Đồng hành nông dân phát triển kinh tế

29 lượt xem - Đăng vào
Hội Nông dân xã Hòa Phong đồng hành, giúp nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.  TRONG ẢNH: Lãnh đạo Hội Nông dân thành phố và xã Hòa Phong tham quan mô hình trồng rau an toàn tại Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan. Ảnh: LAM PHƯƠNG

Đồng hành nông dân phát triển kinh tế

.

Tổ chức tập huấn giúp hội viên nâng cao kỹ năng, kiến thức trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ vật tư, máy móc, cây giống, con giống, xây dựng thương hiệu sản phẩm, ứng dụng công nghệ vào sản xuất… là những hoạt động Hội Nông dân xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) triển khai thường xuyên nhằm đồng hành, hỗ trợ hội viên phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả.

Hội Nông dân xã Hòa Phong đồng hành, giúp nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.  TRONG ẢNH: Lãnh đạo Hội Nông dân thành phố và xã Hòa Phong tham quan mô hình trồng rau an toàn tại Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan. Ảnh: LAM PHƯƠNG
Hội Nông dân xã Hòa Phong đồng hành, giúp nông dân phát triển kinh tế hiệu quả. TRONG ẢNH: Lãnh đạo Hội Nông dân thành phố và xã Hòa Phong tham quan mô hình trồng rau an toàn tại Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan. Ảnh: LAM PHƯƠNG

Đến thăm trang trại sản xuất nấm của anh Phan Văn Hùng (thôn Cẩm Toại Đông), chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi giữa vùng nông thôn lại có trang trại nấm rộng 700m2 được đầu tư bài bản, trồng các loại nấm: bào ngư, linh chi, đông trùng hạ thảo, cho giá trị kinh tế cao, đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Anh Hùng cho biết, để có được thành công như hôm nay phải kể đến sự đồng hành, hỗ trợ từ Hội Nông dân xã trong việc hỗ trợ vay vốn, đầu tư trang thiết bị, máy móc, ứng dụng công nghệ cao để mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hội giới thiệu, kết nối tham gia các phiên chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm; các hội nghị, hội thảo giúp xây dựng, định hình thương hiệu nấm.

“Hiện nay bình quân trang trại xuất bán 50kg nấm bào ngư/ngày, khoảng 250kg nấm linh chi/năm, 5kg nấm đông trùng hạ thảo/năm. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng”, anh Hùng chia sẻ.

Trong khi đó, tại Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan, từ chỗ là CLB trồng rau với 14 thành viên, diện tích sản xuất chỉ 1ha, năm 2011, Hội Nông dân xã phối hợp UBND xã và Liên minh Hợp tác xã thành phố thành lập hợp tác xã, mở rộng lên 6ha, thu hút 40 hộ tham gia sản xuất. Giám đốc hợp tác xã Nguyễn Văn Tân cho biết, hợp tác xã đang trồng khoảng 20 loại rau, củ, quả. Để tạo đầu ra cho sản phẩm, hợp tác xã ký hợp đồng cung cấp hơn 500 tấn rau, củ, quả/năm cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, trường học, mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên.

Đặc biệt, Hội Nông dân xã thường xuyên mời chuyên gia về tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm giúp nâng cao kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc nông sản theo hướng hữu cơ và đạt chuẩn VietGAP. Hiện nay, các sản phẩm tại hợp tác xã được chứng nhận sản phẩm OCOP, rau ăn lá đạt chuẩn 3 sao và rau ăn quả đạt chuẩn 4 sao. Hằng năm, hợp tác xã thu hút hơn 8.000 học sinh, sinh viên, các tour du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm, góp phần tạo công ăn việc làm cho nông dân.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Bùi Dũng, hội chú trọng các hoạt động bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho hội viên, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, phát huy và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Đặc biệt, hội phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Đến nay, toàn xã có 320 hộ đăng ký chỉ tiêu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Xã có 7 mô hình kinh tế hiệu quả như: rau Túy Loan; ớt Bồ Bản; nấm, gà Kê Sơn; cá nước ngọt, bánh tráng Túy Loan; hoa Gò Giảng mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Năm 2024, Hội Nông dân xã thành lập mới 2 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 1 chi hội nông dân nghề nghiệp; vận động 9 hội viên tham gia hợp tác xã và thành lập mới Hợp tác xã bánh tráng Túy Loan. Đến nay, toàn xã có 4 hợp tác xã, 1 CLB, 7 tổ hợp tác, 2 tổ hội nghề nghiệp, 1 chi hội nghề nghiệp, giúp hàng trăm hội viên có cùng ngành nghề, lĩnh vực chia sẻ kinh nghiệm, phát triển kinh tế.

Để hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn mở rộng sản xuất, năm 2024, hội hướng dẫn 10 hội viên vay vốn 400 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, phối hợp Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện cho 86 hội viên vay vốn, tổng số tiền 3,5 tỷ đồng để đầu tư máy móc, trang thiết bị, cây giống, con giống mở rộng sản xuất. Đặc biệt, hội vận động các ngành chức năng hỗ trợ hội viên 10 tấn hạt giống các loại, hàng nghìn con cá giống, gà giống; 150 tấn phân bón, vật tư nông nghiệp, 8 tấn thức ăn chăn nuôi, tổng trị giá hơn 8,04 tỷ đồng để nông dân phát triển sản xuất, chăn nuôi.

Năm 2024, hội hướng dẫn hội viên xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP cho 6ha rau, 10ha lúa, 6ha đậu phộng, 12ha mè, 2ha ớt. Bên cạnh đó, hỗ trợ nông dân xây dựng các thương hiệu cho sản phẩm, như: chứng nhận VietGAP cho gà Kê Sơn, nấm linh chi; chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cho rau ăn lá, gà Kê Sơn, nấm linh chi, chứng nhận OCOP 4 sao cho rau ăn quả, nấm đông trùng hạ thảo. Từ đó khẳng định thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường, giúp nông dân nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế bền vững.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1 × bốn =