Trung Quốc, Canada áp thuế trả đũa Mỹ

31 lượt xem - Đăng vào
Tàu chở hàng và các container vận chuyển tại Liên Vân Cảng (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Trung Quốc, Canada áp thuế trả đũa Mỹ

.

Ngay sau khi thuế nhập khẩu của Mỹ có hiệu lực vào ngày 4-3, Canada và Trung Quốc cũng áp thuế 10 – 25% với hàng hóa từ nước này, đánh dấu diễn biến căng thẳng mới trong quan hệ thương mại toàn cầu.

Tàu chở hàng và các container vận chuyển tại Liên Vân Cảng (Trung Quốc). Ảnh: Reuters
Tàu chở hàng và các container vận chuyển tại Liên Vân Cảng (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Theo Global Times, ngày 4-3, Trung Quốc tuyên bố áp thêm 15% thuế đối với thịt gà, lúa mì, ngô và bông nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời tăng thuế thêm 10% đối với đậu nành, cao lương, thịt heo, thịt bò, sản phẩm thủy sản, trái cây, rau và sữa của Washington từ ngày 10-3. “Các biện pháp thuế quan đơn phương của Mỹ vi phạm nghiêm trọng các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), làm suy yếu cơ sở hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Trung Quốc sẽ bảo vệ vững chắc các quyền và lợi ích hợp pháp của mình”, Bộ Thương mại Trung Quốc nêu trong một thông cáo.

Động thái trên diễn ra sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp mức thuế quan bổ sung 10% lên hàng hóa Trung Quốc, dẫn đến mức thuế nhập khẩu tích lũy mà Washington áp đặt lên các sản phẩm từ Bắc Kinh lên 20%.

Ồng He Weiwen, thành viên cấp cao tại Trung tâm Trung Quốc và toàn cầu hóa, nói với tờ Global Times vào ngày 4-3 rằng: “Các biện pháp đối phó mới nhất của Trung Quốc là hợp lý và cần thiết bởi quốc gia này cam kết duy trì hệ thống thương mại đa phương và bảo vệ các lợi ích cốt lõi của mình. Chuyên gia này lưu ý rằng trong lịch sử, hầu hết các đợt tăng thuế của Mỹ đều kích hoạt các biện pháp đối phó.

Khi chính quyền ông Trump công bố mức thuế 10% đầu tiên đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào tháng 2-2025, Trung Quốc đã kiềm chế bằng cách áp thuế đối với các sản phẩm năng lượng của Mỹ  thay vì hàng nông sản, với hy vọng sẽ tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán xoa dịu căng thẳng. Tuy nhiên, khi Washington tiếp tục leo thang căng thẳng thương mại với các mức thuế bổ sung thêm 10%, Bắc Kinh phải đáp trả bằng các biện pháp đối phó mạnh mẽ.

Ngoài các phản ứng nêu trên về thuế quan, Bộ Thương mại Trung Quốc (MOFCOM) ngày 4-3 thông báo quyết định đưa thêm 25 công ty của Mỹ diện hạn chế xuất khẩu và đầu tư nhằm bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia và thực hiện các nghĩa vụ quốc tế về không phổ biến vũ khí.

Cách đây một tháng, Bắc Kinh thông báo trả đũa sau khi thuế bổ sung lần 1 (10%) của Mỹ có hiệu lực. Theo đó, than đá và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ chịu thuế 15%. Mức thuế với dầu thô, máy móc trang trại và một số loại ô-tô là 10%. Nhiều kim loại quan trọng bị siết xuất khẩu. Google bị điều tra chống độc quyền.

Tương tự, ngay sau khi chính sách thuế của ông Trump có hiệu lực, ngày 4-3, Canada tuyên bố đáp trả mức thuế 25% với 30 tỷ CAD hàng Mỹ, theo CNN. Tổng cộng 1.256 sản phẩm bị ảnh hưởng trong đợt này, gồm nước cam, bơ lạc, rượu vang, bia, cà phê, đồ gia dụng, quần áo, giày dép, xe máy, mỹ phẩm, bột gỗ và giấy. 21 ngày sau, thuế 25% với 125 tỷ CAD hàng Mỹ nữa cũng có hiệu lực. “Thuế của chúng tôi có hiệu lực cho đến khi Mỹ rút lại các động thái thương mại. Nếu không, chúng tôi sẽ thảo luận tích cực với các địa phương để áp dụng biện pháp phi thuế quan”, Thủ tướng Justin Trudeau nói.

Theo Reuters, Thủ hiến tỉnh Ontario Doug Ford ngày 3-3 cũng cảnh báo cắt nguồn điện xuất khẩu sang Mỹ để đáp trả thuế nhập khẩu. Tỉnh Ontario là nơi cung ứng phần lớn nguồn điện cấp cho các bang New York, Michigan và Minnesota của Mỹ. Trong khi đó, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum dự kiến ​sẽ sớm công bố phản ứng của nước này trước chính sách thuế quan của Mỹ.

Theo Global Times, thay vì tìm giải pháp cho các vấn đề trong nền kinh tế trong nước, chính quyền ông Trump lại áp dụng các biện pháp thương mại đơn phương và cưỡng ép kinh tế với các đối tác thương mại lớn của mình. Tuy nhiên, các hoạt động bảo hộ của chính quyền này vi phạm các quy tắc của WTO và gây tổn hại đến trật tự thương mại quốc tế hiện tại, khiến các quốc gia khác phải đưa ra các biện pháp đối phó mạnh mẽ.

Khi các quốc gia khác ngày càng khó xuất khẩu sang Mỹ trong khi việc chuyển sản xuất sang Mỹ không thể giải quyết được vấn đề gốc rễ, các quốc gia khác sẽ buộc phải tìm kiếm một cơ cấu thương mại quốc tế mới không do Mỹ thống trị, với tính ổn định cao hơn và giảm bất ổn về thuế quan. Ngược lại, nền kinh tế trong nước và cơ cấu công nghiệp của Mỹ sẽ chịu áp lực đáng kể khi thuế quan của ông Trump sẽ thúc đẩy lạm phát trong nước và gây hại cho các ngành công nghiệp liên quan đến thương mại nước ngoài của Mỹ, làm suy yếu khả năng cạnh tranh công nghiệp của nước này trên toàn cầu.

Ngay sau thông báo áp thuế từ Mỹ, thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu lao dốc mạnh. Các chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều giảm điểm đáng kể. Thị trường chứng khoán châu Á ghi nhận xu hướng giảm, với chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm hơn 2%, và chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 1,5%. Đồng CAD của Canada và đồng peso Mexico đồng loạt giảm mạnh sau khi Mỹ bắt đầu kế hoạch áp thuế 25% lên hàng hóa nhập khẩu đối với cả hai nước này. Giới chuyên gia lo ngại rằng căng thẳng thuế quan có thể dẫn đến lạm phát tăng cao và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.

THƯ LÊ

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

bốn × 4 =