Câu chuyện đêm xuân

38 lượt xem - Đăng vào
Một không gian văn hóa Tết ở làng bao đời nay vẫn đầy ắp, vẫn  nguyên vẹn thơm thảo bát ngát mùi hương thời gian. Ảnh: ÁNH HỒNG

Câu chuyện đêm xuân

.

Có nhiều khi hiện thực và huyền thoại, hai thế giới ấy chẳng khác nhau là mấy.

Ví như những ngày xuân, ngày Tết ở làng quê tôi, trạng thái mơ hồ lẫn lộn giữa hồi ức và thực tại, giữa huyền thoại và hiện thực, tất cả dường như xây thành một thứ men say hoan lạc dẫn lối tôi đi trên khắp mọi con đường làng. Nhưng nào riêng gì tôi đi đứng, khi thì “đá vấp bàn chân còn mộng tưởng lên trời”, lúc lại như trẻ thơ chạy theo mẹ xem chợ tTết, kiểu như “những thằng cu áo đỏ chạy lon xon” trong thơ Tết của thi sĩ Đoàn Văn Cừ mô tả. Mà hầu hết mọi niềm hân hoan đều có lúc cao trào hợp thành một xứ, một cõi tưởng chừng trút sạch, giũ bỏ hết mọi bụi bặm lo toan ngày thường. Dường như bao giờ những khoảnh khắc đẹp đẽ ấy Mẹ cũng thường hiện ra giữa bao la, lúc mơ hồ ngọn gió trong vườn vang vọng một lời ru, lúc mỏng manh làn khói bếp chiều. Hiện hữu và hoài niệm có vẻ như bước song hành cùng tôi, đi mà như đuổi bắt những giấc mơ phía trước. Ai cũng dáng vẻ thơ mơ ngất ngây hương trời đất. Tất cả thấm đẫm chất men của mùa xuân đang gọi tên từng trái tim lên tiếng.

Một không gian văn hóa Tết ở làng bao đời nay vẫn đầy ắp, vẫn  nguyên vẹn thơm thảo bát ngát mùi hương thời gian. Ảnh: ÁNH HỒNG
Một không gian văn hóa Tết ở làng bao đời nay vẫn đầy ắp, vẫn nguyên vẹn thơm thảo bát ngát mùi hương thời gian. Ảnh: ÁNH HỒNG

Chẳng ai chối cãi có nhiều khi thực tại đến là huyền nhiệm. Cũng chính vì thế mà mấy chục năm qua, dẫu có xa xôi cách trở thế nào, hễ đến mùa Tết gọi là tôi lại chạy về với làng quê thần thánh của mình như chạy về với mẹ. Tất nhiên bây giờ thời của hiện đại, làng quê nào chẳng ít nhiều hóa phố. Có những vùng sâu, vùng xa đến tận chốn thâm sơn cùng cốc, dù gieo neo thế nào thì cái chợ xép đầu làng cũng cố cho có chút sắc màu hơi hướm phố thị. Quả thật khó mà tường minh những vấn đề thuộc về siêu lý. Thế nhưng lay phay những ngọn gió chớm xuân thổi qua đồng bãi rực vàng hoa cải, hoa bí, hoa dưa là bầu không khí Tết quê tôi ngày xưa hiện ra gần như nguyên vẹn. Chả phải trí tưởng dẫn dắt tôi gặp lại những ngõ xưa, lối xưa đâu, mà quả là tôi đã có lần nghe thấy tiếng nói của từng sự vật. Tha tính hay là gì tôi không rõ, nhưng đúng là sông nước này, đất đai này tôi từng nghe ra tiếng hồi âm như một thứ của tin “Em ra giếng gánh nước trong/ còn anh ra giếng để không gánh gì”!

Đấy là còn chưa nói đến những nô nức sắp sửa cho hội hè đình đám. Mỗi cái mùi hương nếp làng trên xóm dưới đổ ra phơi phong để chuẩn bị chế biến các loại bánh trái cũng đã tưng bừng lắm rồi. Đây là thời gian cho những công đoạn khéo tay của các mẹ, các chị, các em gái trổ tài. Những bàn tay guộc gầy ngày ngày lam lũ đồng sâu gành cạn, phút chốc bỗng hóa thành tay ngà tay ngọc thi thố nhau cái khả năng làm đẹp của từng người qua các loại bánh trái. Tết ở quê không như ở phố. Nhất là ở phố mà còn là tiểu thư khuê các thì Tết với các nàng là dịp để trổ tài mua sắm.

Tết ở quê thì rất khác. Đã có lần Tết tôi ngồi nhìn các mẹ, các chị thoăn thoắt đôi bàn tay gói bánh. Lúc trò chuyện say sưa, cao hứng tôi ví von: Tết ở quê mình đúng là cái Tết… thi ca, liền bị các chị ” xí” dài, cho là tôi ba hoa chích chòe. Bí quá, tôi đem câu chuyện ngày xưa kể về thi sĩ Lưu Trọng Lư đến hầu chuyện thơ cùng Tản Đà tiên sinh và được ông chỉ giáo: “Thơ cũng như nếp và nhân (nhưn), cái thể thơ người làm ra là như lá gói bên ngoài. Nếu nó dài thì gọi là bánh tét, và nếu nó vuông thì gọi là bánh chưng”. Người xưa dạy thế có khác nào ngợi ca bàn tay mẹ, bàn tay chị vo nếp… thành thơ! Và đấy là câu chuyện tôi góp vào cho thêm huyền thoại ” nghìn lẻ một đêm”, cho Tết càng thêm Tết.

Nhưng có lẽ đẹp nhất, huyền thoại nhất thường bao giờ cũng bắt đầu từ cái ánh lửa các mẹ, các chị nhen nhúm ngoài góc sân nhà, bắc cái nồi bánh to đùng lên, và thức đêm canh lửa nấu. Cố nhiên là bầu không khí chuẩn bị cho Tết còn bao trùm bao nhiêu công việc khác nữa. Những bước chân tất bật hối hả lo việc của mỗi nhà. Người lo quét dọn lau chùi trang trí nhà cửa, kẻ đánh bóng bộ lư bộ đèn. Người xem lại cổ bàn ngũ quả trên bàn thờ gia tiên, kẻ ngoài sân cho thêm củi vào bếp lò nấu bánh. Sự hối hả cốt là để thể hiện cái nhịp điệu reo vui đón Tết của tất cả mọi tâm hồn. Nhà này thiếu ít đậu, ít nếp, nhà hàng xóm vui vẻ cho mượn. Tiếng í ới gọi nhau. Có nơi, đôi ba nhà trong cùng xóm rủ nhau chia chung con heo thịt. Cũng có khi người nhà này chạy qua nhà kia, lấy cớ mượn thứ này, thứ khác, rồi sa đà ngồi xuống quanh bếp lửa nấu bánh và rôm rả chuyện thâu đêm suốt sáng. Mọi mâu thuẫn xích mích ngày thường đều được xóa sạch, được quên lãng một cách tự nhiên. Tất cả đều tình yêu, tất cả đều cổ tích, tất cả đều như quên đôi bàn chân ngày ngày trên mặt đất gập ghềnh, để vỡ òa nỗi háo hức của mọi trái tim phập phồng bởi một thứ men kỳ diệu do mùa xuân ban phát.

Một thế giới như thế nếu không bay lên hoan ca thì cũng ngất ngây niềm hạnh phúc. Vâng, hạnh phúc chứ không thể một tên gọi nào khác. Nó là thứ lửa ấm bên trong mỗi con người không bao giờ tắt. Ngồi quanh đây bên bếp lò nấu bánh nước réo sôi ùng ục. Chuyện xửa chuyện xưa cứ thế chen nhau thanh âm sông suổi mà kể. Chuyện vui, chuyện buồn, chuyện tiếu lâm miên man anh kể chị kể. Chuyện Tết năm rồi kể Tết năm này kể lại vẫn cứ mới cứ vui. Một không gian văn hóa Tết ở làng bao đời nay vẫn đầy ắp, vẫn  nguyên vẹn thơm thảo bát ngát mùi hương thời gian.

Như bao lần mùa xuân, tôi lại theo đường quen lên đồi tảo mộ. Đường vào nghĩa trang bây giờ bê-tông phẳng phiu đến từng chân mộ. Chợt nhớ tên một người phụ nữ được khắc trên bờ ta-luy ven đường – chị chính là người xây dựng con đường vào khu gò đồi nghĩa trang buổi đầu tiên gập ghềnh đầy gian khó. Bỗng tôi liên tưởng đến nhân vật phụ nữ trong bút ký của một nhà văn, và rồi cũng chính tác giả đưa ra một câu hỏi: “Tại sao Tổ quốc là mẹ?” Trả lời câu hỏi đó nhà văn đi tìm chứng cứ tên tuổi của những anh hùng liệt nữ qua các cuộc chiến tranh. Còn tôi, thu hẹp không gian đó lại trong cái làng quê nhỏ của tôi, cũng theo cách hỏi của nhà văn, tôi hỏi : Vì sao gọi là đất mẹ, quê mẹ? Vậy rồi cái đêm xuân ấy ngồi quanh nồi bánh tét đang nấu nước réo sôi. Trong ánh lửa rực cháy hồng hào từng gương mặt, ngẫu nhiên làm sao hầu hết là phụ nữ, những chị những em thi đua nhau kể chuyện, mà lại toàn là chuyện phụ nữ. Chỉ khác một điều họ không từ những trang sách sử bước ra mà là những cuộc đời lam lũ, hiện thực những tâm hồn còn thấm đẫm mùi hương rơm rạ của một vùng quê.

Làng Phường Đông – Xuân Ất Tỵ 2025

NGUYỄN NHÃ TIÊN

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

3 × ba =