Cử tri trẻ Singapore định hình lại động lực bầu cử

9 lượt xem - Đăng vào
Ngày 23-4, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong đến một khu vực bầu cử trước thềm cuộc tổng tuyển cử năm 2025. Ảnh: Reuters

Cử tri trẻ Singapore định hình lại động lực bầu cử

.

Thế hệ cử tri trẻ tại Singapore, với mối quan tâm hàng đầu là nhà ở, chi phí sinh hoạt và quản trị minh bạch, đang góp phần định hình lại cục diện chính trị của quốc đảo sư tử trước thềm tổng tuyển cử ngày 3-5.

Ngày 23-4, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong đến một khu vực bầu cử trước thềm cuộc tổng tuyển cử năm 2025. Ảnh: Reuters
Ngày 23-4, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong đến một khu vực bầu cử trước thềm cuộc tổng tuyển cử năm 2025. Ảnh: Reuters

Nhu cầu của cử tri trẻ

Với giới trẻ Singapore, đặc biệt là thế hệ millennials và Gen Z, nhà ở không chỉ là nơi chốn đi về, mà còn là thước đo niềm tin vào chính sách. Ông Eugene Tan, Phó Giáo sư luật tại Đại học Quản lý Singapore, cho rằng giống như các thế hệ lớn tuổi, cử tri trẻ vẫn đặt nặng bài toán mưu sinh. “Họ mong muốn một xã hội nhân văn và ít cạnh tranh khốc liệt hơn”, ông nói với Nikkei Asia.

Anh Ryan Aw (24 tuổi) sẽ lần đầu đi bầu trong cuộc tổng tuyển cử này. “Chính sách về nhà ở, giá nhà, với tôi đó là những vấn đề rất quan trọng. Tôi cũng quan tâm đến cách các đảng nói về quản trị minh bạch”, anh chia sẻ với Nikkei Asia. Aw sống tại Sengkang, khu vực từng gây bất ngờ khi đảng Công nhân (WP) giành chiến thắng vào năm 2020. Nơi này có hơn một nửa cư dân dưới 40 tuổi. Giống như khoảng 200.000 cử tri trẻ lần đầu bỏ phiếu năm nay, Aw đang cân nhắc kỹ từng ứng viên. Trong khi đó, Prathibaa Ramesh, sinh viên 22 tuổi ngành tâm lý học, chia sẻ rằng chỉ khi vào đại học cô mới cảm nhận được khó khăn của các bạn cùng trang lứa: “Một số người phải đi làm thêm hoặc nhịn ăn. Họ không cần từ thiện, họ cần những hỗ trợ có hệ thống”, cô nói. Ramesh cũng lên tiếng về quyền bình đẳng tại nơi làm việc, nhất là với lao động nhập cư.

Nhiều nhóm cổ động viên của các đảng tập trung lại thành những khối sắc màu khác nhau tại các trung tâm đề cử, mang theo tinh thần chạy đua mạnh mẽ và văn minh, đánh dấu thời khắc tranh cử tại Singapore bắt đầu nóng lên. Theo quy định, giai đoạn vận động tranh cử sẽ kéo dài tới sát ngày bỏ phiếu 3-5.

Các đảng thu hút cử tri mới

Đảng Hành động Nhân dân (PAP) và các đảng đối lập đang bước vào cuộc đua giành sự ủng hộ của cử tri trẻ bằng chiến lược ngày càng linh hoạt. Nikkei Asia cho biết trong video đăng trên mạng xã hội ngày 13-4, Thủ tướng Lawrence Wong trực tiếp gửi thông điệp: “Thế hệ của các bạn đại diện cho khát vọng không bằng lòng với hiện trạng… Chúng tôi lắng nghe các bạn”.

Dưới sự lãnh đạo của ông Wong, PAP đề cử 32 ứng viên mới, cuộc “thay máu” lớn nhất trong nhiều năm qua. Một nửa trong số đó ở độ tuổi 30, tăng mạnh so với tỷ lệ 25,9% của kỳ bầu cử năm 2020, theo Channel News Asia (CNA). Trước đó, phát biểu tại lễ ra mắt cương lĩnh đảng ngày 17-4, Thủ tướng Lawrence Wong nhấn mạnh: “Những ứng viên mới sẽ mang đến năng lượng mới, ý tưởng mới và những góc nhìn đa dạng để củng cố đội ngũ”.

Trong vài năm qua, PAP đưa ra nhiều chính sách hướng đến giới trẻ: ưu tiên nhà ở cho người đăng ký lần đầu và đặc biệt là chấp nhận các đề xuất chính sách từ một hội đồng thanh niên trình lên hồi tháng 1-2025. Ở chiều ngược lại, đảng Công nhân (WP) cũng nâng cấp chiến lược tiếp cận. Cương lĩnh mới của đảng đề xuất hạ độ tuổi bỏ phiếu từ 21 xuống 18 và cho phép người độc thân mua nhà công từ 28 tuổi thay vì 35. WP đặt mục tiêu trung hạn chiếm 1/3 số ghế Quốc hội, điều cần thiết để trở thành lực lượng đối trọng thực sự.

Ngày đề cử ứng viên 23-4 hé lộ những nước cờ chiến thuật quan trọng. PAP bất ngờ điều động Phó Thủ tướng Gan Kim Yong từ tây bắc sang khu vực bầu cử nhóm (GRC) mới tại Punggol, nơi ông sẽ đối đầu trực tiếp với “ngôi sao mới” của WP là luật sư Harpreet Singh. Punggol là khu vực nằm sát Sengkang và Aljunied, hai “thành trì” của WP và đang là chiến địa then chốt cho cả hai phe, theo SCMP. Cùng lúc đó, theo CNA, WP quyết định không tranh cử tại Marine Parade-Braddell Heights GRC, điều này tạo cơ hội cho PAP thắng không cần bầu. Ông Singh sau đó gọi đây là quyết định rất khó khăn, và giải thích: “Là một đảng đối lập nhỏ, chúng tôi luôn phải đối mặt với lựa chọn khó về nơi và cách phân bổ nguồn lực hạn chế”.

Cuộc tổng tuyển cử năm nay diễn ra vào thời điểm đầy thách thức với Singapore, nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại và đang gánh chịu những cú sốc từ căng thẳng thuế quan leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo SCMP, tổng khối lượng thương mại của Singapore cao gấp 3 lần GDP, khiến nước này đặc biệt dễ tổn thương trước biến động toàn cầu. Tuần trước, Thủ tướng Lawrence Wong điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng năm 2025 từ 1-3% xuống còn 0-2%, phản ánh những bất ổn ngày càng rõ rệt, theo Reuters. Để ứng phó, chính phủ nước này lập lực lượng đặc nhiệm quốc gia nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các mức thuế mới từ Mỹ. Lịch sử bầu cử Singapore cho thấy xu hướng “chạy theo an toàn” trong thời khủng hoảng, với lựa chọn nghiêng về đảng cầm quyền lâu đời. Nhưng lần này, khi đảo quốc kỷ niệm 60 năm độc lập, một mốc tròn mang biểu tượng “trọn một vòng đời”, giới phân tích đặt câu hỏi: Liệu cử tri có tiếp tục đi theo quỹ đạo cũ, hay sẽ mở ra một khởi đầu mới?

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1 × 4 =