AI hiện thân phát triển mạnh ở Trung Quốc

12 lượt xem - Đăng vào

AI hiện thân phát triển mạnh ở Trung Quốc

.

Trung Quốc đang phát triển hệ sinh thái AI sôi động và có chiều sâu. AI hiện diện trong hầu hết các lĩnh vực đời sống ở nước này.

Tính đến năm 2024, Trung Quốc đã có hơn 1.500 công ty AI hoạt động, với tổng đầu tư vượt mốc 70 tỷ USD, theo thống kê của Viện nghiên cứu AI Bắc Kinh (BAAI). Hãng công nghệ Baidu phát triển hệ thống xe tự lái và trợ lý ảo; Alibaba sử dụng AI trong phân tích dữ liệu tiêu dùng và chuỗi cung ứng; Huawei tích hợp AI vào thiết bị di động và mạng 5G. Ngoài ra, máy bay không người lái là một phần nhỏ của ngành công nghiệp robot và AI rộng lớn hơn mà Trung Quốc đang có ý định mở rộng trong năm nay.

Ở Trung Quốc, không ít việc xuất hiện máy bay không người lái chở đầy hàng hóa từ trung tâm mua sắm cách đó chưa đầy 3 km, lơ lửng trên trạm giao hàng một lúc, trước khi hạ dần xuống và đặt hàng vào hộp kín chỉ có thể mở khóa bằng cách nhập số điện thoại của khách hàng. Hay một bữa tối được phục vụ mà không có người ở đó là do Robot Meituan đặt mục tiêu đánh bại thời gian giao hàng của con người khoảng 10%…

Theo The Guardian, tháng 3-2025, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cam kết “giải phóng sức sáng tạo của nền kinh tế kỹ thuật số”, đặc biệt tập trung vào “AI hiện thân”. Quảng Đông, bao gồm trung tâm công nghệ Thẩm Quyến, đi đầu trong phong trào này. Chính quyền tỉnh gần đây đã công bố khoản tài trợ mới trị giá 60 triệu Nhân dân tệ cho các trung tâm đổi mới.

Thẩm Quyến được biết đến là thủ phủ máy bay không người lái của Trung Quốc, vì cách tiếp cận tiến bộ của chính quyền đối với các quy định về công nghệ này, cho phép “nền kinh tế tầm thấp” phát triển nhanh hơn so với các khu vực khác của đất nước. Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc dự đoán giá trị của lĩnh vực này sẽ tăng gấp 5 lần lên 3.500 tỷ Nhân dân tệ trong thập kỷ tới. Bên cạnh đó robot hình người đặc biệt gây sốt hứa hẹn làm đảo lộn nhịp sống đô thị ở Trung Quốc. Điểm nhấn của lễ hội mừng xuân năm nay được gần 17 tỷ lần xem là điệu nhảy của một nhóm robot hình người do công ty Unitree chế tạo.

Thậm chí, vào mỗi thứ Bảy hằng tuần ở ngoại ô Bắc Kinh diễn ra cuộc đua chạy bán marathon robot hình người đầu tiên trên thế giới, giúp việc đào tạo người sáng tạo hay điều khiển robot hình người học hỏi kinh nghiệm nhanh thay vì dựa vào các mô hình cứng nhắc và phải tốn nhiều thời gian.

Chuỗi cung ứng tiên tiến trong các ngành công nghiệp công nghệ cao khác như xe điện và máy bay không người lái tự hành cho thấy Trung Quốc có cả năng lực sản xuất các thành phần công nghiệp ở quy mô lớn và bí quyết lắp ráp chúng thành hàng hóa phức tạp. Mô hình R1 của DeepSeek thay đổi cuộc chơi, mở đường cho các công ty robot hình người trong nước bắt kịp các đối thủ cạnh tranh ở nước ngoài. Thực tế là mô hình nguồn mở của DeepSeek sử dụng chip ít tiên tiến hơn giúp cân bằng sân chơi cho các công ty Trung Quốc.

Đặc biệt, Trung Quốc cũng coi AI là công cụ chiến lược trong đảm bảo an ninh quốc gia. Công nghệ nhận diện khuôn mặt, phân tích hành vi, dự báo an ninh mạng và hệ thống giám sát thông minh được triển khai rộng khắp, giúp duy trì trật tự xã hội và phòng ngừa tội phạm hiệu quả hơn. Không chỉ dừng ở đó, Trung Quốc đang tích cực tích hợp AI vào lĩnh vực quốc phòng, từ điều khiển máy bay không người lái đến quản lý tác chiến số. Điều này khiến AI trở thành thành phần cốt lõi trong chiến lược “quân đội thông minh” (intelligentized warfare).

AI đang trở thành “hạt nhân chiến lược” trong tầm nhìn phát triển quốc gia của Trung Quốc. Sự vào cuộc đồng bộ từ trung ương đến địa phương, từ khu vực dân sự đến quân sự, cho thấy quyết tâm của Trung Quốc trong việc biến AI thành đòn bẩy đưa nước này bước lên nấc thang phát triển mới: mạnh hơn, thông minh hơn và có ảnh hưởng sâu rộng hơn trong thế kỷ 21.

LÊ MINH HÙNG

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1 × hai =