Bí mật làm nên thiên tài văn chương của Vargas Llosaa
Mario Vargas Llosa, nhà văn huyền thoại từng đoạt giải Nobel văn chương của Peru vừa qua đời ở tuổi 89, không tin rằng thiên tài là món quà trời ban. Đối với ông, thành tựu văn chương chỉ đến từ kỷ luật khắt khe và sự miệt mài không khoan nhượng.
![]() |
Nhà văn Vargas Llosa tại thư viện của Viện Hàn lâm Pháp ở Paris năm 2023, khi ông trở thành nhà văn đầu tiên không có tác phẩm gốc bằng tiếng Pháp được kết nạp vào tổ chức này. Ảnh: Teresa Suarez/EPA |
Trên một tờ giấy lớn như ga trải giường, Mario Vargas Llosa cẩn thận vẽ sơ đồ mối quan hệ nhân vật và các tuyến truyện, trước cả khi đặt bút viết câu đầu tiên. Đó không phải một lần hứng khởi nhất thời, mà là nguyên tắc ông theo đuổi suốt 60 năm sáng tác. Trong một thời đại sùng bái cảm hứng ngẫu hứng, Vargas Llosa để lại một di sản ngược dòng: thiên tài được tạo nên bởi kỷ luật và mồ hôi, chứ không phải món quà từ trên trời rơi xuống.
Kiến trúc sư văn chương
Ngày 14-4, quốc kỳ Peru được treo rủ trên khắp cả nước. Người dân tại quốc gia Nam Mỹ này dành một ngày quốc tang tưởng niệm nhà văn vĩ đại Mario Vargas Llosa, người vừa trút hơi thở cuối cùng tại thủ đô Lima ngày trước đó, hưởng thọ 89 tuổi. Theo AFP, Tổng thống Peru Dina Boluarte đã đến viếng tại tư gia của gia đình văn hào Vargas Llosa, nơi hàng trăm độc giả lặng lẽ xếp hàng bên ngoài, tay cầm những cuốn sách của ông, nhiều người trong số họ không giấu nổi nước mắt.
Giữa muôn lời tiếc thương, điều khiến Vargas Llosa trở nên khác biệt trong kho tàng văn học thế giới không chỉ là những cuốn tiểu thuyết được dịch ra hơn 30 ngôn ngữ. Ít ai biết rằng, phía sau mỗi kiệt tác ấy là một quy trình lao động khắc nghiệt đến mức khó tin, cái mà nhà văn kiêm nhà phê bình Julio Ortega từng mô tả là “một cuộc khảo cổ về cái ác”, theo trang The Conversation.
Quy trình sáng tác của Vargas Llosa mang độ chính xác gần như khoa học. Ông không tiếp khách vào buổi sáng, khoảng thời gian thiêng liêng ông dành trọn cho việc viết. Buổi chiều, ông cũng hiếm khi gặp ai trước 6 hoặc 7 giờ tối. Trong tác phẩm Letters to a Young Novelist (Những lá thư gửi tiểu thuyết gia trẻ tuổi), ông khẳng định: thiên tài không phải là bẩm sinh, mà là kết quả của nỗ lực bền bỉ và ý chí sắt đá.
Theo bài viết của giáo sư văn học Mỹ Latin Ángel Esteban del Campo thuộc Đại học Granada đăng trên trang Conversation, trước mỗi tác phẩm, nhà văn Vargas Llosa thường trải ra một tờ giấy khổng lồ, lớn như tấm ga trải giường. Trên đó, ông viết tên các nhân vật, vẽ đường lên xuống biểu thị cảm xúc, đánh dấu khi họ gặp nhau, chia tay, xung đột, yêu, ghét, chết… rồi phác thảo hành trình của từng người. Chỉ khi toàn bộ sơ đồ được hoàn thiện, ông mới bắt đầu viết, một cách làm vừa tỉ mỉ, vừa mang tinh thần của một “kiến trúc sư văn chương”.
Chính sự chuẩn bị công phu đó đã giúp các tiểu thuyết của ông đạt đến độ cấu trúc gần như hoàn hảo, “như một cỗ máy đồng hồ được thiết kế đến từng milimet”, không một từ thừa, không một chi tiết lỏng lẻo. Giáo sư Ángel Esteban del Campo đánh giá, những tác phẩm của ông đều là những chứng tích cho sự kết hợp hiếm có giữa kỹ thuật và cảm xúc.
Trong bài phát biểu nhận giải Nobel Văn học năm 2010, nhà văn Vargas Llosa thừa nhận mình chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Gustave Flaubert, nhà văn Pháp mà ông ngưỡng mộ vì “đã thành công không nhờ thiên tài bẩm sinh, mà nhờ sự kiên trì, cam kết, nỗ lực và kỷ luật”. Chính niềm tin ấy đã dẫn dắt ông trong suốt hơn sáu thập kỷ sáng tác: rằng không có con đường tắt nào dẫn tới thiên tài, ngoài lao động khổ luyện.
Một nhân cách văn hóa Thành tựu lớn nhất của nhà văn Vargas Llosa có lẽ không chỉ nằm ở hàng chục đầu sách mang dấu ấn toàn cầu, mà còn ở bài học về lòng kiên trì. “Văn học là niềm vui, nhưng cũng là công cụ quan trọng để tiến bộ trong cuộc sống”, ông từng nói với nhà thiết kế Jean Paul Gaultier, đài CNN trích dẫn. Bởi thế, khi đất nước Peru và cả thế giới tiễn đưa Vargas Llosa, họ không chỉ tạm biệt một tượng đài văn học, mà còn tưởng nhớ một nhân cách văn hóa – người đã chứng minh một chân lý giản dị mà sâu sắc: thiên tài không đến từ bẩm sinh, mà là kết tinh của lao động, kỷ luật và lòng kiên định không ngơi nghỉ. |
Khổ luyện tạo nên thiên tài
Không dừng lại ở khâu lập kế hoạch chi tiết, nhà văn Mario Vargas Llosa còn nổi tiếng với sự tỉ mỉ đến khắt khe trong nghiên cứu. Trước khi đặt bút cho bất kỳ tác phẩm nào, dù là tiểu thuyết lịch sử hay hoàn toàn hư cấu, ông luôn tìm hiểu kỹ lưỡng mọi chi tiết về bối cảnh địa lý, thời tiết, xã hội, lịch sử. Ông thường di chuyển với những chiếc valy chất đầy sách, nặng hơn cả hành lý cá nhân.
Khi viết The War of the End of the World (tạm dịch: Cuộc chiến nơi tận cùng thế giới, một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Mario Vargas Llosa, xuất bản năm 1981), ông đã nghiên cứu tại các kho lưu trữ ở Rio de Janeiro và Salvador, Brazil. Ông hoàn thành bản thảo tại Trung tâm Wilson ở Washington (Mỹ) vào năm 1980, theo báo New York Times.
Chính tinh thần khổ luyện ấy đã giúp ông tạo nên 50 tác phẩm gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, trong đó nhiều tác phẩm được đánh giá là tinh hoa của văn học Tây Ban Nha. Năm 2023, ở tuổi 87, ông công bố tiểu thuyết cuối cùng Le dedico mi silencio (Tôi dâng hiến sự im lặng), thừa nhận rằng tuổi tác không cho phép ông bắt đầu một dự án mới. “Tôi là người lạc quan, nhưng không nghĩ mình đủ thời gian sống để hoàn thành một tiểu thuyết khác, nhất là khi cần ba đến bốn năm để viết một cuốn”, báo Guardian dẫn lại chia sẻ của ông với báo La Vanguardia.
TRẦN ĐẮC LUÂN
Nguồn: Báo Đà Nẵng
- Thể thao thành tích cao Đà Nẵng gặt hái nhiều thành công
- Lãnh đạo thành phố dự ngày hội toàn dân chào mừng 50 năm ngày quê hương giải phóng
- Hai giám đốc sở ở Đà Nẵng nhận nhiệm vụ mới
- Đà Nẵng sẽ có 18 đơn vị hành chính cấp xã và đặc khu Hoàng Sa
- CDC Đà Nẵng đề xuất tham gia đề án thu hút nhân lực chất lượng cao