Cuộc cách mạng về thuốc điều trị ung thư cho trẻ em nghèo
Liên minh độc đáo giữa Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bệnh viện trẻ em St. Jude (Mỹ) đang viết lại quy tắc tiếp cận thuốc ung thư cho trẻ em ở các nước nghèo, nơi mà cơ hội sống sót của những bệnh nhi ung thư chỉ bằng 1/3 so với các nước phát triển.
Sự khác biệt đáng lo ngại trong cơ hội sống sót của một đứa trẻ mắc bệnh ung thư phụ thuộc vào nơi chúng sinh ra có lẽ là vấn đề bất bình đẳng sâu sắc nhất trong lĩnh vực điều trị nhóm bệnh này. Để xóa bỏ khoảng cách đó, một sáng kiến chưa từng có trong lịch sử y tế toàn cầu đã ra đời vào tháng 1-2025: Nền tảng tiếp cận thuốc ung thư trẻ em toàn cầu, với cam kết tài chính lớn nhất từ trước đến nay cho thuốc ung thư trẻ em trị giá 200 triệu USD từ Bệnh viện trẻ em St. Jude tại Thành phố Memphis, bang Tennessee (Mỹ), theo AFP.
Thị trường thuốc ung thư trẻ em ở các nước đang phát triển bị kìm hãm bởi vòng luẩn quẩn. Theo báo cáo Closing the gaps (Xóa bỏ những khoảng cách) của WHO, chỉ 1 trong 8 quốc gia thu nhập thấp có khả năng tài trợ hóa trị ngoại trú và cung cấp các thuốc trị ung thư cơ bản cho trẻ em. Trong khi đó, ở nhóm nước thu nhập trung bình, con số này cũng chỉ là 7/20 quốc gia.”Quy mô thị trường nhỏ và biên lợi nhuận thấp ở các nước đang phát triển, cùng với tính không ổn định của thị trường, khiến các hãng dược phẩm không có động lực để phát triển, bán hoặc đăng ký sản phẩm tại các nước này”, báo cáo chỉ ra. Do đó, WHO và bệnh viện St. Jude đã xây dựng mô hình hợp tác đa bên chưa từng có. UNICEF và Quỹ Chiến lược của Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) tham gia với vai trò là các cơ quan đấu thầu mua sắm. Mô hình này cho phép gộp nhu cầu thuốc của nhiều quốc gia thành các đơn hàng lớn hơn, giúp việc sản xuất hiệu quả hơn về chi phí.
Hiện nay, theo tạp chí Nature, nền tảng đã cung cấp 35 loại thuốc generic với 69 công thức khác nhau từ 15 nhà sản xuất. Các đối tác UNICEF và PAHO phối hợp với các nhà sản xuất để đảm bảo chất lượng thuốc và điều phối việc vận chuyển.
Khởi đầu từ tháng 1-2025, nền tảng này đã triển khai thí điểm tại 6 quốc gia: Ecuador, Jordan, Mông Cổ, Nepal, Uzbekistan và Zambia. Theo AFP, trong giai đoạn đầu, chương trình dự kiến cấp thuốc cho khoảng 5.000 bệnh nhi ung thư tại 30 bệnh viện ở các quốc gia đó.
Những tác động ban đầu của chương trình vượt xa việc cung cấp thuốc đơn thuần. Tại Nepal, chính phủ công bố chính sách điều trị miễn phí cho bệnh nhi ung thư dưới 14 tuổi tại các cơ sở y tế công từ tháng 11-2024. Ecuador đang trở thành nước tiên phong trong khu vực về cải thiện tiếp cận điều trị ung thư nhi khoa. Ông Andre Ilbawi, người đứng đầu chương trình kiểm soát ung thư của WHO, nói với AFP: “Đây là khởi đầu của phong trào toàn cầu nhằm cung cấp thuốc ung thư cho trẻ em dựa trên nhu cầu, không phụ thuộc vào nơi các em sinh sống hay khả năng chi trả”.
Tầm nhìn này đang dần trở thành hiện thực khi 6 quốc gia tiếp theo là: El Salvador, Moldova, Senegal, Ghana, Pakistan và Sri Lanka – đã được mời chính thức tham gia nền tảng trong năm 2025. Báo cáo của WHO chia sẻ mục tiêu trong 5-7 năm tới là mở rộng đến 50 quốc gia, cung cấp thuốc điều trị cho khoảng 120.000 trẻ em.
Theo báo cáo của WHO, nền tảng này không đơn thuần là một chương trình tài trợ thuốc mà là khoản đầu tư đồng sáng tạo vào hệ thống y tế để kiểm soát ung thư. Đây là mô hình mới về cách các tổ chức quốc tế có thể hợp tác để giải quyết những thách thức y tế toàn cầu phức tạp.
Bệnh viện trẻ em St. Jude đã tiên phong trong việc xây dựng một liên minh toàn cầu bao gồm hơn 300 cơ sở y tế và các tổ chức từ hơn 75 quốc gia để cùng nâng cao tỉ lệ chữa khỏi ung thư cho trẻ em. Với những tác động ban đầu đầy hứa hẹn, nền tảng này đang chứng minh rằng khi các tổ chức quốc tế, chính phủ và khu vực tư nhân cùng cam kết hành động, không có khoảng cách nào là không thể xóa bỏ trong việc chăm sóc sức khỏe trẻ em toàn cầu.
TRẦN ĐẮC LUÂN
Nguồn: Báo Đà Nẵng