Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm giáo dục đào tạo
Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tiếp tục nhấn mạnh định hướng thành phố huy động các nguồn lực để phát triển mạng lưới, quy mô giáo dục và đào tạo theo hướng đồng bộ, ngày càng hiện đại.
![]() |
Cuối năm 2024, Đại học Đà Nẵng khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật, dự án Khu đô thị Đại học Đà Nẵng là cơ sở để hướng tới đại học quốc gia. Ảnh: NHẬT HẠ |
Phát triển giáo dục toàn diện
Một trong những điểm sáng của giáo dục thành phố trong thời gian qua là mạng lưới trường lớp được quy hoạch vừa phù hợp hệ thống giáo dục quốc dân, vừa đáp ứng quy mô, yêu cầu phát triển đô thị và nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Lê Thị Bích Thuận, công tác đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đạt những kết quả tích cực. Các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức an toàn, nghiêm túc, theo đúng quy chế. Tỷ lệ trẻ đi học đúng độ tuổi tiểu học đạt 100%. Đến nay, các quận, huyện, phường, xã đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ em năm tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học, THCS đúng độ tuổi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 100% quận, huyện đạt chuẩn xóa mù chữ.
Số lượng giáo viên đạt chuẩn cao, thích ứng nhanh trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các cơ sở giáo dục chủ động, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học môn học, hoạt động giáo dục phù hợp điều kiện thực tế trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, nội dung đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018; tổ chức nhiều hoạt động dạy học, giáo dục phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh; đa dạng hóa các hình thức học tập, tăng cường giáo dục kỹ năng sống; có nhiều mô hình mới, sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng, phát triển toàn diện học sinh.
Xác định đầu tư cho giáo dục là ưu tiên hàng đầu, năm 2020 thành phố phê duyệt đề án Xây dựng, nâng cấp và mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025. Đề án đặt mục tiêu xây dựng, nâng cấp, mở rộng mạng lưới trường học đến năm học 2025-2026 quy mô 452 đơn vị, trường học với khoảng 339.315 học sinh.
Trong đó, cơ sở giáo dục mầm non là 238 trường, tiểu học 109 trường, THCS 64 trường, THPT 38 trường và 3 trung tâm giáo dục thường xuyên. Mức vốn đầu tư cho đề án ban đầu là 4.399 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu, đề án nêu các giải pháp mở rộng mạng lưới, phát triển quy mô giáo dục và đào tạo theo hướng đa dạng hóa loại hình; sắp xếp các cơ sở giáo dục nhỏ lẻ, ghép trường tiểu học, THCS nhỏ lẻ; bảo đảm diện tích đất cho xây dựng các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố bố trí, phân bổ ngân sách để thực hiện có hiệu quả đề án xây dựng nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025; huy động tối đa nguồn viện trợ không hoàn lại của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để cải tạo, nâng cấp trường học, đáp ứng nhu cầu dạy và học, thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Hướng tới đại học quốc gia
Cùng với việc quan tâm, đầu tư ở các cấp học giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên thì những năm gần đây, giáo dục đại học trên địa bàn thành phố cũng rất phát triển. Thành phố có 61 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; gần 20 trường đại học và cơ sở đào tạo đại học, góp phần vào việc cung ứng nhân lực cho thị trường lao động của thành phố, khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước.
Ngày 27-2-2025, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 452/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch hình thành 4 trung tâm giáo dục đại học lớn tại 4 vùng đô thị là Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
Là một trong những đại học vùng trọng điểm quốc gia được thành lập từ năm 1994, những năm qua Đại học Đà Nẵng khẳng định vai trò đầu tàu của một đại học lớn. PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho hay, từ đội ngũ gần 400 cán bộ, giảng viên, nhiều ngành chưa có tiến sĩ, đến nay Đại học Đà Nẵng có gần 2.600 cán bộ, giảng viên (tăng 6 lần), trong đó có 127 GS, PGS (tăng gần 10 lần), 758 tiến sĩ khoa học (tăng hơn 16 lần); tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ là 48%, trong đó Trường Đại học Bách khoa hơn 70%, trong khi bình quân chung của cả nước là 32%.
Nhờ có đội ngũ giảng viên chất lượng, đến nay Đại học Đà Nẵng phát triển thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có quy mô đào tạo thuộc top đầu cả nước, khẳng định thương hiệu với gần 55.000 sinh viên, học viên chính quy, lưu học sinh (tăng 8,5 lần) với 136 ngành bậc đại học, 48 ngành thạc sĩ và 32 ngành tiến sĩ.
Để góp phần xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm giáo dục đào tạo khu vực, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố không ngừng phát triển. Đại học Đà Nẵng phát triển thành đại học quốc gia theo định hướng nghiên cứu, tập trung đào tạo tài năng, chất lượng cao và đào tạo sau đại học gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia; ưu tiên các lĩnh vực khoa học cơ bản, kỹ thuật, công nghệ và một số lĩnh vực trọng điểm khác…
Đặc biệt, dự án xây dựng Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý – Điện Ngọc được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt tiểu dự án 1 với tổng mức đầu tư hơn 117 triệu USD (hơn 2.767 tỷ đồng).
Dự án được đầu tư xây dựng góp phần đưa Đại học Đà Nẵng trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo chuẩn quốc tế, nâng tầm Đại học Đà Nẵng phát triển thành Đại học Quốc gia theo chủ trương, nhiệm vụ được xác định trong tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
NHẬT HẠ
Nguồn: Báo Đà Nẵng