Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký văn bản gửi Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh nhằm đề xuất, bổ sung nhiều nội dung vào Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Trong đó, nổi bật là đề xuất điều chỉnh vị trí xây dựng Khu thương mại tự do đang quy hoạch tại Đà Nẵng vào địa bàn huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Cảng biển quốc tế Chu Lai, tỉnh Quảng Nam (Ảnh: Hoài Sơn).
Theo ông Dũng, việc chuyển đổi này sẽ gắn liền với định hướng phát triển Sân bay Chu Lai (đã được phê duyệt quy hoạch theo Quyết định ngày 17/1/2023 của Thủ tướng) và Trung tâm logistic container Chu Lai (đã được phê duyệt quy hoạch, đề xuất đầu tư cảng nước sâu).
Tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức hôm 18/4, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cũng đề cập nội dung này.
Theo ông Hải, việc hợp nhất tỉnh là để mở rộng không gian phát triển cho các địa phương. Với Đà Nẵng hiện nay, diện tích nhỏ hẹp, nếu hợp nhất có thêm diện tích tỉnh Quảng Nam, lợi thế rất lớn. Do đó, Đà Nẵng nên xem xét có những điều chỉnh kịp thời về mặt hoạch định cho phát triển.
Ông Hải đặt vấn đề “Khu thương mại tự do có nhất thiết phải đặt ở thành phố Đà Nẵng hiện nay hay không, hay có thể đề xuất phát triển ở Quảng Nam, cụ thể là khu vực Chu Lai có cảng Chu Lai, sân bay Chu Lai?”. Theo ông, đó là khu vực có lợi thế rất tốt để phát triển logistics.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương (Ảnh: Hoài Sơn).
Ông Hải cho rằng trước đây, Đà Nẵng có thể chưa nghĩ đến chuyện này vào thời điểm xin cơ chế đặc thù, nhưng bây giờ là lúc phải suy nghĩ đến việc điều chỉnh bổ sung.
“Có thể vẫn có một Khu thương mại tự do tại Đà Nẵng hiện nay gắn với cảng biển Liên Chiểu, nhưng cũng có thể đề xuất Khu thương mại tự do ở khu vực Chu Lai để tạo dư địa phát triển. Đó mới chính là lợi ích lớn nhất của việc hợp nhất”, ông Hải nêu quan điểm.
Đà Nẵng đã có cả đường biển và biên giới khi hợp nhất với Quảng Nam, các loại hình vận tải đều có mặt ở đây. Tuy nhiên, các trung tâm logistics được ví như động lực, trái tim của chuỗi cung ứng chưa có. Trong bối cảnh các địa phương đang có sự bứt phá rất lớn.
Ông Hải cho biết thành phố Hải Phòng đang xin cơ chế như Đà Nẵng để xây dựng khu thương mại tự do. Đà Nẵng có lợi thế đi trước, nhưng nếu không có động thái, sự bứt phá, vào cuộc của cả chính quyền và doanh nghiệp lại chậm chân, không phát huy được lợi thế của việc hợp nhất.

Cảng biển Liên Chiểu gắn với Khu thương mại tự do Đà Nẵng (Ảnh: Hoài Sơn).
“Tôi cũng sốt ruột với các vấn đề liên quan Khu thương mại tự do ở Đà Nẵng, đã có lợi thế nhưng thời điểm này chưa có gì chính thức. Biết đâu đây lại là khoảng thời gian để điều chỉnh bổ sung thêm, chậm một chút nhưng lại mở ra không gian phát triển tốt hơn, lâu dài hơn cho thành phố Đà Nẵng”, ông Hải nêu quan điểm.
Theo Nghị quyết 136 của Quốc hội, Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ gắn với Cảng biển Liên Chiểu. Đây là khu chức năng, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao.
Khu thương mại tự do Đà Nẵng là mô hình đầu tiên của cả nước, được tích hợp các chức năng logistics cảng biển, sân bay gắn với các hoạt động thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế xuất và các chức năng phụ trợ khác. Đây cũng là Khu thương mại tự do hoạt động theo mô hình phức hợp đa chức năng theo cơ chế liên thông “khu trong khu”.
Nguồn: Dân Trí
- Huy động nguồn lực cụ thể hóa cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng
- Tiến Linh và Thùy Trang giành giải Quả bóng vàng Việt Nam năm 2024
- Chuyện “anh nuôi” trên tàu Trường Sa 21
- Quy hoạch tăng diện tích đất cây xanh công cộng nội thị
- Lãi suất ngân hàng ngày 4-3: Những ngân hàng nào mới giảm lãi suất?