Khi hoa nở rộ trong nghệ thuật đương đại

31 lượt xem - Đăng vào
Tác phẩm được trưng bày tại triển lãm Flowers - Flora in Contemporary Art & Culture. Ảnh: Matt Chung/Wallpaper

Khi hoa nở rộ trong nghệ thuật đương đại

.

Triển lãm “Flowers – Flora in Contemporary Art & Culture” (tạm dịch: Hoa – Cây cỏ trong Nghệ thuật và Văn hóa Đương đại) tại gallery Saatchi (London, Anh) đang mở ra một chương mới cho nghệ thuật đương đại. Ở đó, hoa không còn đơn thuần là chủ thể của tranh tĩnh vật mà trở thành nguồn cảm hứng cho sự đổi mới sáng tạo xuyên suốt các lĩnh vực, từ thời trang cao cấp đến nghệ thuật kỹ thuật số.

Tác phẩm được trưng bày tại triển lãm Flowers - Flora in Contemporary Art & Culture. Ảnh: Matt Chung/Wallpaper
Tác phẩm được trưng bày tại triển lãm Flowers – Flora in Contemporary Art & Culture. Ảnh: Matt Chung/Wallpaper

Trên tầng hai của gallery Saatchi ở khu Chelsea (London), một khu vườn kỳ ảo đang thu hút sự chú ý của giới nghệ thuật quốc tế. Hơn 100.000 bông hoa khô được treo lơ lửng trên không trung, tạo nên không gian mê hoặc rộng gần 200m2. Đây là tác phẩm “La Fleur Morte” của nghệ sĩ người xứ Wales Rebecca Louise Law, một trong những điểm nhấn ấn tượng nhất tại triển lãm “Flowers – Flora in Contemporary Art & Culture” (từ đây gọi tắt là ‘Flowers’) diễn ra từ ngày 12-2 đến 5-5-2025.

Hoa – Từ tĩnh vật đến tương tác

Với hơn 500 tác phẩm được trưng bày trong 9 phòng, triển lãm đang kể câu chuyện về sức mạnh của hoa trong việc định hình lại ranh giới của sáng tạo nghệ thuật đương đại.

Khác với những triển lãm hoa truyền thống, ‘Flowers’ mở ra hành trình đa chiều về sự tiến hóa của nghệ thuật hoa trong thời đại số. Tạp chí Aesthetica Magazine nhận định, từ những bức tranh tĩnh vật của thời kỳ Phục Hưng đến các tác phẩm đương đại của ba thập kỷ gần đây, triển lãm cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong cách các nghệ sĩ diễn giải về hoa.

Điểm nhấn ấn tượng nhất của triển lãm là sự giao thoa giữa quá khứ và tương lai. Trong khi tác phẩm “La Fleur Morte” của Rebecca Louise Law mất hai năm để hoàn thành với hơn 100.000 bông hoa được trồng và bảo quản suốt 15 năm (theo Thenudge), thì ở một không gian khác, nghệ sĩ người Pháp Miguel Chevalier lại tạo ra một khu vườn kỹ thuật số hoàn toàn khác biệt. Tác phẩm “Digital Garden” của ông trải rộng trên diện tích 70m2, nơi những bông hoa ảo sinh sôi và tàn lụi theo chuyển động của khách tham quan thông qua cảm biến hồng ngoại.

Sự đối lập giữa khu vườn kỹ thuật số với tác phẩm “La Fleur Morte” của Rebecca Louise Law đặt ra những câu hỏi thú vị về tương lai của nghệ thuật hoa. Liệu công nghệ số sẽ thay thế hoàn toàn việc sử dụng hoa tự nhiên trong nghệ thuật? Hay chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới, nơi mà ranh giới giữa thực và ảo được xóa nhòa, tạo nên những trải nghiệm nghệ thuật độc đáo chưa từng có?

Giám đốc gallery Saatchi, ông Paul Foster, chia sẻ với trang Countrylife: “Phòng trưng bày rất vui mừng được tôn vinh thiên nhiên và tôn vinh vô số cách thức mà các nghệ sĩ được truyền cảm hứng từ thiên nhiên”. Nhận định này được minh chứng qua cách triển lãm được tổ chức thành 9 phân khu khác nhau, từ “Roots” (Nguồn cội) khám phá lịch sử nghệ thuật hoa, đến “In Bloom” (Nở rộ) giới thiệu các tác phẩm đương đại của 30 năm qua, và “Science: Life & Death” (Khoa học: Sự sống & Cái chết) khám phá các khía cạnh khoa học về hoa…

Nghệ thuật số và tương lai của hoa
Trong khi hầu hết các phòng trưng bày tại gallery Saatchi đều tĩnh lặng, phòng trưng bày số bảy lại tràn ngập sự chuyển động. Tại đây, tác phẩm “Extra-Natural” của Miguel Chevalier tạo nên một khu vườn ảo nơi những đóa hoa kỹ thuật số nở rộ và tàn lụi theo từng chuyển động của khách tham quan. Trải nghiệm này vừa mê hoặc vừa mang tính tương tác. Trang The Up Comping mô tả: “Thú vị không kém là được ngắm nhìn các vị khách xoay người, lướt đi và ra hiệu trong khi những cánh hoa phát sáng chuyển động và biến đổi hình dạng”.
Triển lãm ‘Flowers’ cho thấy cách mà nghệ thuật đương đại đang không ngừng đổi mới, nơi mà truyền thống và công nghệ có thể cùng tồn tại và bổ trợ cho nhau để tạo nên những trải nghiệm nghệ thuật đa chiều và phong phú.

Đa dạng hóa ngôn ngữ nghệ thuật

Sự ảnh hưởng của hoa trong nghệ thuật đương đại không chỉ dừng lại ở các tác phẩm nghệ thuật thị giác truyền thống. Triển lãm dành một phần đáng kể để khám phá mối quan hệ giữa hoa và thời trang, từ thiết kế đường phố đến thời trang may đo cao cấp.

Nhà thiết kế Vivienne Westwood đã tạo nên một cách tiếp cận độc đáo khi kết hợp họa tiết hoa với phong cách punk – một trào lưu văn hóa và thẩm mỹ nổi bật của thập niên 70-80 với đặc trưng là sự nổi loạn, phá cách và chống lại các quy tắc truyền thống. Các thiết kế của bà sử dụng hoa để khám phá nữ tính và sự phát triển xuyên suốt các bộ sưu tập, tạo nên sự kết hợp độc đáo giữa phong cách avant-garde (nghĩa là những ý tưởng táo bạo, đột phá và thường đi ngược lại với xu hướng chính thống của thời đại) và nét tinh tế của họa tiết hoa.

Trong khi đó, nhà tạo mốt Schiaparelli trưng bày một chiếc váy cưới haute couture (chỉ trang phục thời trang cao cấp được may đo thủ công hoàn toàn và chỉ sản xuất một chiếc duy nhất) năm 2024 của nhà thiết kế Daniel Roseberry. Chiếc váy được trang trí bằng những bông hoa ba chiều làm từ da thủ công, bao gồm hoa cẩm tú cầu, hoa tulip vẹt, phong lan và hoa cúc trên nền vải lụa taffeta trắng.

Đặc biệt, thương hiệu trang sức Buccellati, đơn vị tài trợ cho triển lãm, trưng bày sáu chiếc ghim cài hoa siêu thực. Trong đó có những tác phẩm mang tính lịch sử như ghim cài hình hoa Phong lan năm 1929 và ghim cài hoa Cúc những năm 1960 của người sáng lập Mario Buccellati, cùng với ghim cài hoa Hải đường năm 1991 kèm bông tai đồng bộ của Gianmaria Buccellati.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

18 + 1 =