Trung Quốc tăng cường hợp tác với Mỹ Latinh và Caribe
Với gói tín dụng hơn 9 tỷ USD và các chương trình hợp tác chiến lược với các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe, Trung Quốc ngày càng tăng cường quan hệ, hơp tác tại khu vực vốn được xem là “sân sau” truyền thống của Mỹ, khẳng định vai trò dẫn dắt của các quốc gia Nam bán cầu, trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng.
![]() |
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự lễ khai mạc hội nghị Bộ trưởng lần thứ tư Diễn đàn Trung Quốc – CELAC ngày 13-5. Ảnh: Tân Hoa xã/Yin Bogu |
Thông qua kế hoạch hành động chung
Theo China Daily, phát biểu tại hội nghị Bộ trưởng lần thứ 4 của Diễn đàn Trung Quốc – Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (Trung Quốc – CELAC) diễn ra gần đây tại Bắc Kinh, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố nước này sẵn sàng hợp tác với các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe để thực hiện Sáng kiến Phát triển toàn cầu, bảo vệ hệ thống thương mại đa phương, duy trì chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu ổn định và thông suốt, đồng thời bảo vệ môi trường quốc tế cởi mở và hợp tác. Trung Quốc sẽ nhập khẩu các sản phẩm chất lượng cao hơn từ các nước Mỹ Latinh và Caribe, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng đầu tư vào khu vực này.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết, hội nghị nói trên thành công tốt đẹp với việc thông qua Tuyên bố Bắc Kinh và kế hoạch hành động chung (2025-2027). Hai bên đã đạt được hơn 100 dự án hợp tác trong 3 năm tới. Trung Quốc cũng công bố 20 biện pháp hỗ trợ khu vực Mỹ Latin và Caribe phát triển. Hợp tác giữa Trung Quốc với các nước Mỹ Latin và Caribe có triển vọng rộng lớn. Việc hai bên bắt tay có thể tạo ra một siêu thị trường với dân số 2 tỷ người, không chỉ đem lại động lực mới cho tăng trưởng của mỗi bên, mà còn mở ra cơ hội mới cho sự thịnh vượng toàn cầu.
Kết quả nổi bật khác tại hội nghị là việc hai bên thảo luận sâu rộng việc cùng nhau xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai, khẳng định việc Trung Quốc cùng các quốc gia Mỹ Latin và Caribe tăng cường đoàn kết là hành động kịp thời, đúng thời điểm, khi những thay đổi trên thế giới đang diễn ra nhanh hơn, với nhiều rủi ro đan xen và chồng chéo. Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva nhấn mạnh: “Điều quan trọng là phải hiểu rằng số phận của Mỹ Latinh không phụ thuộc vào ai khác. Nó chỉ phụ thuộc vào việc chúng ta có muốn trở nên vĩ đại hay tiếp tục nhỏ bé”, theo Reuters.
Chiến lược “Nam bán cầu”
Điểm nổi bật trong chương trình hợp tác toàn diện với CELAC là khoản tín dụng trị giá 66 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 9,18 tỷ USD) mà Trung Quốc dành cho các nước CELAC. Đáng chú ý, toàn bộ khoản vay sẽ được cung cấp bằng đồng Nhân dân tệ, bước đi chiến lược thúc đẩy quốc tế hóa đồng tiền này và giảm sự phụ thuộc vào USD. Khoản tín dụng này được xem là cứu cánh với nhiều nền kinh tế Mỹ Latinh. Ông Eric Orlander, đồng sáng lập dự án Phát triển Trung Quốc – Nam bán cầu, nhận xét với Reuters: “Họ đang thực hiện nhiều thỏa thuận dựa trên đồng Nhân dân tệ, đặc biệt là các thỏa thuận hoán đổi tín dụng giúp nước vay dễ dàng giao dịch bằng Nhân dân tệ thay vì USD”.
Trong bối cảnh tiếp cận nguồn vốn ngày càng khó khăn, động thái này là một “chiến thắng” với khu vực. Tuy nhiên, Reuters lưu ý khoản tín dụng lần này chỉ bằng một nửa so với cam kết của Trung Quốc tại diễn đàn đầu tiên năm 2015, cho thấy Bắc Kinh đang thận trọng hơn trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
Thương mại Trung Quốc – CELAC đã tăng vọt, từ 12 tỷ USD năm 2000 lên tới 515 tỷ USD vào năm 2024, theo số liệu hải quan Trung Quốc được Reuters dẫn lại. Brazil, nền kinh tế lớn nhất khu vực, ngày càng thắt chặt quan hệ với Trung Quốc và đang có thêm cơ hội xuất khẩu nông sản sang thị trường tiêu thụ thực phẩm lớn nhất thế giới. Năm 2024, trong tổng giá trị 240 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc mua từ các nước CELAC, gần một nửa đến từ Brazil. Xu hướng này không chỉ diễn ra ở Brazil.
Theo DW, Trung Quốc đã vượt Mỹ, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Brazil, Peru và Chile. Năm quốc gia gồm: Chile, Peru, Costa Rica, Ecuador và Nicaragua đã ký hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc. Đáng chú ý, 2/3 các nước Mỹ Latin đã tham gia Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Bắc Kinh, minh chứng cho sự chuyển trục rõ nét trong hợp tác Nam – Nam. Trong khuôn khổ BRI, hai bên đã triển khai hơn 200 dự án hạ tầng, tạo hơn một triệu việc làm tại địa phương.
Bên cạnh hợp tác kinh tế, Trung Quốc cũng đẩy mạnh giao lưu văn hóa và giáo dục. Trong 3 năm tới, Bắc Kinh cam kết cấp 3.500 học bổng chính phủ, 10.000 cơ hội đào tạo tại Trung Quốc, 500 học bổng cho giáo viên tiếng Trung quốc tế và 300 suất đào tạo chuyên gia giảm nghèo, theo Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc (SCIO). Đáng chú ý, Trung Quốc quyết định áp dụng chính sách miễn thị thực cho 5 quốc gia ở Mỹ Latinh và Caribe và sẽ mở rộng chính sách này sang nhiều quốc gia khác trong khu vực.
Theo giới quan sát, với mối quan hệ thương mại Trung Quốc – CELAC đang bước vào “thập kỷ vàng” tiếp theo, cuộc cạnh tranh tại khu vực vốn được xem là “sân sau” của Washington đang bước sang giai đoạn mới, khi đồng Nhân dân tệ ngày càng hiện diện nhiều hơn trên bản đồ tài chính khu vực này, theo Reuters.
TRẦN ĐẮC LUÂN
Nguồn: Báo Đà Nẵng
- Các cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào viếng đồng chí Khamtay Siphandone
- Chủ động triển khai các nghị quyết, kết luận của Trung ương
- Đa dạng hoạt động chăm lo Tết
- Đề xuất bãi bỏ 3 thông tư và 6 quyết định về một số chính sách ở khu vực miền núi
- Đà Nẵng đấu giá xe Mercedes-Benz, Toyota Camry bị ngập nước