Các nước gấp rút ứng phó ‘bão thuế quan’ từ Mỹ

17 lượt xem - Đăng vào
Các container chở hàng từ Trung Quốc tại cảng Los Angeles ở Wilmington, California (Mỹ) tháng 2-2025. Ảnh: REUTERS/Mike Blake

Các nước gấp rút ứng phó ‘bão thuế quan’ từ Mỹ

.

Trước làn sóng thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhiều quốc gia có cách phản ứng khác nhau: tuyên bố đáp trả cứng rắn hoặc có hướng tiếp cận ôn hòa thông qua đàm phán thương lượng.

Các container chở hàng từ Trung Quốc tại cảng Los Angeles ở Wilmington, California (Mỹ) tháng 2-2025. Ảnh: REUTERS/Mike Blake
Các container chở hàng từ Trung Quốc tại cảng Los Angeles ở Wilmington, California (Mỹ) tháng 2-2025. Ảnh: REUTERS/Mike Blake

Theo truyền thông quốc tế, đa số các quốc gia đang gấp rút hành động nhưng vẫn tỏ thái độ khá thận trọng trước nguy cơ biến động của thương mại toàn cầu do “bão thuế quan” châm ngòi. Theo CNN, ngày 7-4 (giờ địa phương), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết, có gần 70 quốc gia đã chủ động liên hệ với chính quyền Tổng thống Trump để đàm phán giảm thuế. “Chúng tôi đã để ngỏ khoảng thời gian để các quốc gia suy nghĩ và chủ động liên hệ”, ông Bessent nói. Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng Stephen Miran cho biết, Mỹ hoan nghênh đề xuất của các nước và muốn tăng cường tiếp cận các thị trường nước ngoài để thúc đẩy xuất khẩu.

Châu Âu đang tìm cách đáp trả tương xứng song vẫn để ưu tiên đàm phán thay vì đối đầu trực diện. Theo Reuters, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 8-4 đề xuất áp thuế 25% với một loạt hàng hóa Mỹ. Ngày 7-4, các bộ trưởng phụ trách thương mại của Liên minh châu Âu (EU) ngày 7-4 bắt đầu nhóm họp tại Bỉ nhằm tìm cách chuẩn bị cho “lục địa già” trước bất kỳ sự chuyển hướng thương mại tiềm ẩn nào, bao gồm cả hỗ trợ cho các công ty trước viễn cảnh thay đổi mô hình hệ thống thương mại toàn cầu do chính sách thuế quan của Mỹ. Chính phủ Anh công bố gói hỗ trợ toàn diện cho ngành ô-tô nhằm đối phó với áp lực gia tăng từ mức thuế cao của Mỹ và xu hướng chuyển dịch toàn cầu sang xe điện (EV).

Theo TTXVN, tại hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN (AFMGM) lần thứ 12 tại Malaysia ngày 8-4, Thủ tướng Malaysia, đồng thời cũng là Bộ trưởng Tài chính Anwar Ibrahim nhấn mạnh sức mạnh của ASEAN nằm ở sự bền bỉ và được thử thách qua thời gian.

ASEAN có đủ khả năng để ứng phó với chính sách thuế quan mới của Mỹ và sẽ cùng nhau làm mọi cách để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình. Ông khẳng định, chính sách thuế quan của Tổng thống Trump không phải là thách thức đầu tiên đối với chủ nghĩa đa phương, cũng không phải là thách thức cuối cùng, nhưng nếu ASEAN có thể giữ vững lập trường cởi mở, thực tế và gắn kết, khu vực này có thể là một trong những khu vực cuối cùng tin vào một thế giới hoạt động tốt hơn khi cùng nhau hợp tác.

Mặc dù không đồng tình với cách thức áp thuế của Mỹ nhưng Thủ tướng Anwar khẳng định chính phủ Malaysia sẽ chọn cách tiếp cận ôn hòa vì nhận thấy vẫn còn khả năng thảo luận và đàm phán và có những trường hợp ngoại lệ cần được xác định chi tiết.

Tại Nhật Bản, một đồng minh ở Đông Bắc Á của Mỹ, Thủ tướng Shigeru Ishiba tuyên bố sẵn sàng có chuyến công du Washington để gặp Tổng thống Trump sớm nhất có thể để thảo luận thuế quan nhưng từ giờ tới lúc đó, nước này sẽ chuẩn bị gói đề xuất về biện pháp có thể tiến hành trong thương mại với Mỹ.

Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đang tìm cách đàm phán và đạt được những nhượng bộ sau khi Tổng thống Trump công bố chính sách thuế quan cứng rắn vào tuần trước, Trung Quốc đã lựa chọn chiến lược khác: đáp trả nhanh chóng. Điều này cho thấy Bắc Kinh đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và không có ý định vội vã vào đàm phán với Washington.

Đòn phản công của Bắc Kinh, dưới hình thức cam kết áp thuế 34% lên tất cả hàng hóa Mỹ, bổ sung vào mức thuế hiện có, để đáp trả động thái tương tự của Mỹ, đang làm leo thang cuộc đấu thuế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo SCMP, giới quan sát cho rằng phản ứng mạnh mẽ bất ngờ của Trung Quốc là kết quả của quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng cho kịch bản này cũng như việc Trung Quốc chủ động tính toán giảm bớt phụ thuộc vào thị trường Mỹ so với thời điểm chính quyền ông Trump khơi mào cuộc chiến thương mại năm 2018.

Theo CNN, tỷ giá hối đoái đồng Nhân dân tệ chạm mức thấp nhất từ năm 2023 sau khi được Ngân hàng trung ương Trung Quốc nới nhẹ. Theo Tân Hoa Xã, Bộ Thương mại Trung Quốc gần đây đã tổ chức hội nghị bàn tròn với hơn 20 doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc, trong đó có các thương hiệu lớn như Tesla, Medtronic… nhằm kêu gọi hợp tác ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong khi đó Hong Kong (Trung Quốc) tuyên bố sẽ tìm kiếm những cơ hội làm ăn mới, bao gồm ký kết thêm các thỏa thuận thương mại tự do với Đông Nam Á và Trung Đông. Đặc khu này cũng sẽ thành lập văn phòng thương mại ở Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Campuchia và đang thương thảo đầu tư với Saudi Arabia, Bangladesh và Peru.

Mỹ đã chứng kiến làn sóng biểu tình quy mô lớn đầu tiên kể từ khi Tổng thống Trump trở lại Nhà Trắng, thu hút sự quan tâm đặc biệt từ giới quan sát quốc tế, theo báo Vedomosti. Hàng loạt cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp 50 bang trong cuối tuần qua, với sự tham gia ước tính khoảng 600.000 người, theo số liệu từ CNN. Biểu tình diễn ra sau khi chính quyền ông Trump thúc đẩy chiến dịch tinh giản chính phủ, tung ra đòn thuế với hơn 180 đối tác thương mại, khiến thị trường chứng khoán lao dốc và nhiều người Mỹ bất bình. Trong khi đó, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn tại Mỹ đang quay lưng với ông Trump khi họ cảnh báo các mức thuế mới chẳng khác gì “cuộc chiến tranh hạt nhân về kinh tế”. Theo Washington Post, tỷ phú Elon Musk đã cố gắng thuyết phục ông Trump “giơ cao đánh khẽ” thuế quan đối với các nước nhưng thất bại, báo hiệu rạn nứt đầu tiên trong liên minh chính trị chặt chẽ này.

THƯ LÊ

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

2 × 1 =