Brazil: “Át chủ bài” mới trên bàn cờ năng lượng

28 lượt xem - Đăng vào

Brazil: “Át chủ bài” mới trên bàn cờ năng lượng

.

Quyết định gia nhập nhóm OPEC+ của Brazil không chỉ là động thái mở rộng ảnh hưởng của tổ chức có 22 quốc gia thành viên, mà còn báo hiệu kỷ nguyên mới trong cán cân quyền lực dầu mỏ thế giới, khi “người khổng lồ” Nam Mỹ này kiên quyết giữ quyền tự chủ về sản lượng.

“Chúng tôi sẽ không bao giờ là thành viên của tổ chức áp đặt hạn ngạch sản xuất cho Brazil”, ông Jean Paul Prates, Giám đốc điều hành Petrobras, công ty dầu khí quốc gia Brazil, khẳng định với Reuters. Tuyên bố này không chỉ phản ánh chiến lược độc lập của quốc gia vừa trở thành nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất Nam Mỹ, mà còn báo hiệu sự xuất hiện của “người chơi” mới đầy tham vọng trên bàn cờ năng lượng toàn cầu.

Sự ra đời của OPEC+ vào năm 2016 với tham vọng kiểm soát hơn một nửa sản lượng dầu thế giới đang dần trở nên mờ nhạt. Rõ ràng, OPEC+ không còn độc quyền. Theo dự báo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), thị phần của khối này sẽ giảm từ 53% xuống còn 46% trong giai đoạn 2025-2026, ngay cả khi họ đang từng bước đảo ngược các cam kết cắt giảm sản lượng của năm 2023, theo trang Arabian Gulf Business Insight (AGBI).

Trong khi đó Brazil, với tư cách là nước sản xuất dầu lớn thứ 7 thế giới, đang nổi lên như một đối trọng mới đầy tiềm năng trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Với sản lượng 4,3 triệu thùng mỗi ngày, chiếm 4% tổng sản lượng toàn cầu theo số liệu của EIA, Brazil chứng kiến bước ngoặt lịch sử khi dầu thô vượt qua đậu nành để trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm 13,3% kim ngạch xuất khẩu năm 2024, theo AP.  Ông Alexandre Silveira, Bộ trưởng Khoáng sản và Năng lượng Brazil, khẳng định rõ lập trường khi tuyên bố nước này sẽ không bị ràng buộc bởi bất kỳ nghĩa vụ nào như cắt giảm sản lượng.

Theo AGBI, sự trỗi dậy của các nhà sản xuất độc lập như Brazil, cùng với Mỹ và Guyana, đang làm thay đổi cục diện thị trường dầu mỏ toàn cầu. Theo EIA, sản lượng dầu thế giới dự kiến tăng 1,9 triệu thùng/ngày năm 2025 và 1,6 triệu thùng/ngày năm 2026, với động lực chính đến từ 4 quốc gia châu Mỹ.
Trang web của tổ chức OPEC cho biết quyết định gia nhập OPEC+ của Brazil đánh dấu một bước ngoặt lịch sử, được thông qua bởi Hội đồng Năng lượng Quốc gia (CNPE) sau chuyến thăm chính thức đầu tiên của Tổng Thư ký OPEC Haitham Al Ghais tới quốc gia Nam Mỹ này vào tháng 10-2023.

Brazil không chỉ đơn thuần tham gia OPEC+, mà còn gia nhập Hiến chương Hợp tác (Charter of Cooperation – CoC), một khuôn khổ được thiết lập vào tháng 7-2019 nhằm “tạo điều kiện đối thoại và trao đổi quan điểm về điều kiện và sự phát triển của thị trường dầu mỏ và năng lượng toàn cầu”. Đồng thời, Brazil cũng thông báo tham gia Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), cho thấy chiến lược đa dạng hóa quan hệ đối tác trong lĩnh vực năng lượng của quốc gia này.

“Cuộc đua tam mã” Mỹ – OPEC+ – Brazil đang định hình. Trong khi Brazil đang định hình vị thế của mình, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump có những động thái quyết liệt để củng cố vị trí dẫn đầu thị trường dầu mỏ thế giới. Với sản lượng gần 22 triệu thùng mỗi ngày, gấp đôi Saudi Arabia, nhà sản xuất lớn nhất OPEC với 11 triệu thùng/ngày, Washington đang theo đuổi chính sách tối đa hóa sản xuất năng lượng trong nước.

Mỹ mở lại hơn 600 triệu mẫu Anh vùng biển liên bang cho phát triển dầu khí, đảo ngược các hạn chế dưới thời Tổng thống Joe Biden. Trong bối cảnh đó, Brazil đang theo đuổi chiến lược độc đáo: vừa tham gia OPEC+ nhưng vẫn giữ quyền tự chủ về sản lượng. Lý do được ông Jean Paul Prates đưa ra là do tính chất đặc thù của công ty: “Petrobras là công ty đại chúng và chúng tôi không thể có hạn ngạch”, trang Intellinews trích dẫn.

Bình luận trên AGBI, ông Ali Al Riyami, cựu Giám đốc tiếp thị tại Bộ Năng lượng và Khoáng sản Oman, cho rằng thị phần của OPEC+ có thể bị thu hẹp hơn nữa, một phần do các lệnh trừng phạt đối với Nga và Iran. Điều này có thể mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất độc lập như Brazil gia tăng ảnh hưởng. OPEC+ dự kiến tăng sản lượng khiêm tốn với 100.000 thùng/ngày trong năm nay và 600.000 thùng/ngày vào năm tới.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

17 − mười ba =