Người lính Cụ Hồ trong thơ

2 lượt xem - Đăng vào
“Bộ đội Cụ Hồ” - danh hiệu cao quý, niềm tự hào của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

Người lính Cụ Hồ trong thơ

.

Danh xưng “Bộ đội cụ Hồ” ra đời từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và trở thành tên gọi thân thương cho đội quân vũ trang cách mạng Việt Nam từ đó đến nay. “Bộ đội cụ Hồ” hay “Người lính Cụ Hồ” lên tên gọi chung, còn trong từng giai đoạn kháng chiến, được gọi bằng một danh xưng riêng mang tính chức thức. Đó là Anh Vệ quốc quân trong kháng chiến chống Pháp, anh Giải phóng quân trong kháng chiến chống Mỹ, Tình nguyện quân trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế và người lính thời bình.

“Bộ đội Cụ Hồ” - danh hiệu cao quý, niềm tự hào của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Tư liệu
“Bộ đội Cụ Hồ” – danh hiệu cao quý, niềm tự hào của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

Anh Vệ quốc quân trong cuộc kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh và nhất định thắng lợi” là những người nông dân cầm súng. Họ hiền lành, chân chất, dân dã, ít học, cùng tập trung dưới ngọn cờ cách mạng, rèn luyện quân sự, lạc quan tham gia kháng chiến: “Lũ chúng tôi/ Bọn người tứ xứ/ Gặp nhau hồi chưa biết chữ/ Quen nhau từ buổi “một hai”/ Súng bắn chưa quen/ Quân sự mươi bài/ Lòng vẫn cười vui kháng chiến” (Nhớ, Hồng Nguyên).

Họ xuất thân từ những làng quê nghèo, chẳng hẹn mà gặp và trở thành “tri kỷ”, thành “đồng chí” của nhau: “Đêm tối chung chăn thành đôi tri kỷ/ Đồng chí!” (Đồng chí, Chính Hữu). Chiến sĩ Vệ quốc quân còn là những thanh niên trí thức đô thị được giác ngộ và tự giác ngộ cầm súng lên đường đánh giặc cứu nước. Xem hy sinh như một lẽ thường tình, tự hào khi ngã xuống trong tiếng gầm đưa tiễn của dòng sông Mã kiêu hùng: “Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.

Và vì vậy, họ vừa căm thù giặc tận đáy lòng lại vừa rất lãng mạn khi nghĩ về tình yêu, lẽ sống: “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” (Tây Tiến, Quang Dũng). Chính vì lẽ đó, anh vệ quốc quân đã trở thành biểu tượng của người lính Cụ Hồ trong suốt chín năm kháng chiến. Và chính họ đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, chôn vùi chủ nghĩa thực dân cũ khiến cả thế giới ngỡ ngàng: “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” (Ba mươi năm đời ta có Đảng, Tố Hữu).

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, người lính Cụ Hồ được nhân dân miền Nam trìu mến gọi là anh Giải phóng quân. Đây là cuộc kháng chiến mang tầm vóc mới, giữa một dân tộc nhỏ bé với một siêu cường quốc khổng lồ. Chính vì thế, hình tượng anh Giải phóng quân được xem là biểu trưng của cuộc chiến tranh chính nghĩa cho dù họ cũng chỉ là “những chàng trai chân đất”, nhưng chiếc mũ tai bèo hiền lành, dễ thương “chẳng làm đau một chiếc lá trên cành” của họ đã “mạnh hơn tất cả đạn bom/ làm run sợ cả Lầu Năm góc” (Bài ca Xuân 68, Tố Hữu).

Anh Giải phóng quân là một thế hệ lính Cụ Hồ tiếp bước người chiến sĩ Vệ quốc năm xưa bước vào cuộc kháng chiến với tất cả tư thế cùng những nghĩ suy rất riêng của thế hệ mình: “đi con đường người trước đã đi/ bằng rất nhiều lối mới” (Một người lính nói về thế hệ mình, Thanh Thảo). Họ ung dung “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”: “Xe không có kính không phải vì xe không có kính/ Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi/ Ung dung buồng lái ta ngồi/ Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng” (Tiểu đội xe không kính, Pham Tiến Duật).

Tư thế hy sinh của họ đã làm nên biểu tượng người chiến sĩ Giải phóng quân tạc vào thế kỷ: “Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ/ Anh là chiến sĩ Giải phóng quân” (Dáng đứng Việt Nam, Lê Anh Xuân). Từ dáng đứng ấy “Tổ quốc bay lên bát ngát những mùa xuân” – Xuân 1975 toàn thắng đưa đất nước vào kỷ nguyên mới: hòa bình, thống nhất non sông.

Thơ về người lính tình nguyện Việt Nam tại Campuchia cũng khác so với anh Vệ quốc quân và Giải phóng quân trước đó, nhất là trong cách xưng hô trần trụi của cái tôi trữ tình với tiếng “tao tao, mầy mầy, tụi mình…” vô cùng thân thiết: “Hãy sắp hàng vào cho tao điểm danh/ Những thằng lính ở miền xa rất trẻ/ Hãy sắp hàng vào để nghe tao kể/ Chuyện đánh nhau và chuyện… yêu nhau” (Điểm danh đồng đội, Phạm Sỹ Sáu). Sống và chiến đấu bên ngoài Tổ quốc, có lẽ phải gọi nhau như vậy mới lột tả hết sự chân tình: “Mai mày về với người yêu trong tay/ Hãy hôn giùm tao nụ hôn đời lính” (Gửi bạn bè làm xong nghĩa vụ, Phạm Sỹ Sáu)…

Khi tất cả đã yên bình, nhiệm vụ người lính là vừa xây dựng vừa bảo vệ Tổ quốc. Lúc này, người lính lại trở về với danh xưng chung anh “Bộ đội Cụ Hồ”. Khác với tuổi trẻ thời bình nói chung, người lính thời bình bên cạnh sứ mạng canh giữ đất trời còn lo cả việc canh giữ bình yên cho nhân dân trong cuộc sống. Họ vẫn là những người chịu nhiều gian khổ nhất, đặc biệt là khi đất nước gặp thiên tai, dịch bệnh.

Lúc đó họ vẫn lấy gian nan làm bạn, lấy sương gió làm nhà: “Lính thời bình/ Đất nước không bóng giặc/ Tưởng về gần lại xa/ Vẫn gian nan làm bạn/ Vẫn gió sương làm nhà” (Bài ca lính thời bình, Trần Đăng Khoa). Những gian nan, có cả những mất mát, hy sinh của người lính trong thời bình đã thể hiện rõ ràng phẩm chất cao đẹp, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”.

MAI BÁ ẤN

 

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

chín − 2 =