Hết lòng “nghĩa tận” với đồng chí

3 lượt xem - Đăng vào
Huỳnh Thúc Kháng hết lòng “nghĩa tận” với đồng chí (ảnh trái) và đám tang Phan Châu Trinh ở Sài Gòn. Ảnh: Tư liệu

Hết lòng “nghĩa tận” với đồng chí

.

Trong “bộ ba Duy Tân Quảng Nam” Phan-Trần-Huỳnh (Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng) thì Huỳnh Thúc Kháng là người sống lâu nhất nên ông có điều kiện để trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện “nghĩa tận” với các đồng chí của mình, nhất là với hai người trong “bộ ba Duy Tân Quảng Nam.”

Huỳnh Thúc Kháng hết lòng “nghĩa tận” với đồng chí (ảnh trái) và đám tang Phan Châu Trinh ở Sài Gòn. Ảnh: Tư liệu
Huỳnh Thúc Kháng hết lòng “nghĩa tận” với đồng chí (ảnh trái) và đám tang Phan Châu Trinh ở Sài Gòn. Ảnh: Tư liệu

Chấp bút viết văn bia cho lăng mộ Trần Quý Cáp

Khi Trần Quý Cáp bị chém ở Khánh Hòa thì Huỳnh Thúc Kháng đang bị giam trong nhà ngục Hội An. Huỳnh tiên sinh không thể đến phúng viếng trực tiếp nên đã gởi lòng cảm thương của mình qua một bài thơ và một câu đối thay cho hai nén hương tiễn biệt. Thi tù tùng thoại (NXB Nam Cường, Sài Gòn, 1951), cuốn sách được Huỳnh tiên sinh biên soạn bằng Hán văn và do chính tay tác giả dịch ra chữ Quốc ngữ, ở các trang 17, 18 có chép chuyện này.

Câu đối được chuyển sang Quốc ngữ: Đàn anh phái tây học, bỗng mất một tay, muôn dặm mi mù, bạn trẻ trông sau rền rỉ khóc./ Đời tho với danh thơm, khó toàn hai ngã, một quan nhò nhỏ, mẹ già dựa cửa xót xa đau.

Bài thơ cũng vậy: Gươm sách xâm xâm tách dặm miền/ Làm quan vì mẹ há vì tiền/ Quyết đem học mới thay nô kiếp/ Ai biết quyền dân nảy họa nguyên./ Bồng đảo gió chưa đưa giấc mộng/ Nha Trang cổ đã khóc hồn thiêng/ Chia tay chén rượu còn đương nóng/ Đà Nẵng đưa nhau lúc xuống thuyền.

Đặc biệt, Huỳnh Thúc Kháng là người chấp bút viết văn bia cho lăng mộ Trần Quý Cáp mà ngày nay vẫn còn lưu lại nơi mộ của cụ ở làng Bất Nhị (xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn). Năm 1938, nhân dân Điện Bàn và tộc Trần cải tạo lại mồ mả và dựng bia cho Trần Quý Cáp. Huỳnh Thúc Kháng là người được tín nhiệm mời viết văn bia. Ông viết Thai Xuyên Trần Quý Cáp tiên sinh tiểu truyện. Đây là một bản văn chỉ dù dài khoảng 2.000 chữ và đang dưới chế độ thực dân nhưng bằng ngôn ngữ hàm súc, lại rất giàu thông tin đã nói đầy đủ về tư tưởng, những hoạt động, nhân cách và đặc biệt là cả “tâm sự” ẩn kín của Trần Quý Cáp.

Nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc cho rằng: “Đọc qua mộ chí hẵng ai cũng biết Trần Quý Cáp là một học trò thông minh, ham đọc sách, suy nghĩ rất sâu, một người bạn chí tình, một người con chí hiếu, một người thầy dạy người không biết mỏi và một nhà cách mạng hô hào cho dân quyền…”.

Viết tiểu sử Phan Châu Trinh

Đối với Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng còn là người chứng kiến phút lâm chung, đọc điếu văn, tiễn đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng và viết tiểu sử nói về cuộc đời của “nhà chính trị, cách mạng đầu tiên” của nước Việt Nam.

Dù Phan Châu Trinh về nước từ tháng 6-1925 rất nóng lòng muốn gặp Huỳnh Thúc Kháng vì cả việc chung lẫn việc riêng nhưng phải đợi đến cuối tháng 3-1926 hai ông mới được gặp nhau khi đã quá muộn màng.

Trong quyển Huỳnh Thúc Kháng niên phổ và Thư trả lời Kỳ Ngoại hầu Cường Để (NXB Văn hóa – Thông tin, 2000), tác giả cho biết ở trang 61: “Bảo Đại nguyên niên (Bính Dần – 1926). Tháng Hai được tin Tây Hồ bệnh nặng, thúc giục tôi vào Nam, nhưng phải làm thủ tục lấy căn cước, dân diên mấy ngày, khi đến Sài Gòn thì bệnh Tây Hồ đã trầm trọng không ngồi dậy được, chỉ ngó nhau cười nhưng khi nói chuyện mà có lời vĩnh quyết: “Hai ta được thấy nhau trên trần gian này một khoảng ngắn ngủi cũng đủ rồi; can trường bình sinh đã soi rọi nhau, không cần bàn nhiều. Từ đêm ấy Tây Hồ qua đời!”.

Trong bài Chân dung Phan Châu Trinh trong mắt người con do Nguyễn Văn Xuân lược ghi lời bà Phan Thị Châu Liên (con gái lớn của Phan Châu Trinh) đăng trên Tạp chí Bách Khoa số đặc biệt tháng 3 – 1974 (kỷ niệm húy nhật lần thứ 48 Phan Châu Trinh) có đoạn: “Cụ Huỳnh Thúc Kháng bạn chí thiết của cậu tôi cũng rất nóng lòng muốn vào nhưng bị Sogny gây khó khăn về giấy tờ và phải đi đường thủy nên vào chậm… Gần tối ngày 24 tháng 3 cụ Huỳnh mới vào được đến nơi chỉ đủ để cậu tôi trao đổi cái cười cuối cùng …”. (Dẫn lại Lê Thị Kinh trong Phan Châu Trinh qua những tư liệu mới, NXB Đà Nẵng, các trang 618, 621).

Trong lễ tang Phan Châu Trinh vào buổi sáng ngày 4-4-1926, Huỳnh Thúc Kháng với tư cách là đại diện cho Trung và Bắc Kỳ đã đọc một bài điếu văn được cho là ngắn gọn nhưng xúc động để tiễn đưa người đồng chí của mình về nơi an nghỉ cuối cùng. Bài điếu văn này được đọc sau điếu văn của Chủ tịch Hội tương tế Gò Công và điếu văn của nhà cách mạng Lê Văn Huân.

Rất tiếc chúng tôi không có được nguyên văn bài điếu chỉ biết các bài điếu văn được một tờ báo “thiện chí” đánh giá: “… là những lời khen ngợi đầy xúc cảm và rất gợi cảm đối với con người vĩ đại, đại diện cho một ý tưởng vĩ đại đã qua đời và với lời cam kết sẽ tiếp tục tấm gương cao quý và mãi không phai mờ của Người”. (Dẫn lại Lê Thị Kinh, sđd, trang 657).

Trong điếu văn của mình, Huỳnh Thúc Kháng cũng đã xác định “tiên sinh (Phan Châu Trinh) không những là một người chí sĩ yêu nước mà thật là một nhà chính trị cách mạng đầu tiên nước Việt Nam ta vậy”.

Sau đám tang, Huỳnh Thúc Kháng về lại Tiên Phước và bắt tay vào việc viết tiểu sử Phan Châu Trinh. Sau đó ông ra Đà Nẵng đưa bản thảo quyển sách cho vợ chồng Giáo sư Lê Ấm dặn cất giữ cẩn thận khi nào gặp thời cơ thuận tiện thì xuất bản. Mãi đến năm 1959 mới được nhà Anh Minh ở Huế xuất bản với nhan đề Phan Tây Hồ tiên sinh dật sử. Đây được xem là quyển sách đầu tiên viết về Phan Châu Trinh. (Trước đó nghe đồn Phan Khôi đã từng viết một quyển nhưng bị nhà cầm quyền Pháp tịch thu nên không được phát hành và không còn dấu tích).

Quả thật, Huỳnh Thúc Kháng đã hoàn thành xuất sắc “nghĩa tận” đối với hai người đồng hương, đồng môn, đồng khoa và trên hết là là đồng chí của mình!

LÊ THÍ

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1 × hai =