Xây dựng khu thương mại tự do: Động lực bứt phá, thu hút nhà đầu tư chiến lược
Khu thương mại tự do không chỉ được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực phát triển đột phá cho thành phố mà còn lan tỏa sức hút đầu tư ra toàn khu vực miền Trung, góp phần định vị Đà Nẵng trên bản đồ kinh tế khu vực và thế giới.
![]() |
Việc thành lập Khu thương mại tự do gắn với cảng Liên Chiểu và sân bay quốc tế Đà Nẵng sẽ thúc đẩy sản xuất, logistics, gia công xuất nhập khẩu và xây dựng trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế… Ảnh: PHƯƠNG ANH |
Động lực mới từ cơ chế đột phá
Một trong những điểm sáng nổi bật của Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng chính là cho phép thành phố thí điểm thành lập khu thương mại tự do.
Đây là mô hình đã chứng minh thành công tại nhiều quốc gia nhưng lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam, hứa hẹn sẽ tiếp sức cho Đà Nẵng bứt phá ngoạn mục trong thời gian tới PGS.TS. Bùi Quang Bình, cố vấn Sở Công thương Đà Nẵng, đồng thời là người trực tiếp tham gia xây dựng đề án thành lập khu thương mại tự do cho rằng, việc xây dựng khu thương mại tự do xuất phát từ việc phát huy thế mạnh chiến lược của Đà Nẵng về vị trí địa lý, cảng biển nước sâu và sân bay quốc tế. Việc hình thành khu thương mại tự do được xác định là giải pháp trọng tâm để đưa Đà Nẵng vươn mình mạnh mẽ.
Thực tế cho thấy, thành phố Đà Nẵng có đầy đủ điều kiện lý tưởng để phát triển mô hình đô thị kinh doanh tích hợp nhiều chức năng: sản xuất, logistics, thương mại-dịch vụ. Khu thương mại tự do sẽ gắn liền với sự phát triển của cảng Liên Chiểu và sân bay quốc tế Đà Nẵng, tạo đà để thành phố trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa khu vực và quốc tế.
Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, thành phố đã quy hoạch 10 vị trí để triển khai khu thương mại tự do, thu hút nhà đầu tư chiến lược tham gia phát triển hạ tầng tại 3 phân khu chức năng chính: sản xuất, thương mại – dịch vụ và logistics; đồng thời đi kèm với hàng loạt ưu đãi vượt trội về thủ tục, thuế, hải quan và thuê đất.
Vì vậy, ngay sau khi Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, Đà Nẵng đã và đang triển khai đồng bộ các bước: hoàn thiện thủ tục thành lập khu, kết nối hạ tầng, giải phóng mặt bằng và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược với quyết tâm đưa khu thương mại tự do nhanh chóng đi vào vận hành, tạo ra động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho thành phố và toàn vùng.
Theo ông Hùng, việc thành lập khu thương mại tự do gắn với cảng Liên Chiểu và sân bay quốc tế Đà Nẵng sẽ thúc đẩy sản xuất, logistics, gia công xuất nhập khẩu và xây dựng trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế; đồng thời kết nối hiệu quả hạ tầng công nghiệp, giao thông, cảng cạn và ga đường sắt, tạo chuỗi giá trị hoàn chỉnh cho thành phố.
Đón nhà đầu tư chiến lược
Tại diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng – Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng” do UBND thành phố tổ chức vào cuối năm 2024, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Đà Nẵng có nhiều lợi thế để phát triển khu thương mại tự do tiên phong, nhờ vị trí địa lý chiến lược, hệ thống cảng biển, giao thông thuận lợi, dễ dàng kết nối với các trung tâm kinh tế trong nước và quốc tế.
Theo đó, việc đầu tư hạ tầng logistics hiện đại từ cảng biển, sân bay đến hệ thống kho bãi, trung tâm phân phối sẽ là yếu tố then chốt, giúp giảm chi phí, rút ngắn thời gian vận chuyển và tăng sức cạnh tranh. Bà Minh cũng đề xuất xây dựng khung pháp lý linh hoạt, chính sách ưu đãi hấp dẫn, phát triển bền vững với tiêu chuẩn môi trường cao và đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu thương mại tự do. Bà Minh cũng dự báo, khu vực này sẽ đóng góp 8-9% GRDP thành phố vào năm 2030 và tăng lên 25% vào năm 2050 cũng như tạo hơn 137.000 việc làm chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ, logistics và thương mại dịch vụ.
Theo bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương, khu thương mại tự do sẽ tích hợp chặt chẽ logistics cảng biển, sân bay với thương mại, công nghiệp chế xuất và dịch vụ công nghệ cao. Quy mô hoàn chỉnh đạt hơn 2.017ha, được bố trí tại 10 khu vực linh hoạt, kết nối với các tuyến giao thông trọng điểm. Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đang nhìn nhận Khu thương mại tự do Đà Nẵng là “cơ hội vàng”.ư
Ông Lê Quảng Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP cảng biển Đà Nẵng cho rằng, khu thương mại tự do sẽ tạo ra lượng vận tải khổng lồ, trở thành cú hích mạnh mẽ cho hệ thống cảng biển, đặc biệt là cảng Liên Chiểu, mắt xích chiến lược trong chuỗi cung ứng. Khu thương mại tự do Đà Nẵng không chỉ thúc đẩy kinh tế địa phương mà còn góp phần điều chỉnh dòng chảy thương mại toàn cầu, đưa hàng hóa Việt Nam ra thế giới nhanh hơn.
Các tập đoàn lớn trong và ngoài nước cũng như các công ty công nghệ sinh học quốc tế đã và đang nghiên cứu cơ hội đầu tư vào Đà Nẵng, đặc biệt ở các lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), trung tâm dữ liệu, công nghệ đời sống và logistics.
Có thể nói, Khu thương mại tự do Đà Nẵng là một trong hai chính sách đột phá được Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội xác định bên cạnh phát triển công nghiệp bán dẫn và AI.
Đây là bước đi chiến lược nhằm thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như phấn đấu đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á vào năm 2045.
Với bước đi bài bản, cơ chế đặc thù và tiềm năng hiện hữu, Khu thương mại tự do được kỳ vọng sẽ trở thành “cú huých” lớn, đưa Đà Nẵng vươn tầm trung tâm thương mại, logistics, sản xuất và công nghệ của khu vực trong thập niên tới.
TRỌNG HÙNG
Nguồn: Báo Đà Nẵng
- Bài viết của Chủ tịch nước Lương Cường nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam
- Chiến đấu với nghịch cảnh
- FPT khai trương khai trương trung tâm nghiên cứu chip bán dẫn lớn nhất miền Trung
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Sắp xếp đơn vị hành chính tạo động lực cho Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ trong tương lai
- Sắc đỏ đổi chiều