Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực – Bài cuối: Khẳng định quyết tâm của Đảng

6 lượt xem - Đăng vào
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thành phố họp phiên thứ 11 cho ý kiến các nội dung thuộc thẩm quyền.	Ảnh: NGỌC PHÚ

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực – Bài cuối: Khẳng định quyết tâm của Đảng

.

Sau hơn ba năm đi vào hoạt động, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thành phố từng bước khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác này trên địa bàn thành phố. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, công tác này đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên, bài bản, tạo sự chuyển biến rõ nét trong cả hệ thống chính trị.

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thành phố họp phiên thứ 11 cho ý kiến các nội dung thuộc thẩm quyền.	Ảnh: NGỌC PHÚ
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thành phố họp phiên thứ 11 cho ý kiến các nội dung thuộc thẩm quyền. Ảnh: NGỌC PHÚ

Việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Trung ương bằng những cơ chế, biện pháp phù hợp thực tiễn địa phương giúp thành phố từng bước xây dựng hệ thống chính trị liêm chính, kỷ cương, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý sai phạm và phòng ngừa từ sớm, từ xa.

Vai trò chỉ đạo toàn diện, xuyên suốt

Thành phố Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 16-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ngay sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo nhanh chóng kiện toàn tổ chức, ban hành quy chế làm việc, thành lập tổ giúp việc chuyên trách, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, xác định rõ nguyên tắc lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất từ Thành ủy đến các tổ chức đảng trực thuộc.

Ông Võ Công Chánh, Trưởng ban Nội chính Thành ủy, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thành phố cho biết, Ban Chỉ đạo thành phố đã triển khai đồng bộ các quy định của Trung ương, đồng thời ban hành nhiều văn bản đặc thù phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương như: quy định về tiếp nhận, xử lý đơn thư, tố giác tội phạm; cơ chế báo cáo nhanh các vụ việc, vụ án có dấu hiệu tiêu cực; quy chế phân cấp theo dõi, chỉ đạo xử lý đối với các vụ án, vụ việc theo thẩm quyền.

Một điểm đáng chú ý trong mô hình tổ chức của Đà Nẵng là việc Ban Chỉ đạo phân công các thành viên phụ trách địa bàn, lĩnh vực cụ thể, từ đó tăng tính sát sao, trách nhiệm và chủ động trong nắm bắt tình hình, phát hiện và đôn đốc xử lý vụ việc phát sinh từ cơ sở. Mỗi vụ việc có dấu hiệu tiêu cực đều được xử lý theo quy trình thống nhất, công khai, kịp thời. Ban Chỉ đạo tổ chức các phiên họp định kỳ, có thông cáo báo chí sau mỗi phiên họp để công khai kết quả, tránh tạo khoảng trống thông tin và tăng tính minh bạch trong chỉ đạo điều hành.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo thành phố chỉ đạo sửa đổi, bổ sung các quy định về kiểm tra, giám sát, mở rộng phạm vi đối tượng kiểm tra, tăng quyền chủ động cho các đảng ủy trực thuộc trong theo dõi, xử lý các vụ việc, đồng thời vẫn bảo đảm sự giám sát thống nhất của Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy. Những vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận được đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo để bảo đảm tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, thu hồi tài sản và xử lý kỷ luật tổ chức, cá nhân liên quan.

Có thể nói, với phương thức tổ chức chặt chẽ, cơ chế vận hành khoa học, sát thực tiễn, Ban Chỉ đạo tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thành phố Đà Nẵng khẳng định được hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo công tác này. Việc thể chế hóa các văn bản của Trung ương một cách kịp thời, phù hợp, cùng với đổi mới cách thức tuyên truyền, phổ biến và giám sát xã hội, đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm chính trị của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu.

Xây dựng văn hóa liêm chính

Từ năm 2022 đến nay, công tác kiểm tra, giám sát được triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thành phố thành lập 7 đoàn kiểm tra chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở nhiều địa phương, đơn vị. Nội dung kiểm tra tập trung vào thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 04-NQ/TU của Thành ủy, đặc biệt là việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực. Kết quả cho thấy sự quyết liệt trong xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm.

Riêng trong năm 2022, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 8 tổ chức đảng và 280 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp kỷ luật 2 tổ chức đảng và 32 đảng viên. Năm 2023, kỷ luật 2 tổ chức đảng và 45 đảng viên. Năm 2024, ban thường vụ các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cơ sở kỷ luật 122 đảng viên với các hành vi vi phạm nguyên tắc tổ chức, thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy định về tài sản, công tác cán bộ, sử dụng tài sản công.

Ban Chỉ đạo siết chặt kỷ luật công vụ, chấn chỉnh kịp thời biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm, né tránh xử lý, làm việc cầm chừng trong một bộ phận cán bộ, công chức. Nhiều vụ việc phản ánh từ người dân, báo chí được tiếp nhận, xác minh, xử lý rõ ràng, qua đó khẳng định tinh thần không khoan nhượng, không bao che trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Phát biểu tại cuộc họp lần thứ 22 (ngày 26-3-2025) của Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thành phố, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thành phố, ghi nhận những kết quả đạt được trong thời gian qua; đồng thời yêu cầu các cấp ủy đảng, các ban cán sự đảng, đảng đoàn trực thuộc Thành ủy tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả các văn bản mới của Trung ương, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là các quy định về kiểm soát quyền lực trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, thực hiện công tác phòng, chống lãng phí, đưa công tác này ngang tầm với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải được gắn chặt với tiến trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính các cấp của hệ thống chính trị, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, chống chồng chéo, hình thức. Đặc biệt, cấp ủy, người đứng đầu các cấp phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, kiên quyết không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong công tác cán bộ và trong việc bố trí, sử dụng trụ sở, tài sản công tại các cơ quan, đơn vị, địa phương khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính.

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tại Đà Nẵng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ thành phố đang đi đúng hướng, từ hoàn thiện thể chế đến hành động cụ thể, từ chủ trương chính trị đến biện pháp pháp lý, từ xử lý nghiêm sai phạm đến khôi phục, củng cố niềm tin của nhân dân. Thành phố đang từng bước hình thành hệ thống chính trị và nền hành chính liêm chính, kỷ cương, hiệu lực, trong đó phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không còn là nhiệm vụ đột xuất, mà là yêu cầu thường xuyên, lâu dài của sự phát triển. Đó cũng là điều kiện tiên quyết để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ tâm, đủ tầm, đủ sức đảm đương nhiệm vụ trong thời kỳ mới nhằm đưa Đà Nẵng phát triển bền vững.

Về theo dõi, xử lý các vụ án, vụ việc, trong hai năm 2022-2023, Ban Chỉ đạo đưa 15 vụ vào diện theo dõi, xử lý. Năm 2024, tiếp tục bổ sung 2 vụ mới, đưa ra khỏi diện theo dõi 11 vụ, giữ lại 6 vụ đang xử lý. Riêng quý 1-2025, tiếp tục theo dõi thêm 2 vụ và kết thúc theo dõi 3 vụ án, vụ việc. Việc rút kinh nghiệm sau mỗi vụ án được thực hiện nghiêm túc, từ đó nâng cao chất lượng phối hợp giữa các cơ quan tố tụng, tăng hiệu quả điều tra, truy tố, xét xử, thu hồi tài sản.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

bốn + 17 =