Hành trình đến Trường Sa – Bài 2: Cột mốc chủ quyền giữa đại dương
Sau hai ngày đêm lênh đênh trên biển, cưỡi sóng gió đại dương, tàu KN 390 bắt đầu cập đảo. Những ngày lênh đênh giữa đại dương giờ nhường chỗ cho cảm xúc mới, xúc động, thiêng liêng khi từng bước chân đầu tiên chạm lên những hòn đảo của quần đảo Trường Sa, vùng đất thiêng liêng, chủ quyền của đất nước.
![]() |
Trẻ em trên đảo Song Tử Tây. Ảnh: TRỌNG HUY |
4 giờ 30 phút, tàu KN390 thả neo gần đảo Song Tử Tây. 6 giờ, đoàn công tác bắt đầu hành trình lên đảo. Cánh phóng viên được ưu tiên lên trước cùng nhóm tiền trạm. Hành trình từ tàu lớn sang ca nô không dễ dàng. Những con sóng mạnh khiến ca nô chao đảo, giật bổng rồi lại rơi xuống. Các chiến sĩ hải quân phải liên tục điều khiển ca nô áp sát mạn tàu, hướng dẫn các thành viên di chuyển đúng lúc, dứt khoát, từng bước chân đều được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn.
Khi những bước chân đầu tiên đặt lên bãi san hô đảo Song Tử Tây, cảm xúc dâng trào. Từ những hình ảnh trong sách vở, truyền hình, giờ đây Trường Sa hiện hữu sống động trước mắt: gió mặn, cờ đỏ sao vàng tung bay, những hàng dừa xanh rì, tiếng quân nhạc rộn ràng hòa cùng nhịp bước của những người lính đảo.
Một hình ảnh nhỏ mà ấm áp: một người lính trẻ tay cầm nhành rau ngót, tặng cho một đại biểu nữ. Hỏi ra mới biết, rau ngót là loại rau “giữ đảo”. Vào mùa bão, khi các loại rau thông thường không thể tồn tại do gió mạnh và nước mặn, rau ngót vẫn vươn lên xanh tốt. Nó trở thành nguồn dinh dưỡng quý giá cho quân và dân trên đảo trong những ngày gió bão dữ dội.
Song Tử Tây là đảo cực bắc của quần đảo Trường Sa, mang vị trí chiến lược đặc biệt như “người gác cửa” của cả vùng đảo. Đảo được đầu tư phát triển toàn diện, trở thành một trong ba xã thuộc huyện Trường Sa, với đầy đủ cơ sở hạ tầng, y tế, trường học và cư dân sinh sống. Trên đảo hiện hữu bốn cột mốc chủ quyền quan trọng khẳng định chủ quyền của Tổ quốc. Đặc biệt, đảo có ngọn hải đăng lâu đời nhất ở Trường Sa. Ngọn hải đăng ấy, bao năm qua vẫn âm thầm tỏa sáng, dẫn đường cho bao con tàu qua lại giữa đại dương bao la, góp phần đảm bảo an toàn hàng hải và thể hiện rõ ràng chủ quyền của Việt Nam trên vùng biển này.
Tại khuôn viên trang nghiêm của đảo, đoàn công tác tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm Quốc công Tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, người có đóng góp vô cùng quan trọng trong lịch sử bảo vệ chủ quyền dân tộc.
![]() |
Ngọn hải đăng trên đảo Song Tử Tây. Ảnh: TRỌNG HUY |
Rời Song Tử Tây, đoàn tiến về đảo Đá Thị, một đảo chìm giữa vùng biển rộng lớn. Khi thủy triều lên cao, toàn bộ bề mặt đảo chìm dưới nước. Trên mặt biển chỉ hiện ra hai tòa nhà kiên cố, nối nhau bằng cây cầu nhỏ. Nhìn từ xa, Đá Thị trông như một con tàu sừng sững hướng ra biển lớn, khẳng định mạnh mẽ sự hiện diện của Việt Nam tại Biển Đông. Đảo không có cây xanh, không có đất liền, nhưng có nhịp sống con người. Giữa mênh mông sóng gió, sự hiện diện của các chiến sĩ tại đây là minh chứng hùng hồn cho ý chí và nghị lực vượt khó của Hải quân Việt Nam.
Thượng úy Mai Vũ Thanh Nguyên, Chỉ huy trưởng đảo, tuy chỉ 26 tuổi nhưng đã có hơn hai năm công tác tại Trường Sa. Từng ánh mắt, nụ cười của anh đều toát lên sự vững chãi, bản lĩnh, phẩm chất của người lính Hải quân Việt Nam. Chúng tôi gặp chiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiển vừa tròn 20 tuổi, vóc dáng nhỏ nhắn nhưng ánh nhìn đầy quyết tâm. Hiển chia sẻ: “Em chọn lên đường nhập ngũ, chọn ra đảo, vì muốn góp phần giữ biển đảo Tổ quốc”. Những người trẻ như Hiển, như Thanh Nguyên chính là “cột mốc sống”, là biểu tượng của tinh thần yêu nước thời đại mới.
Sáng ngày thứ tư của hải trình, tàu thả neo tại đảo Sinh Tồn. Mưa biển lất phất như lời chào từ biển cả. Mở ra trước mắt là hình ảnh âu thuyền lớn, đủ sức đón hàng trăm tàu cá xa bờ. Từ bến tàu vào trung tâm đảo là con đường lát gạch, rợp bóng cây, phủ sắc xanh mướt của dừa, phi lao, bàng vuông. Đại úy Nguyễn Trung Kiên, phụ trách hậu cần, chia sẻ: để có màu xanh này là nỗ lực của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ. Ở đây, mỗi giọt nước ngọt là quý như vàng. Nước được gom từ mưa, lưu vào hệ thống bể chứa khắp đảo, được sử dụng tiết kiệm tối đa từ sinh hoạt đến tưới tiêu. Một giọt nước có thể dùng hai, ba lần, được lọc, phân loại để đảm bảo vừa tiết kiệm vừa đảm bảo vệ sinh. Từ đó, màu xanh mới tồn tại và lan tỏa. Sinh Tồn không chỉ là tên đảo, mà còn là biểu trưng của sự sống, của sức chịu đựng, kiên trì bám trụ nơi đầu sóng.
Buổi chiều cùng ngày, đoàn công tác đến đảo Cô Lin. Tại vùng biển Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma, nơi ghi dấu sự kiện lịch sử ngày 14-3-1988, lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ được tổ chức trang trọng và xúc động. Chuẩn Đô đốc Nguyễn Thiên Quân, Trưởng đoàn công tác chủ trì buổi lễ. Trong tiếng nhạc trầm hùng, Thượng tá Nguyễn Ngọc Dương ôn lại trận chiến năm xưa, khi các chiến sĩ hải quân Việt Nam đã kiên cường giữ đảo, anh dũng hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Khi tên những liệt sĩ vang lên giữa trùng khơi, nhiều người trong đoàn rưng rưng nước mắt. Những cánh hạc giấy, hoa vàng được thả xuống biển như lời tri ân muôn đời của hậu thế.
Đại úy Nguyễn Xuân Hoàng, Chính trị viên đảo cho biết, cán bộ, chiến sĩ không chỉ phải cảnh giác cao, mà còn phải giữ được tâm thế vững vàng, xử trí đúng đối sách, đúng mực để giữ hòa bình nhưng vẫn bảo vệ vững chắc chủ quyền. Kỷ luật và tinh thần sẵn sàng chiến đấu thể hiện rõ trong từng hành động.
Từ câu chuyện về những cột mốc lịch sử giữa đại dương, đến lễ tưởng niệm thiêng liêng giữa biển khơi, mỗi khoảnh khắc trên hành trình Trường Sa đều đọng lại sâu sắc. Những “hạt giống chủ quyền” được gieo trên từng hòn đảo, từ mồ hôi người lính, giọt nước quý giá, ánh mắt lạc quan của những người trẻ đang ngày đêm trụ vững nơi đầu sóng, thể hiện ý chí, lòng yêu nước và khát vọng giữ gìn từng tấc biển, hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
TRỌNG HUY
Nguồn: Báo Đà Nẵng
- Cơ chế đặc thù tháo gỡ vướng mắc các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra tại ba tỉnh, thành phố
- V-League “nóng” trong lẫn ngoài sân cỏ
- Cập nhật giá vàng sáng 28-1: Đột ngột sụt giảm mạnh
- Vietravel Đà Nẵng trao quà ‘Xuân yêu thương, Tết chia sẻ’
- Triệt phá mạng lưới ngầm đường dây rửa tiền lớn nhất Đà Nẵng từ trước đến nay