Tiếp tục ưu tiên quỹ đất phát triển nhà ở xã hội
Thành phố Đà Nẵng đã và đang chú trọng phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu an cư của người dân, đặc biệt là nhóm lao động có thu nhập thấp. Với mục tiêu bảo đảm sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng sống, chính quyền thành phố ưu tiên quy hoạch quỹ đất dành cho loại hình nhà ở này.
![]() |
Một góc dự án nhà ở xã hội Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside. Ảnh: TRỌNG HÙNG |
Ưu tiên quỹ đất cho nhà ở xã hội
Thành phố Đà Nẵng sẽ dành một phần diện tích đáng kể tại các khu vực ven đô và quỹ đất sạch sau giải tỏa để xây dựng nhà ở xã hội. Các khu đô thị mới cũng phải tuân thủ quy định về quỹ đất dành phát triển nhà ở xã hội.
Ông Trần Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, việc ưu tiên quỹ đất cho nhà ở xã hội không chỉ giúp người dân có nơi an cư ổn định mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển đô thị bền vững. Đà Nẵng đang triển khai hàng loạt dự án nhà ở xã hội tại các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ…, qua đó cung cấp hàng chục nghìn căn hộ giá rẻ. Các dự án này được đầu tư đồng bộ tiện ích công cộng như trường học, công viên, trung tâm thương mại nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Trong năm 2024, thành phố quyết định điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, đặt mục tiêu xây dựng tối thiểu 25 dự án, 11.569 căn hộ với 890.142m2 sàn nhà ở xã hội. Năm 2025, Đà Nẵng tiếp tục triển khai và mời gọi đầu tư nhiều dự án nhà ở xã hội với tổng quy mô khoảng 5.200 căn, bao gồm các khu vực như chuyển công năng ký túc xá sinh viên phía tây, khu đô thị công nghiệp Hòa Khánh và khu B – nam cầu Cẩm Lệ. Thành phố cũng phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai dự án Thiết chế công đoàn với 700 căn hộ.
Hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngoài việc bố trí vốn ngân sách hơn 3.500 tỷ đồng để đầu tư nhà ở xã hội bố trí cho thuê đối với nhóm đối tượng đặc biệt khó khăn về nhà ở; người có công với cách mạng, hộ giải tỏa, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, hộ nghèo, học sinh, sinh viên và công nhân khu công nghiệp, chính quyền thành phố còn triển khai chính sách ưu đãi cho các chủ đầu tư nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội.
Cụ thể, các doanh nghiệp bất động sản tham gia phát triển phân khúc này sẽ được hưởng ưu đãi về thuế, tín dụng và thủ tục đầu tư. Một ví dụ tiêu biểu là dự án khu chung cư nhà ở xã hội tại Khu công nghiệp Hòa Khánh do Công ty CP Địa ốc xanh Sài Gòn Thuận Phước đầu tư với tổng vốn 1.000 tỷ đồng. Dự án này đã được Quỹ Đầu tư phát triển thành phố tài trợ vay ưu đãi 18 tỷ đồng với lãi suất 6,5%/năm trong 4 năm.
Chính quyền thành phố cũng cam kết tiếp tục rà soát, mở rộng quỹ đất và kiểm soát chặt chẽ tiến độ, chất lượng các dự án nhà ở xã hội để bảo đảm hiệu quả đầu tư. Đầu năm 2025, thành phố đã công bố danh mục 5 khu đất sắp được đấu giá quyền sử dụng đất, mục đích thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội. Theo đó, tổng diện tích các khu đất là 3,64ha, nằm ở 5 quận. Trong đó, khu đất A2-4 đường Ngũ Hành Sơn và đường dẫn lên cầu Tiên Sơn (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) có diện tích 0,71ha. Khu đất hiện trạng chung cư Hòa Minh (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) diện tích 0,82ha. Khu đất A1-7, đường Chu Huy Mân (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) diện tích 0,48ha. Tại quận Cẩm Lệ, có 1,06ha đất thuộc khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ (phường Hòa Xuân). Quận Hải Châu có 0,57ha đất thuộc khu số 10 Trịnh Công Sơn (phường Hòa Cường Nam).
Định hình thị trường nhà ở bền vững
Nhà ở xã hội không chỉ là vấn đề nhà ở đơn thuần mà còn liên quan mật thiết đến an sinh xã hội và sự phát triển bền vững của thành phố. Với định hướng đúng đắn, Đà Nẵng đang từng bước xây dựng một môi trường sống tốt hơn, giúp người lao động, công nhân và các hộ gia đình trẻ có cơ hội sở hữu nhà ở với giá hợp lý.
Anh Nguyễn Hữu Minh, một công nhân tại quận Cẩm Lệ chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn những dự án này sớm hoàn thành để có thể an cư, lập nghiệp ngay tại thành phố”. Ông Nguyễn Tường Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng (chủ đầu tư dự án Khu chung cư nhà ở xã hội ở Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) cho rằng, với quyết tâm và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, nhà đầu tư và người dân, Đà Nẵng đang dần hiện thực hóa mục tiêu trở thành một đô thị đáng sống, nơi mọi người đều có cơ hội sở hữu một ngôi nhà phù hợp với khả năng tài chính của mình. Việc tích cực quảng bá, mời gọi đầu tư và dành quỹ đất hợp lý cho nhà ở xã hội không chỉ giúp Đà Nẵng giảm áp lực nhà ở, mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển đô thị bền vững.
Theo Trưởng ban Đô thị, HĐND thành phố Lê Tùng Lâm, bên cạnh quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, cần thiết phải ban hành chính sách ưu tiên quỹ đất do thành phố đang quản lý, nhất là quỹ đất lớn tại một số khu vực gần trung tâm thành phố, các khu tái định cư được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công để kêu gọi đầu tư nhà ở xã hội. Đây là giải pháp cấp thiết nhằm sớm triển khai đầu tư các dự án nhà ở xã hội, đáp ứng chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội theo Chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2030 và đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.
Theo Sở Xây dựng, qua rà soát, thành phố đã bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội theo Chương trình phát triển nhà ở thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030 trong quá trình lập 9 quy hoạch phân khu đô thị với tổng diện tích đất dự kiến 178ha. Trong đó, đang triển khai 64,4ha, quy hoạch mới đến năm 2030 là 113,6ha bảo đảm quỹ đất phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 và giai đoạn tiếp theo. |
TRỌNG HÙNG
Nguồn: Báo Đà Nẵng
- Thúc đẩy hợp tác và phát triển lĩnh vực du lịch, trung tâm tài chính giữa Đà Nẵng với Úc, UAE
- Sôi nổi hội thi dân vũ, Flashmod quận Thanh Khê năm 2025
- Thảo luận về các dự án hợp tác giữa Đà Nẵng và Đại học bang Arizona (Hoa Kỳ)
- Tiết lộ tình hình tài chính doanh nghiệp đưa 1.000 xe điện VinFast vào phục vụ du lịch xanh ở Đà Nẵng
- Hà Nội FC thua trên sân nhà trước HAGL, CLB TPHCM thắng sít sao Đà Nẵng