng”. Bà Georgieva nhận định những chính sách bảo hộ đang gây thiệt hại cho các nền kinh tế nhỏ hơn và các thị trường mới nổi, làm tăng giá cả trên toàn thế giới và làm giảm năng suất.
Trước bà Georgieva, các quan chức kinh tế hàng đầu, bao gồm cả Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Chủ tịch WB cũng đã đưa ra cảnh báo về tác hại tiềm tàng từ các chính sách của ông Trump.
THƯ LÊ
Nguồn: Báo Đà Nẵng