Triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể sau hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã
ĐNO – Ban Tổ chức Trung ương vừa có Hướng dẫn số 31-HD/BTCTW về việc thành lập tổ chức đảng tương ứng các đơn vị hành chính ở địa phương và sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, đoàn thể cấp tỉnh, cấp xã.
Thành lập tổ chức đảng gắn với sắp xếp hành chính cấp tỉnh, cấp xã
Theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện hợp nhất, nơi được xác định là trung tâm chính trị – hành chính của đơn vị mới sẽ chủ trì phối hợp cùng các tỉnh, thành được sáp nhập xây dựng đề án thành lập đảng bộ mới.
Nội dung đề án cần bám sát Điều lệ Đảng, đảm bảo rõ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, cơ quan tham mưu giúp việc và lộ trình thực hiện theo đúng nguyên tắc của Đảng. Hạn cuối hoàn thành đề án là ngày 15-6-2025.
Sau khi đề án được Bộ Chính trị, Ban Bí thư thông qua, sẽ quyết định thành lập đảng bộ tỉnh/thành phố mới, chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, các phó bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm và phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra nhiệm kỳ 2020-2025. Toàn bộ công tác nhân sự, sắp xếp tổ chức đảng cấp tỉnh và các cấp ủy trực thuộc phải hoàn thành trước ngày 15-9-2025.
Đối với cấp xã, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng đề án kết thúc hoạt động của các đảng bộ cấp xã cũ và thành lập đảng bộ mới sau sáp nhập. Đề án cần hoàn tất trước ngày 15-5-2025, đồng bộ với tiến trình sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Cấp xã mới được thành lập sẽ là đảng bộ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng như các chi bộ thôn, tổ dân phố, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức đoàn thể tại địa phương.
Biên chế cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức của các cơ quan tham mưu, giúp việc đảng ủy cấp xã mới được định hướng khoảng 15-17 người, với nơi có trung tâm chính trị cấp huyện có thể lên đến 20 người. Sau khi hoàn thiện vị trí việc làm, trong thời hạn 5 năm, các địa phương phải đảm bảo biên chế theo quy định của cấp có thẩm quyền.
Sắp xếp đồng bộ tổ chức bộ máy MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội
Cùng với việc tổ chức lại hệ thống đảng và chính quyền, việc sắp xếp tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội từ cấp tỉnh đến cấp xã cũng được triển khai đồng bộ theo đúng tinh thần của Kế hoạch 47-KH/BCĐ ngày 14-4-2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương.
Ở cấp tỉnh, ban thường vụ tỉnh ủy sẽ chỉ đạo ban thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng đề án sắp xếp, hợp nhất các cơ quan tham mưu, giúp việc của các tổ chức chính trị – xã hội về chung một đầu mối với cơ quan MTTQ Việt Nam. Tuy nhiên, các đoàn thể vẫn giữ nguyên tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng để đảm bảo tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động.
Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh sau hợp nhất sẽ được thành lập trên cơ sở đề án được phê duyệt, với cơ cấu lãnh đạo gồm chủ tịch và các phó chủ tịch đồng thời là lãnh đạo các tổ chức chính trị-xã hội. Ban thường vụ tỉnh ủy sẽ xem xét bố trí, hiệp y công nhận các chức danh theo quy định.
Cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ của MTTQ Việt Nam cấp tỉnh sẽ gồm từ 9-10 ban như: văn phòng, ban tổ chức – kiểm tra, ban dân chủ – giám sát – phản biện, ban công tác Công đoàn, Phụ nữ, Nông dân, Thanh thiếu nhi, Cựu chiến binh… và có thể thành lập thêm ban đặc thù phù hợp với đặc điểm địa phương. Biên chế cán bộ, công chức, viên chức được sử dụng từ lực lượng hiện có, sau đó tinh gọn dần theo đúng vị trí việc làm.
Ở cấp xã, sau khi đại hội đảng bộ cấp xã hoàn tất, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể tổ chức đại hội theo hướng dẫn của Trung ương. Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã mới được thành lập trên cơ sở tổng hợp các ủy ban MTTQ xã cũ, với số lượng ủy viên không vượt quá tổng số hiện hành. Ban Thường trực có cơ cấu phó chủ tịch kiêm nhiệm từ các trưởng đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Công đoàn (nếu có).
Cơ quan tham mưu, giúp việc MTTQ Việt Nam cấp xã được thành lập, có biên chế khoảng 8-10 người, bao gồm: chủ tịch, phó chủ tịch và cán bộ giúp việc, có con dấu và tài khoản riêng. Các tổ chức chính trị – xã hội ở cấp xã tiếp tục hoạt động theo Điều lệ, giữ nguyên quyền tự chủ tương đối, đồng thời chịu sự chỉ đạo chung của MTTQ cấp xã.
Đối với người hoạt động không chuyên trách, sẽ chấm dứt chức danh ở cấp xã từ ngày 1-8-2025. Tuy nhiên, những người đủ điều kiện có thể được bố trí công việc phù hợp tại thôn, tổ dân phố hoặc được giải quyết chế độ chính sách theo quy định.
Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư sẽ được thành lập lại nếu có sáp nhập, tách khu dân cư; còn tại các khu dân cư ổn định thì giữ nguyên như hiện nay, gồm từ 9-11 thành viên.
Tiếp tục chuẩn bị cho đại hội MTTQ Việt Nam các cấp
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các đơn vị liên quan hướng dẫn tổ chức đại hội MTTQ Việt Nam cấp xã, cấp tỉnh và Đại hội toàn quốc theo mô hình mới. Đồng thời, triển khai đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác Mặt trận và đoàn thể nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu mới.
Cùng với đó, ban thường trực MTTQ Việt Nam cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm kê, bàn giao tài sản, hồ sơ, sổ sách, tài chính… của các đơn vị cấp xã, cấp huyện sau sáp nhập để đảm bảo quá trình vận hành hệ thống mới diễn ra thông suốt, đúng tiến độ.
S.TRUNG
Nguồn: Báo Đà Nẵng