Tiếp tục cải thiện chất lượng môi trường không khí
Mặc dù chất lượng môi trường không khí tại Đà Nẵng được đánh giá đang ở mức khá tốt, nhưng có sự khác biệt giữa các khu vực và biến động theo mùa. UBND thành phố vừa ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn giai đoạn 2025-2030 nhằm tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ nguồn phát sinh khí thải và giám sát, dự báo, cảnh báo, tiếp tục cải thiện chất lượng môi trường không khí để bảo đảm sức khỏe cộng đồng.
![]() |
Trạm quan trắc chất lượng môi trường không khí tự động, liên tục tại Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng. Ảnh: HOàNG HIỆP |
Trong chương trình quan trắc chất lượng môi trường thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025 (được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 3462/QĐ-UBND ngày 1-11-2021), có 52 điểm được quan trắc chất lượng môi trường không khí định kỳ theo phương pháp thụ động, tần suất quan trắc 1 tháng/lần. Theo đó, có 32 điểm quan trắc tại khu vực đô thị, 10 điểm tại các khu công nghiệp, 2 điểm tại các làng nghề và 8 điểm tại khu vực nông thôn.
UBND thành phố phê duyệt đầu tư các trạm quan trắc môi trường tự động trên địa bàn thành phố, trong đó có 6 trạm quan trắc chất lượng môi trường không khí xung quanh; Sở Nông nghiệp và Môi trường tiếp nhận quản lý, vận hành 4 trạm, trong đó có 2 trạm quan trắc môi trường không khí xung quanh tại ngã ba đường Phạm Hùng – quốc lộ 1A và Trung tâm Văn hóa thể thao quận Ngũ Hành Sơn. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có 3 trạm quan trắc môi trường không khí tự động do Bộ Nông nghiệp và Môi trường đầu tư, quản lý, vận hành tại Đại học Đà Nẵng (đường Lê Duẩn), Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng – Đại học Đà Nẵng (đường Tôn Đức Thắng) và Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ (đường Trưng Nữ Vương).
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, qua quan trắc, chất lượng môi trường không khí tại khu vực nông thôn (huyện Hòa Vang) ở mức tốt, tất cả các thông số quan trắc đều nằm trong phạm vi cho phép của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí. Ở khu vực đô thị, 2 trạm quan trắc tự động môi trường không khí xung quanh cho kết quả số ngày có chỉ số chất lượng môi trường không khí (AQI) đạt giá trị tốt 90-96%; thông số bụi PM2.5 dao động 0,02-29,56µg/m³, thấp hơn giới hạn của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí (50µg/m³); thông số bụi PM10 dao động từ 21,51-91,7µg/m³, thấp hơn quy chuẩn (100µg/m³).
Tuy nhiên, theo quan trắc môi trường định kỳ vẫn có một số vị trí có giá trị vượt giới hạn cho phép trong một số thời điểm, nhất là tại các ngã ba, ngã tư như: Cách mạng Tháng Tám – Ông Ích Đường, Phạm Hùng – quốc lộ 1A, Hoàng Văn Thái – Tôn Đức Thắng, ngã ba Huế, ngã tư Phước Tường, trước Bến xe Trung tâm Đà Nẵng… Đây đều là các vị trí, nút giao thông chính và kết nối các khu vực trong thành phố, có lưu lượng phương tiện lưu thông tương đối lớn. Thông qua việc quản lý, giám sát và quan trắc chất lượng môi trường không khí, thành phố xác định và đánh giá các nguồn khí thải phát sinh, trong đó, nguồn khí thải phát sinh từ hoạt động giao thông vận tải chiếm khoảng 70% lượng ô nhiễm không khí do khí thải từ quá trình đốt nhiên liệu động cơ và bụi do đất, cát cuốn bay lên từ mặt đường phố.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Đặng Quang Vinh cho hay, cuối tháng 4-2025, UBND thành phố ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn trong giai đoạn 2025-2030. Theo kế hoạch, thành phố tăng cường kiểm soát khí thải từ các nguồn thải trên địa bàn tập trung kiểm soát tốt nguồn khí thải từ hoạt động giao thông cơ giới đường bộ và thực hiện các quy định của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn Euro 4; kiểm soát khí thải tại các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm.
Thành phố đặt ra mục tiêu bảo đảm 100% dự án, cơ sở thuộc đối tượng thực hiện quan trắc khí thải tự động, liên tục theo quy định phải thực hiện đầu tư, lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải và kết nối, truyền dữ liệu về Sở Nông nghiệp và Môi trường để theo dõi, giám sát; 100% dự án, cơ sở xả khí thải phải có hệ thống xử lý khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường; không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng. Cùng với đó, triển khai thực hiện đề án di dời các cơ sở sản xuất ở các làng nghề vào các cụm công nghiệp có hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu và xây dựng kế hoạch thực hiện việc chuyển đổi ngành, nghề sản xuất của cơ sở, hộ gia đình sản xuất thuộc ngành nghề không khuyến khích phát triển tại địa phương.
Thành phố kiểm soát hiệu quả các nguồn khí thải phát sinh từ các hoạt động dân sinh, xây dựng, nông nghiệp; hạn chế tối đa và tiến tới chấm dứt đốt phế phẩm nông nghiệp tự phát sau thu hoạch; 100% các trang trại chăn nuôi quy mô lớn có công trình xử lý chất thải bảo đảm quy định; 100% công trình xây dựng thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường trong thi công và vận chuyển nguyên vật liệu…
Để bảo đảm sức khỏe cộng đồng, thành phố đặt ra mục tiêu duy trì chỉ số chất lượng môi trường không khí trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong năm từ trung bình đến tốt (AQI dưới 100µg/m³). Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, cảnh báo, dự báo chất lượng không khí tại các đô thị, các khu vực tập trung nhiều nguồn thải; tăng cường đầu tư các trạm quan trắc môi trường không khí xung quanh tự động, liên tục phù hợp với tình hình thực tế nhằm để cập nhật, cung cấp thông tin diễn biến chất lượng môi trưởng không khí đến cộng đồng.
HOÀNG HIỆP
Nguồn: Báo Đà Nẵng
- Niềm vui của ngư dân bội thu chuyến biển
- Lắng đọng cùng vũ nhạc kịch ‘Tiên Sa’
- Nhiều thỏa thuận hợp tác quốc tế được ký kết tại Diễn đàn các thành phố Hữu nghị và Hợp tác – Đà Nẵng 2025
- Đà Nẵng dự kiến có hơn 2.700 người nghỉ hưu, nghỉ chế độ trong năm 2025
- Quảng Nam: Đặc sắc Lễ hội Tam Kỳ mùa hoa sưa năm 2025 – ‘Rực rỡ sắc hoa vàng’