Bài cuối: Tạo đồng thuận và niềm tin của nhân dân

5 lượt xem - Đăng vào
cth12

Mặt trận thành phố Đà Nẵng với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Bài cuối: Tạo đồng thuận và niềm tin của nhân dân

.

ĐNO – Trao đổi với Báo và Đài PTTH Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế để công tác giám sát, phản biện xã hội thực sự trở thành “bức tường mềm” nhưng vững chắc trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Qua đó, bảo đảm chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận xã hội và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền.

cth12
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm. Ảnh: ĐẮC MẠNH

* Bà đánh giá như thế nào về vai trò của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực?

– Trong bối cảnh hiện nay, khi Đảng ta xác định tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là “giặc nội xâm”, thì đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra…mà là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị.

Trong đó, Mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội giữ vai trò đặc biệt quan trọng với tư cách là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân; là nơi lắng nghe, tập hợp ý kiến, nguyện vọng của nhân dân; đồng thời thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội, một trong những công cụ kiểm soát quyền lực hiệu quả từ bên ngoài.

Mặt trận và các tổ chức thành viên có thế mạnh là hoạt động gần dân, sát dân, thấu hiểu thực tiễn đời sống. Chính vì vậy, thông qua ban giám sát đầu tư tại cộng đồng, Mặt trận có thể phát hiện từ sớm, từ cơ sở những biểu hiện (nếu có) của lợi ích nhóm, tiêu cực chính sách, nhũng nhiễu trong thực thi công vụ, hay những phản ánh về cán bộ, công chức, đảng viên có dấu hiệu vi phạm chuẩn mực đạo đức, lối sống.

Ngoài ra, thông qua hoạt động phản biện xã hội, Mặt trận còn đóng vai trò như “tấm lưới lọc cuối cùng” để các chính sách, dự thảo trước khi ban hành vừa bảo đảm đúng đường lối của Đảng, vừa phù hợp thực tiễn, hợp lòng dân.

Đó là cách để hiện thực hóa phương châm “ý Đảng, lòng dân”, bảo đảm chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận xã hội và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền.

* Mặt trận và các tổ chức thành viên tham gia công tác này như thế nào và đạt kết quả ra sao?

– Hoạt động giám sát, phản biện xã hội đã trở thành một trong những kênh quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận và các tổ chức thành viên. Từ phương thức đến nội dung đều từng bước được đổi mới, chú trọng chất lượng, hiệu quả và sát với thực tiễn đời sống nhân dân.

cthd23
Công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội thành phố là kênh thông tin quan trọng, không thể thiếu trong quá trình hoạch định chính sách công. Trong ảnh: Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt thành tích trong thực hiện nhiệm vụ công tác Mặt trận năm 2024. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã lựa chọn các nội dung giám sát gắn chặt với những vấn đề người dân đặc biệt quan tâm như: giám sát cán bộ, đảng viên nơi cư trú; giám sát đạo đức, lối sống, việc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ chủ chốt; giám sát đại biểu dân cử; giám sát trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; giám sát việc thực hiện các nghị quyết Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng…

Thông qua giám sát, phản biện xã hội, Mặt trận phát hiện nhiều nội dung còn bất cập trong chính sách, trong tổ chức thực hiện và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, khắc phục, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Đặc biệt, hoạt động phản biện xã hội trong các dự thảo chính sách quan trọng của thành phố đã phát huy tốt vai trò tập hợp trí tuệ của nhân dân, phản ánh khách quan, toàn diện các chiều cạnh của chính sách, từ đó giúp các cơ quan soạn thảo tiếp thu, điều chỉnh trước khi ban hành chính thức.

Những kết quả này, theo tôi, không chỉ góp phần phòng ngừa sai phạm, hạn chế tiêu cực mà còn nâng cao chất lượng xây dựng chủ trương, chính sách là yếu tố quyết định sự thành công trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực hiện nay.

* Theo bà, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội, Mặt trận và các tổ chức thành viên cần có những giải pháp gì?

– Theo tôi, có bốn nhóm giải pháp chính cần được triển khai đồng bộ.

Một là, về thể chế, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, các hướng dẫn, quy định cụ thể liên quan đến giám sát và phản biện xã hội theo hướng rõ ràng hơn về trách nhiệm tiếp thu, phản hồi ý kiến của các cơ quan được giám sát và phản biện; quy định cụ thể cơ chế theo dõi, đánh giá việc thực hiện sau giám sát; mở rộng quyền tiếp cận thông tin cho Mặt trận và các tổ chức thành viên, nhất là các văn bản, dự thảo chính sách đang trong quá trình lấy ý kiến.

Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp có trình độ chuyên môn cao, phẩm chất chính trị trong sáng, có bản lĩnh, có khả năng phân tích, tổng hợp và phản biện tốt, đáp ứng được yêu cầu của một nền hành chính minh bạch, hiện đại và phục vụ.

Đây là điều kiện tiên quyết để Mặt trận không chỉ “nêu vấn đề” mà còn “giải trình ngược” lại được khi cần thiết, đảm bảo các cuộc giám sát và phản biện có chiều sâu, được cơ quan chức năng tin tưởng, trân trọng và tiếp thu thực chất.

Ba là, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các hội đồng tư vấn, tổ phản biện xã hội, ban giám sát ở cộng đồng. Thành phần cần được mở rộng, bao gồm các chuyên gia, trí thức, nhà khoa học có trình độ và kinh nghiệm thực tiễn, nhằm tăng cường tính khách quan, khoa học, sắc bén trong từng ý kiến góp ý, phản biện chính sách.

Bốn là, cần có cơ chế tạo sự yên tâm cho mọi người dân tham gia đóng góp ý kiến trên tinh thần xây dựng, tích cực, thẳng thắn, trung thực.

Điều này cũng giúp cho hoạt động giám sát, phản biện hiệu quả, ghi nhận được nhiều hơn tiếng nói đồng thuận của nhân dân, góp phần nâng cao năng lực quản trị của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Chúng tôi tin tưởng hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức thành viên sẽ tiếp tục là kênh thông tin quan trọng, không thể thiếu trong quá trình hoạch định chính sách công.

Đặc biệt là trong xây dựng các đề án lớn, các chương trình phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, các chủ trương, chính sách, dự án có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.

Với sự quyết tâm của hệ thống chính trị thành phố, sự đồng hành của nhân dân thành phố, Mặt trận và các tổ chức thành viên các cấp của thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát huy tốt vai trò của mình, nỗ lực để là điểm tựa của niềm tin, là cánh tay nối dài của Đảng, chính quyền trong sự nghiệp xây dựng thành phố phát triển bền vững.

ĐẮC MẠNH – TRUNG ĐOÀN (Thực hiện)

;
;
Tin liên quan
    .
  • Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
  • Bài 2: Giám sát để xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính
.
TagsPhòng chống tham nhũngxây dựng Đảnggiám sát phản biện xã hộiMặt trận Đà Nẵng
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

mười lăm + 5 =