Sân bay trên thế giới trong cuộc đua sinh trắc học

5 lượt xem - Đăng vào
Hành khách sử dụng công nghệ sinh trắc học tại sân bay Changi (Singapore).  Ảnh: Straits Times

Sân bay trên thế giới trong cuộc đua sinh trắc học

.

Ngày càng nhiều sân bay trên thế giới áp dụng công nghệ sinh trắc học sử dụng khuôn mặt để xác minh danh tính như công cụ tăng cường cả an ninh và trải nghiệm tổng thể của du khách. Sự tiện lợi, nhanh chóng và mức độ bảo mật ngày càng cao đang dần xóa bỏ những nghi ngại ban đầu về quyền riêng tư, mở ra kỷ nguyên mới của ngành hàng không toàn cầu.

Hành khách sử dụng công nghệ sinh trắc học tại sân bay Changi (Singapore).  Ảnh: Straits Times
Hành khách sử dụng công nghệ sinh trắc học tại sân bay Changi (Singapore). Ảnh: Straits Times

Lợi ích kép

Sinh trắc học, dựa trên đặc điểm khuôn mặt, dấu vân tay và mẫu mống mắt, cung cấp giải pháp thay thế công nghệ cao. Phương pháp này không chỉ cải thiện an ninh mà còn tạo ra quy trình liền mạch và hiệu quả hơn, giúp nâng cao trải nghiệm cho hành khách.

Bằng cách loại bỏ nhu cầu về các giấy tờ và giảm khả năng xảy ra lỗi của con người, công nghệ sinh trắc học đang biến đổi cách mọi người di chuyển qua các sân bay. Từ Singapore đến Thái Lan hay Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), hành khách trên thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới, nơi chiếc hộ chiếu thật sự chính là… khuôn mặt của họ.

Theo CNN, sân bay Changi (Singapore) áp dụng ứng dụng hệ thống nhận diện mống mắt tự động, cam kết hoàn toàn “zero paper” trong thủ tục bay từ 2025. Theo đó, hành khách không cần xuất trình hộ chiếu để làm thủ tục nhập cảnh mà có thể đi qua các làn tự động và sử dụng công nghệ sinh trắc học, qua đó giúp giảm thời gian nhập cảnh xuống 40%.

Đến đầu năm 2026, dự kiến 95% du khách sẽ sử dụng các làn tự động để làm thủ tục nhập cảnh, trong khi 5% còn lại là những người không đủ điều kiện, như trẻ nhỏ. Tương tự, tại sân bay Tokyo Narita (Nhật Bản), việc áp dụng công nghệ “Face Express” giúp hành khách chỉ cần quét mặt một lần duy nhất cho toàn bộ hành trình.

Năm 2025, sân bay quốc tế Zayed ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) sẽ tạo cuộc cách mạng trong ngành hàng không khi trở thành sân bay đầu tiên trên thế giới áp dụng hoàn toàn hệ thống kiểm soát an ninh bằng sinh trắc học.

Các chuyên gia cho biết, lợi ích kép mà sinh trắc học mang lại là không thể phủ nhận. Công nghệ này rút ngắn quy trình làm thủ tục từ trung bình 30 phút xuống còn 10-15 phút, tăng độ chính xác xác thực hành khách gần như tuyệt đối với 99,8%.

Bên cạnh đó, an ninh hàng không cũng được nâng lên một tầm cao mới. Theo ông John Thomas, chuyên gia an ninh hàng không tại Aviation Security International, sinh trắc học còn hỗ trợ hệ thống phát hiện sớm những hành vi bất thường. “Công nghệ này không chỉ là chuyện tiện lợi, nó còn là lớp bảo vệ chủ động cho an ninh quốc gia,” ông Thomas nhận định.

Xu hướng không thể đảo ngược

Các sân bay từ lâu đã phải đối mặt với mối đe dọa từ các hoạt động gian lận, từ việc sử dụng hộ chiếu giả đến giả mạo danh tính. Những sự cố này không chỉ gây ra rủi ro an ninh nghiêm trọng mà còn gây ra sự chậm trễ trong quá trình xử lý hành khách.

Bên cạnh đó, quy trình xác minh thủ công danh tính hành khách ở nhiều giai đoạn khác nhau dẫn đến thời gian chờ đợi lâu và tình trạng tắc nghẽn. Thực trạng này đã thúc đẩy áp dụng công nghệ sinh trắc học tại nhiều sân bay trên thế giới.

Tuy nhiên, việc loại bỏ hoàn toàn giấy tờ trong quá trình làm thủ tục tại sân bay khiến nhiều người lo ngại về khả năng hệ thống bị tấn công mạng và gây ra những gián đoạn nghiêm trọng cho hoạt động của sân bay.

Cụ thể, họ lo sợ sự cố tương tự như vụ tấn công Crowdstrike có thể làm tê liệt hoàn toàn hệ thống, khiến hàng nghìn hành khách bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng những sự cố như vậy rất hiếm xảy ra và lợi ích lâu dài của việc áp dụng công nghệ sinh trắc học sẽ vượt trội so với những rủi ro tiềm ẩn.

Để tránh rủi ro liên quan quyền riêng tư, nhiều sân bay quốc tế cam kết các biện pháp như xóa dữ liệu sau khi hành trình kết thúc, hoặc chỉ lưu trữ tạm thời với sự đồng thuận của hành khách. Khảo sát của của Công ty viễn thông hàng không quốc tế SITA cho thấy, 73% hành khách sẵn sàng chia sẻ dữ liệu sinh trắc học nếu điều đó giúp họ trải nghiệm chuyến đi suôn sẻ hơn.

Công nghệ sinh trắc học đang thực sự “cất cánh” trong ngành hàng không toàn cầu và đây là xu hướng không thể đảo ngược. Theo báo cáo Global Airport Biometrics Market (2025), hơn 52% sân bay lớn trên thế giới đã ứng dụng một phần công nghệ sinh trắc học, từ nhận diện khuôn mặt, quét mống mắt đến dấu vân tay.

Chỉ riêng năm 2024, số sân bay triển khai sinh trắc học đã tăng 36% so với năm trước. CNBC dẫn lời ông Sumesh Patel, Chủ tịch SITA khu vực châu Á – Thái Bình Dương dự đoán khoảng 85% sân bay thế giới sẽ sử dụng một số hình thức xử lý các thủ tục bằng sinh trắc học trong 3 đến 5 năm tới.

Theo dự báo của Allied Market Research, thị trường công nghệ sinh trắc học trong ngành hàng không sẽ đạt 8,7 tỷ USD vào năm 2028, với mức tăng trưởng trung bình hằng  năm 20,1%. Đây là bước tiến quan trọng, đánh dấu sự chuyển đổi từ các phương pháp kiểm soát an ninh truyền thống sang một hệ thống thông minh hơn, hiệu quả hơn.

“Trong tương lai rất gần, bạn sẽ không cần mang theo gì ngoài chính mình khi bước vào sân bay,” ông Sebastien Fabre, CEO của SITA Biometrics, dự đoán.

THƯ LÊ

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

19 − bốn =