Bước ngoặt lịch sử định hình tương lai Syria
Mỹ đang cân nhắc bình thường hóa quan hệ với Syria sau khi Tổng thống Donald Trump gặp trực tiếp Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa trong khoảnh khắc chưa từng có tiền lệ suốt 25 năm qua, đánh dấu bước ngoặt trong tiến trình tái hội nhập quốc tế của nước này và định hình lại cục diện chính trị Trung Đông.
![]() |
Cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ, Syria và Saudi Arabia vào ngày 14-5. Ảnh: Reuters. |
Hướng đến bình thường hóa quan hết
Cuộc gặp khoảng 30 phút giữa ông Trump và ông al-Sharaa bên lề hội nghị của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) tại Riyadh (Saudi Arabia) ngày 14-5, nhanh chóng trở thành tâm điểm của truyền thông quốc tế, không chỉ vì tính biểu tượng của hai nhân vật này, mà còn bởi bối cảnh địa chính trị đặc biệt mà cuộc đối thoại diễn ra. “Lần đầu tiên sau 25 năm, một tổng thống Syria gặp một tổng thống Mỹ. Bản thân điều đó đã mang tính lịch sử”, Al Jazeera nhận định.
Theo The Guardian, tại cuộc gặp lịch sử này, ông Trump khẳng định Tổng thống lâm thời Syria đang có “cơ hội phi thường” để giữ đất nước đoàn kết; đồng thời cho biết Mỹ đang xem xét bình thường hóa quan hệ với Syria, qua đó báo hiệu sự thay đổi tiềm tàng trong nhiều thập kỷ về chính sách của Washington đối với quốc gia Trung Đông này.
Tổng thống Trump cũng bày tỏ hy vọng ông al-Sharaa sẽ đồng ý tham gia các thỏa thuận Abraham, vốn do Mỹ làm trung gian nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Israel và thế giới Arab. Bên cạnh đó, ông chủ Nhà Trắng yêu cầu Syria trục xuất các phần tử khủng bố, hợp tác với Mỹ chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng như xử lý kho vũ khí hóa học còn lại.
Về phần mình, ông al-Sharaa ca ngợi động thái gỡ bỏ trừng phạt của Mỹ là quyết định lịch sử và can đảm, xoa dịu nỗi đau của người dân Syria sau những năm tháng xung đột kéo dài, góp phần vào sự tái sinh và đặt nền tảng cho ổn định khu vực. Đáng chú ý, ông al-Sharaa mời gọi các công ty Mỹ đầu tư vào ngành dầu khí của Syria, bày tỏ mong muốn đưa Syria thành hành lang thương mại kết nối phương Đông và phương Tây và đề xuất xây dựng tòa tháp Trump tại Damascus để khuyến khích đầu tư của Mỹ vào công cuộc tái thiết nước này, theo The Guardian.
Bình luận trên Foreign Policy, Giáo sư Steven Cook, chuyên gia về Trung Đông tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR), nhận định: “Ông Trump có thể là người ngoài hệ thống ngoại giao truyền thống, nhưng chính điều đó lại giúp ông làm những việc không tưởng.
Việc ông bắt tay với al-Sharaa không chỉ đơn giản là biểu tượng, mà có thể là đòn bẩy cho một loạt diễn biến chính trị mới tại Syria và thậm chí ở cả vùng Levant”. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu khác lại nhìn nhận sự kiện này ở khía cạnh khác khi cho rằng, cuộc gặp tạo ra niềm tin rằng cộng đồng quốc tế cuối cùng cũng có thể đặt quyền lợi của người dân Syria lên trên các toan tính địa chính trị.
Cánh cửa mới cho Syria
Tại Damascus, thông tin về cuộc gặp khiến người dân Syria bất ngờ khi họ chứng kiến Tổng thống lâm thời của mình sánh vai với các nhà lãnh đạo Mỹ và Saudi Arabia trên truyền hình, điều mà chỉ vài tháng trước còn là điều không tưởng. Al Jazeera nhận định, đây là bước đột phá lớn, mang lại cho chính quyền mới ở Syria tính hợp pháp hơn trên trường quốc tế, là đỉnh cao của nhiều tháng ngoại giao bền bỉ của chính phủ Syria mới, cùng với tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia.
Giờ đây, quyết định của Mỹ có thể cũng sẽ mở đường cho GCC cam kết viện trợ tài chính nhiều hơn cho chính quyền ở Syria trong bối cảnh kinh tế nước này vẫn đang trong tình trạng kiệt quệ sau 14 năm xung đột. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, hơn 90% dân số Syria sống trong cảnh khó khăn, hạ tầng cơ sở bị phá hủy nặng nề, dịch vụ thiết yếu như điện, internet hoạt động không ổn định.
Các lệnh trừng phạt trước đây khiến Syria không thể tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế và gần như bị cắt đứt khỏi thương mại toàn cầu. Song giờ đây, với việc Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt, chính phủ mới ở Damascus kỳ vọng có thể bắt đầu công cuộc khôi phục đất nước. “Sẽ mất thời gian để mọi thứ đi vào thực tế, nhưng hy vọng điều này sẽ giúp cứu lấy nền kinh tế”, một quan chức Syria chia sẻ với The Guardian. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, sẽ cần hơn 250 tỷ USD để tái thiết Syria.
Đáng chú ý, cuộc gặp giữa ông Trump và ông al-Sharaa diễn ra bất chấp việc Israel lâu nay phản đối việc nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Syria khi viện dẫn quá khứ của ông al-Sharaa. Ông al-Sharaa từng lãnh đạo nhánh al-Qaeda tại Syria trước khi cắt đứt quan hệ với tổ chức khủng bố này cũng như thay đổi hình ảnh từ năm 2016. Cuộc gặp gỡ bất ngờ này cũng là dấu hiệu nữa cho thấy rạn nứt giữa Nhà Trắng và chính phủ Israel trong bối cảnh xung đột ở dải Gaza vẫn tiếp diễn.
Dù con đường phía trước còn nhiều chông gai, việc Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đã thổi luồng sinh khí mới cho Syria. Với sự ủng hộ quốc tế ngày càng rõ ràng hơn, chương mới cho Syria, một chương của hòa giải và tái thiết, có thể bắt đầu từ chính cuộc gặp lịch sử ngày 14-5.
THƯ LÊ
Nguồn: Báo Đà Nẵng
- Khép lại kỳ Á vận hội mùa Đông quy mô lớn nhất trong lịch sử
- Phiên họp chuyên đề UBND thành phố thông qua nhiều nội dung
- Cảnh báo chiêu lừa đảo mới: Giả danh ‘người thứ ba’, gửi link video chứa mã độc lừa đảo
- Lượt về play-off Champions League 2024-2025: Cơ hội cuối cùng đoạt vé
- Vòng chung kết U17 châu Á 2025: U17 Việt Nam tích cực chuẩn bị