À… ơi thương cánh võng xưa
Lúc nào đó, giữa cái ồn ào của phố thị, lòng chợt cồn cào thèm một khoảng lặng. Một buổi chiều không còi xe inh ỏi, không lịch trình dày đặc, chỉ có gió nhè nhẹ qua kẽ lá và tiếng chim ríu rít gọi nhau về tổ. Trong những lúc như thế, ký ức lại đưa ta trở về bên hiên nhà cũ, nơi có cánh võng xưa đong đưa giữa hai thân cột, nơi những đứa trẻ đã từng nằm nghe gió kể chuyện tuổi thơ.
Lúc nào đó, khi chiều quê rớt xuống nhè nhẹ trên mái ngói rêu phong, lũy tre làng xao xác trong làn gió cuối ngày, và hương bếp rạ vương vấn đâu đây. Trong khoảng lặng ấy, giữa những bộn bề của cuộc sống, lòng ta lại chùng xuống, nhớ về một góc hiên xưa, nơi có cánh võng cũ kỹ từng đong đưa theo nhịp thời gian.
Cánh võng xưa – không chỉ là một vật dụng bình thường – đó là mảnh hồn quê, là nơi cất giữ những ngày ấu thơ trong veo, là tiếng gọi dịu dàng của những người thân yêu đã khuất bóng. Để rồi trong dòng đời hối hả, chỉ cần một thoáng nghĩ về cánh võng xưa, lòng lại lặng xuống, như được chạm vào phần sâu nhất, đẹp nhất của ký ức.
![]() |
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Võng ngày ấy là sợi dây nối giữa con người và đất trời, giữa cái chất quê hồn hậu với lòng người thơ bé. Hai đầu buộc chắc vào cột gỗ lim đen bóng theo năm tháng, kẽo kẹt đong đưa, mỗi trưa hè như câu hát ru từ lòng đất mẹ. Cánh võng gắn liền với lời ru như sự kết nối vô hình. Tôi nhớ như in tiếng võng kẽo kẹt trong những buổi trưa oi ả. Bà hay mẹ thường nằm quạt mo phe phẩy, miệng khe khẽ cất lời ru: “Ầu ơ… Đố ai nằm võng không đưa. Đố ai gặp lại người xưa không nhìn”, “Con ong làm mật yêu hoa. Con cá bơi yêu nước, con chim ca yêu trời”…
Tiếp nối thế hệ bà ru mẹ, mẹ ru con; lời ru đã trở thành tinh hoa của dân gian, chiếc võng trở thành di sản của làng quê như mạch nguồn tiếp nối của sự sống. Những giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng ân tình ấy con chưa hiểu và cũng không cần hiểu nội dung. Bởi mẹ ru con mà cũng chính đang ru lòng mình. Câu hát ấy, giọng bà ấy, như ngấm vào máu thịt, vào từng giấc mơ tuổi nhỏ.
Nằm trong võng, tôi đưa chân đá nhẹ cho võng đung đưa, mắt nhìn qua kẽ mái lá thấy mây trôi, chim chuyền cành ríu rít. Bên kia hàng rào râm bụt, tiếng gà trưa cục tác, tiếng mõ trâu leng keng từ bến sông vọng lại, tất cả như một bản giao hưởng đồng quê, bình dị mà tha thiết đến nao lòng. Cánh võng là nơi tôi nghe chuyện làng xưa, chuyện cây đa đầu đình, chuyện ông bà ngày trẻ cấy lúa lội đồng. Là nơi tôi giấu những buồn vui con trẻ, nơi cha tôi ngồi đan lại sợi võng rách, mẹ tôi tranh thủ ngả lưng sau buổi đi chợ sớm, tóc còn thơm mùi nắng.
Còn nhớ lời cha kể, ngày gia đình nhận được giấy báo tử của chú, liệt sĩ chống Mỹ, kỷ vật để lại mà bà trân quý nhất là chiếc võng được làm bằng vải dù xanh đậm. Cánh võng ấy là một phần ký ức của chú, một phần máu thịt của đất nước. Chiếc võng theo chú suốt những năm tháng hành quân trên đường Trường Sơn, mắc tạm giữa hai thân cây rừng, nằm chợp mắt giữa những ngày bom rơi đạn nổ. Võng dệt bằng dù xanh sẫm, thấm mồ hôi và cả bụi rừng, trải qua biết bao đêm mất ngủ, bao cơn sốt rừng, và cả những giấc mơ thời trai trẻ.
Khi chiến tranh qua đi, gia tài người lính về quê, ký ức của chàng trai làng hiển hiện nơi chiếc võng treo dưới hiên nhà như một kỷ vật. Chiếc võng ấy sờ vào vẫn mát rượi, thơm mùi mồ hôi nội tôi, rồi cha mẹ tôi, cả một đời lam lũ. Nó lại tiếp tục đong đưa những buổi trưa hè yên bình, nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ của anh chị em tôi. Mỗi lần nằm lên võng, tôi không chỉ thấy sự êm ái của một món đồ cũ, mà thấy hơi thở của rừng xưa, của những tháng năm khốc liệt mà thế hệ trước đã đi qua.
Lớn lên, theo chân những chuyến xe xa, người quê rời làng, rời cánh võng xưa, mang theo giấc mơ và cả hoài niệm. Giờ đây, dù có đi bao xa, trái tim tôi vẫn thổn thức mỗi khi nghe tiếng võng đâu đó vọng về. Cánh võng ấy có thể đã sờn rách, có thể đã được thay bằng chiếc ghế sofa êm ái trong căn hộ thành thị, nhưng tình cảm mà nó giữ lại thì không gì thay thế được.
Rồi năm tháng qua đi, tôi lớn dần, rời làng đi học, đi làm, rong ruổi nơi phố thị. Nhà giờ không còn cột gỗ để mắc võng, thay vào đó là ghế đệm, máy lạnh, nhưng có một khoảng trống trong tim không gì lấp được, đó là nỗi nhớ cánh võng xưa, nhớ mùi đất quê sau mưa, nhớ tiếng ru bà, nhớ nhịp sống chậm rãi, hiền hòa như dòng sông trước ngõ.
Chiều quê, nắng trải vàng trên mặt ao bèo lơ lửng, gió nhẹ nhàng đưa hương rơm mới qua hàng cau trước ngõ. Trong không gian bình yên ấy, tôi lại nhớ đến cánh võng xưa, cánh võng treo lặng lẽ dưới hàng hiên ngói đỏ, nơi từng in dấu tuổi thơ êm đềm bên vòng tay của bà, của mẹ. Cánh võng xưa không còn nằm dưới mái hiên cũ, nhưng nó vẫn đong đưa trong lòng tôi như một phần ký ức, một nét hồn quê luôn chảy mãi trong tim, dịu dàng mà bền bỉ như chính quê hương mình.
ĐINH HẠ
Nguồn: Báo Đà Nẵng
- Bàn giao công tác của Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
- Lễ đón Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez thăm chính thức Việt Nam
- Cẩm Lệ tăng cường kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa vi phạm
- Hé lộ 3 nhà đầu tư trúng thầu dự án trạm dừng nghỉ tuyến cao tốc Bắc-Nam
- Man City trở lại top 4 sau trận đại thắng Newcastle