Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã: Người dân đồng thuận rất cao

13 lượt xem - Đăng vào
bdn

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã: Người dân đồng thuận rất cao

.

Theo Nghị quyết số 28-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa XXII) về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Đà Nẵng, số lượng đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp là 16 phường, xã và đặc khu. Điểm nổi bật là việc lựa chọn đặt tên theo các địa danh lịch sử, văn hóa tiêu biểu, thể hiện sự trân trọng cội nguồn, bản sắc và nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

bdn
Đô thị Đà Nẵng, nhìn từ trên cao. Ảnh: TRỌNG HUY

Theo Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Bùi Văn Tiếng, nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ giữ lại tên các quận/huyện như Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Hòa Vang, Hoàng Sa, đồng thời ưu tiên sử dụng các địa danh gốc để đặt tên đơn vị hành chính mới như: Hòa Cường, An Hải, Hòa Khánh, Hòa Xuân, Hòa Tiến… Đáng chú ý, có những tên gọi mang giá trị biểu tượng, đã trở thành thương hiệu quốc gia như Hải Vân, Bà Nà cũng được sử dụng, cho thấy tầm nhìn của thành phố trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa địa phương.

“Nghị quyết lần này không chỉ là sự điều chỉnh kỹ thuật mà còn là sự kết nối đầy tinh tế giữa truyền thống và hiện đại, giữa quá khứ và tương lai. Đây cũng là cách Đà Nẵng đồng hành cùng xu thế chung của cả nước trong việc gìn giữ bản sắc địa phương”, ông Bùi Văn Tiếng nhấn mạnh. Theo Kiến trúc sư Vũ Quang Hùng, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, việc đặt tên địa danh không đơn thuần là sắp xếp lại hành chính, mà còn là hành động định vị bản sắc văn hóa, lịch sử của cộng đồng. Tên gọi gắn với vùng đất là niềm tự hào, là ký ức tập thể và là sợi dây nối kết giữa các thế hệ.

Tại quận Liên Chiểu, người dân đặc biệt phấn khởi khi có những tên gọi truyền thống như Hòa Khánh, Liên Chiểu. Theo ông Phan Công Bằng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Quận ủy, điều này đáp ứng nguyện vọng người dân và gìn giữ lịch sử vùng đất. “Việc giữ tên Hòa Khánh có ý nghĩa đặc biệt, vì đây là phường được thành lập sau ngày giải phóng. Việc sử dụng lại tên gọi cũ như một sự tri ân lịch sử”, ông Bằng cho hay. Anh Đinh Văn Hin, Trưởng thôn Tà Lang (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) bày tỏ niềm vui vì sau sắp xếp xã trở thành phường mới. “Sau sắp xếp xã vươn mình trở thành phường, với đồng bào Cơ tu, đây là cơ hội để chúng tôi phát triển hơn nữa trong tương lai. Với sự quan tâm, đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, hy vọng trong tương lai quê hương ngày càng phát triển”, anh Hin chia sẻ.

Tại quận Hải Châu, bà Huỳnh Thị Mạnh (trú phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) vui mừng khi tên gọi Hòa Cường được lựa chọn đặt cho phường mới. “Tên Hòa Cường đã từng là tên gọi của vùng đất này cách đây hơn 20 năm, gắn liền với lịch sử và cuộc sống người dân nơi đây. Khi được trở lại với tên cũ là niềm tự hào, nhắc nhở chúng tôi tiếp tục nỗ lực tiếp nối truyền thống và vươn lên mạnh mẽ cùng sự phát triển của thành phố”, bà Mạnh nói.

Tương tự, tại quận Sơn Trà, ông Mai Hữu (trú phường An Hải Bắc) xúc động cho biết rất vui khi tên gọi An Hải được lựa chọn đặt cho phường mới. “Tên gọi này không chỉ là biểu tượng địa lý mà còn là linh hồn của vùng đất. Việc khôi phục tên cũ là sự trân trọng quá khứ và hướng tới tương lai”, ông nói. Chị Nguyễn Thị Thùy Trang (phường Thọ Quang) ủng hộ việc đặt tên phường mới là Sơn Trà. Đây không chỉ là cách định vị rõ ràng về địa lý, nơi có bán đảo Sơn Trà nổi tiếng, mà còn là thông điệp gửi gắm về tiềm năng phát triển du lịch, kinh tế của khu vực trong tương lai.

Là người sinh ra và lớn lên tại quận Ngũ Hành Sơn, bà Lê Thị Hồng bày tỏ niềm tự hào khi tên gọi Ngũ Hành Sơn trở thành tên phường mới. “Tôi tin rằng mỗi tên gọi đều là một phần linh hồn của vùng đất. Địa danh Ngũ Hành Sơn đã in hằn trong tiềm thức của mỗi người dân sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, việc lưu giữ tên là sự tiếp nối tình yêu quê hương cho các thế hệ mai sau”, bà nói.

Không chỉ dừng lại ở khía cạnh hành chính, việc lựa chọn và đặt tên các đơn vị cấp xã, phường mới đã thực sự trở thành biểu tượng kết nối giữa truyền thống và hiện đại. Tên gọi cũ trở lại không chỉ khơi dậy niềm tự hào mà còn truyền đi thông điệp về sự phát triển bền vững, lấy văn hóa làm nền tảng. Đông đảo người dân tin tưởng rằng, với cách làm bài bản, cầu thị và đặt lợi ích nhân dân lên hàng đầu, thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát huy được các giá trị lịch sử, văn hóa vốn có, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho chặng đường phát triển mới sau sắp xếp đơn vị hành chính.

TRỌNG HUY – XUÂN HẬU

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

mười sáu + sáu =