Bước phát triển mới trong hợp tác Nga – Mỹ về không gian

15 lượt xem - Đăng vào

Bước phát triển mới trong hợp tác Nga – Mỹ về không gian

.

Bất chấp căng thẳng trong những năm qua, các dự án không gian vẫn là lĩnh vực mà Mỹ và Nga đang tiếp tục hợp tác. Việc tàu vũ trụ Nga đưa các phi hành gia, trong đó có một người Mỹ lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) minh chứng sự hợp tác hiệu quả về lĩnh vực tiềm năng này.

Theo TASS, Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos thông báo tàu vũ trụ có người lái Soyuz MS-27 mang tên “Tên lửa chiến thắng” được phóng từ sân bay vũ trụ Baikonur lên ISS sáng 8-4 (giờ Moscow). Tại Baikonur, hàng nghìn người gồm những người nổi tiếng, nhà báo, blogger từ khắp nơi trên thế giới theo dõi vụ phóng, đánh dấu con số kỷ lục trong một buổi phóng tàu vũ trụ.

Soyuz MS-27 đưa những người tham gia chuyến thám hiểm dài hạn lần thứ 73 lên ISS. Các phi hành gia người Nga gồm Sergei Ryzhikov và Alexei Zubritsky, trong khi phi hành gia của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) Jonathan Kim đại diện cho Mỹ. Theo Roscosmos, ngoài phi hành đoàn, tàu đưa 180kg hàng hóa lên quỹ đạo. Các phi hành gia dự kiến trở về Trái đất ngày 9-12. Trong thời gian ở ISS, họ sẽ thực hiện khoảng 50 thí nghiệm và hai lần đi bộ ngoài không gian.

Đáng chú ý, chuyến thám hiểm tới ISS là lần trải nghiệm đầu tiên của Jonathan Kim. “Trong suốt 8 tháng ở trên tiền đồn quỹ đạo, Kim sẽ tiến hành nghiên cứu khoa học về phát triển công nghệ, khoa học Trái đất, sinh học…”, NASA thông báo.

Izvestia dẫn nhận định của chuyên gia hàng không vũ trụ người Nga Dmitry Konanykhin cho rằng sứ mệnh “Tên lửa chiến thắng” tôn vinh lịch sử hào hùng của Nga; đồng thời, thể hiện bước phát triển mới trong ngành vũ trụ của nước này khi đưa tàu đến ISS nhanh hơn Mỹ đến 6 lần. Thành quả này phản ánh công sức, trí tuệ của chuyên gia, nhà khoa học, kỹ sư của hàng chục chuyên ngành liên quan lĩnh vực vũ trụ của Nga.

Nhà nghiên cứu cao cấp tại Bảo tàng Du hành vũ trụ Pavel Gaiduk nhận xét, cấu trúc của 2 vòng quay cho phép đưa tàu vũ trụ từ quỹ đạo phóng lên ISS nhanh chóng và an toàn. Độ chính xác có thể được thực hiện là nhờ hệ thống điều khiển hiện đại của tên lửa Soyuz-2.1a, đặc biệt nắm rõ thông số không gian khi đã ở trên quỹ đạo. Ngoài ra, phải kể đến độ tin cậy của các phương tiện phóng, cho phép thực hiện phóng vào thời điểm được chỉ định nghiêm ngặt, bất kể điều kiện thời tiết. Với xu hướng phát triển công nghệ như hiện nay, bước đột phá khác có thể sớm xảy ra, cho phép đưa tàu vũ trụ đến quỹ đạo của ISS chỉ bằng một vòng quay trong vòng một giờ.

Roscosmos khẳng định, đây là cộc mốc quan trọng trong duy trì hợp tác quốc tế về không gian. Chuyến bay không chỉ là thành công về mặt kỹ thuật mà còn phản ánh sự hợp tác liên tục và lâu dài giữa các cơ quan không gian, chẳng hạn NASA và Roscosmos. Bình luận trên Telegram, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev, đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga, ca ngợi sự kiện ngày 8-4 là minh chứng mới nhất về mối quan hệ thám hiểm không gian bền chặt giữa hai nước. Theo Reuters, ông Dmitriev còn tiết lộ Moscow có thể cung cấp nhà máy điện hạt nhân nhỏ cho sứ mệnh lên sao Hỏa theo kế hoạch của tỷ phú Mỹ Elon Musk, CEO của SpaceX.

NASA và Roscosmos đang tiến hành thảo luận thường xuyên để xây dựng kế hoạch chi tiết về việc đưa ISS ra khỏi quỹ đạo. TASS dẫn lời Phó Giám đốc NASA phụ trách Ban điều hành sứ mệnh không gian Ken Bowersox cho biết, Mỹ cam kết hoạt động ISS đến năm 2030, trong khi Nga muốn duy trì đến năm 2028. Với việc ISS sắp kết thúc hoạt động, Nga đã công bố kế hoạch khởi động trạm vũ trụ của riêng mình với hai module đầu tiên của trạm này dự kiến được phóng năm 2027. Cộng đồng quốc tế hy vọng các cuộc đối thoại gần đây giữa hai nước, đặc biệt là hoạt động hợp tác trong lĩnh vực không gian sẽ góp phần cải thiện quan hệ Nga – Mỹ vốn giữ vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, phát triển của trật tự thế giới.

HÙNG LÂM

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

bốn × 3 =