Kinh tế Đà Nẵng chuyển mình mạnh mẽ
Với các giải pháp cùng cơ chế, chính sách đột phá, kinh tế Đà Nẵng đã và đang có sự chuyển mình mạnh mẽ. Đặc biệt, với những mô hình phát triển mới như khu thương mại tự do, trung tâm tài chính sẽ mở ra cơ hội phát triển các liên kết tài chính – thương mại quốc tế, công nghệ cao để đưa Đà Nẵng trở thành cửa ngõ kết nối đầu tư – thương mại – tài chính – công nghệ của Việt Nam và khu vực ASEAN.
![]() |
Đà Nẵng có lợi thế vị trí địa chính trị, kinh tế quan trọng, tính kết nối cao về giao thông quốc tế. TRONG ẢNH: Một góc cảng Tiên Sa. Ảnh: MAI QUẾ
Những con số ấn tượng
Theo số liệu của Chi cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, kinh tế thành phố tăng trưởng khá qua các năm, tốc độ tăng trưởng bình quân tổng sản phẩm xã hội đạt hơn 9%/năm. Quy mô nền kinh tế thành phố giai đoạn 2016-2025 tăng khoảng 34,4 lần so với giai đoạn 1976-1985 và tăng khoảng 6,3 lần so với giai đoạn 1996-2005. Với việc mở rộng dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hình thành nên thương hiệu có sức cạnh tranh mang tầm quốc tế, trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện của du khách trong và ngoài nước.
Nét nổi bật nhất của thành phố là công cuộc quy hoạch, chỉnh trang đô thị, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng. Từ một đô thị nhỏ bé, đến nay, Đà Nẵng là địa phương có tỷ lệ đô thị hóa đạt 87,2%, cao gấp 2 lần so với mức trung bình của cả nước. Việc huy động nguồn vốn lớn đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội, hiệu quả đầu tư được cải thiện đáng kể qua từng giai đoạn với nhiều năng lực sản xuất mới bổ sung cho nền kinh tế.
Tổng vốn thực hiện toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 gấp gần 22 lần so với giai đoạn 1997-2000. Sau 30 năm kể từ dự án FDI đầu tiên đầu tư vào Đà Nẵng, đến nay thành phố đã thu hút 1.202 dự án, với gần 5,36 tỷ USD vốn đăng ký và vốn thực hiện đạt 3,77 tỷ USD.
Những năm gần đây, Đà Nẵng được biết đến là thành phố thông minh với 5 năm liên tiếp nhận giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam; 14 năm liên tiếp dẫn đầu Chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (Vietnam ICT Index); 4 năm liên tiếp (2020-2023) đạt Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam; 4 năm liên tiếp (2020-2023) xếp hạng Nhất chỉ số Chuyển đổi số cấp tỉnh; 3 năm liên tiếp (2022-2024) là địa phương tiêu biểu chủ động thực hiện cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số tại lễ trao giải “TOP Công nghiệp 4.0 Việt Nam – I4.0 Awards”…
Với kết quả này, Đà Nẵng tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, là nền tảng quan trọng để thành phố hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế – công nghệ số hàng đầu khu vực trong thời gian tới.
![]() |
Đà Nẵng 5 năm liên tiếp được Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) vinh danh là Thành phố thông minh Việt Nam. TRONG ẢNH: Các đại biểu tham quan gian hàng triển lãm tại Khu công viên phần mềm Đà Nẵng số 2. Ảnh: MAI QUẾ
Chuyển mình với các mô hình phát triển mới
Thời gian qua, Trung ương dành nhiều sự quan tâm cho thành phố để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế. Bộ Chính trị hai lần ban hành nghị quyết về xây dựng và phát triển Đà Nẵng: Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16-10-2003 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Năm 2024, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.
Thành phố cũng bám sát và gắn kết chặt chẽ việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hiện Đà Nẵng đang nỗ lực xây dựng trung tâm kinh tế năng động của khu vực và cả nước. Với lợi thế vị trí địa chính trị, kinh tế quan trọng và có tính kết nối cao về giao thông quốc tế với nhiều công trình, dự án quy mô lớn như cảng hàng không quốc tế được xếp hạng chất lượng tốt trên thế giới, dự án cảng Liên Chiểu, Khu công nghệ cao Đà Nẵng… và đặc biệt thời gian đến khi kết hợp với khu thương mại tự do, trung tâm tài chính sẽ mở ra cơ hội phát triển các liên kết tài chính – thương mại quốc tế, công nghệ cao để đưa Đà Nẵng trở thành cửa ngõ kết nối đầu tư – thương mại – tài chính – công nghệ của Việt Nam và khu vực ASEAN.
Khu thương mại tự do Đà Nẵng là khu thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam, tập trung vào thúc đẩy xuất khẩu giá trị gia tăng, logistics thông minh và sản xuất thế hệ mới. Dự án phát triển sẽ bao gồm: Trung tâm sản xuất và chuỗi cung ứng tiên tiến tập trung vào các ngành bán dẫn, công nghệ sinh học, thiết bị y tế và năng lượng tái tạo; logistics đa phương thức và thương mại toàn cầu, tích hợp liền mạch với cảng Liên Chiểu và sân bay Đà Nẵng, nâng cao khả năng kết nối thương mại khu vực và hiệu quả chuỗi cung ứng của Việt Nam với thế giới; kinh tế số và ngành công nghiệp thông minh, cụ thể là một hệ sinh thái chuyên biệt cho trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, thương mại điện tử và công nghệ chuỗi khối blockchain. Như vậy, mô hình vận hành của Khu thương mại tự do Đà Nẵng mang tính đa chức năng và hướng đến công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.
Gắn liền với Khu thương mại tự do Đà Nẵng là cảng Liên Chiểu, cảng trung chuyển quốc tế theo định hướng cảng xanh, cảng thông minh. Cảng Liên Chiểu nằm ngay trên luồng hàng hải quốc tế, khoảng cách từ cảng đến luồng hàng hải quốc tế 7,3km; về đường bộ kết nối từ cảng đến hệ thống giao thông quốc gia 4km; kết nối trực tiếp hệ thống đường sắt quốc gia 1,5km.
Thành phố đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng dùng chung kết nối đến cổng cảng và tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng kết nối từ cảng đến các phân khu chức năng của khu thương mại tự do. Đà Nẵng sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kho bãi, trở thành địa điểm trung chuyển nguyên vật liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất, qua đó phát triển các sàn giao dịch hàng hóa trong tương lai. Điều này không chỉ tạo điều kiện cho thương mại hàng hóa mà còn góp phần cung cấp nguồn lực cho các dự án lớn trên địa bàn thành phố và cả khu vực trong các lĩnh vực.
Trung tâm tài chính sẽ tập trung các lĩnh vực chuyên biệt, cộng hưởng với các lợi thế từ vị trí địa lý, kinh tế và môi trường sống, hạ tầng đô thị, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng của thành phố. Nghị quyết số 29-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng xác định, phấn đấu đến năm 2030, xây dựng và vận hành có hiệu quả Trung tâm tài chính thành phố Đà Nẵng, thu hút các đối tác chiến lược, định chế tài chính, dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ pháp lý và đơn vị tư vấn luật, kế toán, kiểm toán… quốc tế và trong nước đầu tư và hoạt động. Tầm nhìn trung tâm tài chính sẽ trở thành trung tâm đổi mới, xanh và đầu tư bền vững.
Thành phố đang chuẩn bị cả hạ tầng cứng và mềm để xây dựng trung tâm tài chính. Cùng với điều kiện môi trường sống đang không ngừng cải thiện sẽ mang lại chất lượng cuộc sống tốt cho các nhà đầu tư, chuyên gia, nhà khoa học đến sống và làm việc tại Đà Nẵng. Tất cả các yếu tố này kết hợp với nhau để tạo ra một hệ sinh thái tài chính sáng tạo, bền vững và kết nối cho Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng, qua đó góp phần nâng cao vị thế của quốc gia nói chung và là động lực tăng trưởng, tạo không gian phát triển mới đưa Đà Nẵng trở thành một trung tâm lớn về thương mại dịch vụ và công nghệ quốc tế.
MAI QUẾ
Nguồn: Báo Đà Nẵng
- Thí điểm bỏ giấy đăng ký kết hôn trong mua bán ô-tô
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ thành phố
- Hamas sẵn sàng phóng thích 34 con tin Israel
- BÍ THƯ THÀNH ỦY NGUYỄN VĂN QUẢNG: Nỗ lực, đoàn kết xây dựng thành phố phát triển theo định hướng của Trung ương
- Hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình nông nghiệp hiệu quả