Doanh nghiệp nỗ lực tiết kiệm, người dân lo giá cả tăng theo

3 lượt xem - Đăng vào

GIÁ ĐIỆN TĂNG 4,8%

Doanh nghiệp nỗ lực tiết kiệm, người dân lo giá cả tăng theo

.

Từ ngày 10-5, giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 4,8%, nâng lên mức 2.204,06 đồng/kWh (chưa gồm VAT). Ngay sau khi thông tin được công bố, nhiều người dân và doanh nghiệp bày tỏ lo ngại khi chi phí sinh hoạt và sản xuất có nguy cơ tăng theo, trong bối cảnh thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu tiêu thụ điện tăng.

 

Người dân và doanh nghiệp bày tỏ lo ngại khi giá điện tăng ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt và sản xuất. Trong ảnh: Sản xuất lốp ô-tô tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng. Ảnh: TRỌNG HÙNG

Lo ngại tác động đến mặt bằng giá cả

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mức tăng giá điện mới sẽ khiến chi phí sinh hoạt của hộ gia đình (đang tính theo 6 bậc thang) tăng từ 4.550 đồng đến hơn 65.000 đồng/tháng tùy theo mức tiêu thụ. Cụ thể, hộ dùng dưới 50kWh sẽ trả thêm khoảng 4.550 đồng; từ 51-100kWh tăng thêm 9.250 đồng; từ 101-200kWh tăng 20.150 đồng; từ 201-300kWh tăng 33.950 đồng; từ 301-400kWh tăng 49.250 đồng; hộ dùng trên 400kWh có thể phải trả thêm 65.050 đồng mỗi tháng.

Chị Trần Thị Hồng Anh (công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Cầm) chia sẻ: “Giá điện tăng theo thời gian là không tránh khỏi, nhưng điều quan trọng là phải đi kèm với cải thiện chất lượng. Mùa nắng nóng thường hay cắt điện thường xuyên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Bên cạnh đó, mỗi khi tăng giá điện, giá xăng là thị trường lại có tình trạng giá hàng hóa “ăn theo” giá điện”.

Theo ông Lê Văn Huynh (quận Hải Châu): “Thời tiết nắng nóng, nhà tôi phải dùng nhiều máy điều hòa cho các phòng, hóa đơn tiền điện gần 2 triệu đồng/tháng giờ sẽ tăng thêm nữa. Mỗi lần điện tăng là các loại chi phí khác cũng tăng theo. Trước mắt phải thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm điện, giảm chi phí”.

Việc điều chỉnh giá điện lần này không chỉ khiến các hộ dân “cân đo đong đếm” lại hóa đơn hằng tháng mà còn đặt ra nguy cơ lan sang mặt bằng giá hàng hóa, dịch vụ. Để giảm gánh nặng chi phí cho người yếu thế, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ tiền điện hằng tháng cho các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội, tương đương lượng điện 30kWh/hộ/tháng (56.790 đồng). Riêng những hộ chính sách tiêu thụ không quá 50kWh/tháng cũng được hỗ trợ ở mức tương tự. Chính sách này được kỳ vọng góp phần bảo đảm an sinh và ổn định xã hội trong bối cảnh giá cả có nhiều biến động.

Điều chỉnh nhu cầu sử dụng điện

Trước áp lực giá điện tăng, nhiều hộ dân ý thức cao trong việc tiết kiệm điện. Chị Ngô Ánh Phương (quận Liên Chiểu) chia sẻ: “Gia đình tôi mới xây nhà nên đã đầu tư thiết bị tiết kiệm điện, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, hạn chế máy sấy và rửa chén bằng tay… để giảm tiêu hao điện”. Chị Nguyễn Thị Nở, kế toán trưởng của Công  ty CP Inno Floors (Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng) cho biết, doanh nghiệp đang trả khoảng 200 triệu đồng tiền điện mỗi tháng. Với mức tăng 4,8%, chi phí sẽ tăng thêm khoảng 10 triệu đồng. Nhiều doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư công nghệ hiện đại và giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà công suất gần 4MWp, thay toàn bộ đèn huỳnh quang bằng đèn LED và ứng dụng công nghệ Đức, Ý vào sản xuất giúp tiết kiệm đáng kể chi phí điện năng. Một số sáng kiến khác như điều chỉnh quy trình sản xuất, lắp biến tần điều khiển áp suất, hay cắt giảm công suất thiết bị làm mát… cũng được triển khai mạnh mẽ.

Theo ông Ngô Lê Quảng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) – Chi nhánh miền Trung, trước biến động của giá điện, doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh ca làm việc, giảm sử dụng điện vào giờ cao điểm và tính đến phương án đầu tư điện mặt trời để ổn định chi phí lâu dài.

Theo ông Nguyễn Đình Tuân, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng), trong mùa khô năm nay, công suất phụ tải tại Đà Nẵng có thể đạt đỉnh 760MW, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, EVN vẫn bảo đảm đủ nguồn cung điện cho thành phố. Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro từ việc hóa đơn điện tăng cao và giảm tải hệ thống, PC Đà Nẵng kêu gọi người dân theo dõi chỉ số công tơ qua ứng dụng EVNCPC CSKH hoặc Zalo, đồng thời áp dụng các biện pháp như vệ sinh thiết bị thường xuyên, lựa chọn sản phẩm tiết kiệm năng lượng, tắt thiết bị khi không sử dụng.

Năm 2025, PC Đà Nẵng đặt mục tiêu tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ. Ngoài các chương trình truyền thông, tuyên truyền trong trường học và doanh nghiệp, công ty còn tổ chức cuộc thi IoT “Chinh phục thử thách – Thuận tiện sống xanh” và hoạt động xã hội như sửa chữa miễn phí trạm biến áp cho khách hàng.

Cũng theo ông Tuân, để tránh hiệu ứng khi giá điện tăng kéo theo nhiều mặt hàng khác tăng theo, trước hết rất cần sự vào cuộc đồng bộ từ Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ngoài việc khuyến khích tiết kiệm điện, cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ biến động thị trường, xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng để tăng giá vô lý. Đồng thời, cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, giảm chi phí và ổn định giá cả.

TRỌNG HÙNG

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

hai mươi − 10 =