Trước hết phải “đúng người, đúng việc”
Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) vừa được Chính phủ thống nhất thông qua tại Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 18-4-2025 một lần nữa khẳng định quyết tâm của toàn hệ thống chính trị nhằm hướng đến mục tiêu: “tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả” trong giai đoạn cách mạng mới. Một nội dung được chỉnh lý, thay đổi đáng kể trong bản dự thảo mới nhất này là chủ trương giữ cả quy định về vị trí việc làm và ngạch công chức để bảo đảm ổn định đội ngũ cán bộ, công chức. Trong bối cảnh đó, tập trung thảo luận về sự phù hợp của mô hình chức nghiệp hay mô hình việc làm đối với nền công vụ Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện cải cách công vụ không thực sự quan tâm đến việc chuyển đổi mô hình hay hệ thống công vụ từ loại này sang loại khác. Quan tâm chủ yếu là làm thế nào để có thể có đúng người, đúng việc vì dù là mô hình chức nghiệp hay mô hình vị trí việc làm, trước hết đều cần phải đúng người và đúng việc.
![]() |
Người dân làm thủ tục tại bộ phận tiếp nhận của Sở Tài chính (Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng). Ảnh: TL |
Nhắc đến “đúng người, đúng việc” là nói đến một nguyên tắc cơ bản trong công tác tổ chức, quản lý nhân sự, thể hiện ở việc bố trí, phân công mỗi cá nhân vào đúng vị trí công tác phù hợp trình độ chuyên môn, năng lực, kỹ năng và phẩm chất đạo đức của họ. Trong các cơ quan nhà nước, nguyên tắc này nhằm bảo đảm mỗi cán bộ, công chức được giao đúng nhiệm vụ mà họ có khả năng thực hiện tốt nhất, từ đó phát huy tối đa hiệu quả công việc và phục vụ nhân dân một cách chuyên nghiệp, hiệu quả. Việc sắp xếp đúng người vào đúng vị trí không chỉ giúp nâng cao năng suất lao động mà còn góp phần tạo động lực làm việc, giữ gìn kỷ luật hành chính và thúc đẩy quá trình cải cách bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiện đại và hiệu quả.
Thông thường, hoạt động công vụ gồm có hai yếu tố: con người (ở đây là cán bộ, công chức, viên chức) và công việc mà họ đảm nhận, thực hiện theo quy định của pháp luật. Như vậy, hoạt động công vụ chỉ thực sự đạt được kết quả tối ưu khi hai yếu tố cấu thành đó có sự hòa hợp, tương thích và gắn kết chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay vẫn còn tồn tại ở một số cơ quan, khi tình trạng bố trí cán bộ không đúng chuyên môn, làm việc trái sở trường hoặc thiếu năng lực vẫn còn tồn tại. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc bố trí nhân sự còn theo cảm tính, không căn cứ vào năng lực và chuyên môn thực sự. Đôi lúc đôi nơi, việc bổ nhiệm, phân công công tác vẫn bị chi phối bởi các mối quan hệ cá nhân, tính thân quen hay yếu tố “cơ cấu”, thay vì dựa trên sự đánh giá khách quan về trình độ và năng lực thực hiện công việc.
Hệ quả rõ rệt của tình trạng này là sự lãng phí lớn về nguồn nhân lực. Những người có chuyên môn không được làm đúng chuyên môn dễ rơi vào trạng thái chán nản, thiếu động lực cống hiến; trong khi những người không phù hợp với vị trí lại không thể đáp ứng được yêu cầu công việc, làm việc cầm chừng, thụ động, xử lý công việc một cách máy móc, hình thức. Về lâu dài, tình trạng này còn tạo ra môi trường làm việc thiếu minh bạch, công bằng, làm suy giảm niềm tin của mỗi cán bộ, công chức, viên chức đối với hệ thống, và xa hơn nữa là làm giảm sút niềm tin của người dân vào hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền.
Như đã nói ở trên, trong xu hướng chung cải cách công vụ, các quốc gia trên thế giới phần lớn đang tập trung sự chú ý vào việc thay đổi cách thức phân công, bố trí, sắp xếp công việc khoa học, theo nguyên tắc đúng người, đúng việc, đúng khát vọng hơn là bàn về thay đổi mô hình công vụ. Và dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) thể hiện sự vận dụng linh hoạt, khai thác lợi thế của cả hai mô hình công vụ việc làm và chức nghiệp một cách hợp lý. Công tác tuyển dụng nhân sự cho bộ máy nhà nước ở tất cả mọi cấp phải theo nguyên tắc đơn giản mà chính xác: tìm được đúng người để thực thi công việc được giao. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “Dụng nhân như dụng mộc”, khi cán bộ được sử dụng đúng chỗ, đúng việc, đúng chuyên môn, sở trường sẽ phát huy mặt mạnh, hạn chế mặt yếu, đồng thời thúc đẩy công việc chung phát triển.
Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy vẫn đang diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết, với đủ quyết tâm, với đủ tầm nhìn, với đủ nguồn lực để vươn mình phát triển bền vững. Cuộc cách mạng này đồng thời cũng mở ra cơ hội để hệ thống bộ máy nhà nước tự nhìn nhận lại, “tự soi”, “tự sửa”. Và trên hành trình tự “thanh lọc” đó, việc sử dụng nhân sự bộ máy nhà nước “đúng người, đúng việc” không chỉ tồn tại như một yêu cầu của nghệ thuật tuyển người, dùng người, mà nó chính là nền tảng để xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu quả và liêm chính, hoạt động công khai, minh bạch và vì dân.
ĐỖ LAN HƯƠNG
Nguồn: Báo Đà Nẵng
- Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm khoa học – công nghệ mới của cả nước, là nơi thử nghiệm có kiểm soát các mô hình kinh tế mới, lĩnh vực khoa học mới
- Giải quyết nguồn cung, “hạ nhiệt” giá nhà: Cần phát triển thêm đô thị vệ tinh
- Hiệu quả đối thoại hai cấp ở Hòa Vang
- Sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm mùa nắng nóng 2025
- Đội tuyển U17 Việt Nam quyết tạo ‘địa chấn’ trước U17 Nhật Bản