Châu Âu chuyển hướng chiến lược sang châu Á
Liên minh châu Âu (EU) đang ngày càng khẳng định xu hướng tự chủ chiến lược, tìm cách giảm sự phụ thuộc truyền thống vào Mỹ và mở rộng ảnh hưởng ở châu Á. Sự chuyển mình này không chỉ nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế – an ninh châu Âu, mà còn là phản ứng mang tính chiến lược trước những biến động toàn cầu ngày càng phức tạp.
![]() |
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen kêu gọi đẩy nhanh quá trình chuyển hướng của EU sang châu Á. Ảnh: AP |
Chính sách giảm rủi ro
Với chính sách thuế quan cứng rắn của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump và sự cạnh tranh gia tăng với Trung Quốc, EU nhận thấy cần chủ động hơn trong việc định hình tương lai của mình. Khái niệm “giảm rủi ro” được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen giới thiệu lần đầu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2023, trở thành trọng tâm trong diễn ngôn chính sách của EU về an ninh kinh tế, chuỗi cung ứng và khả năng cạnh tranh công nghiệp.
Ban đầu, thuật ngữ này được phát triển để ứng phó với lo ngại về sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Đức là cường quốc châu Âu đầu tiên áp dụng toàn diện khái niệm này từ tháng 7-2023. Tuy nhiên sau đó, việc ông Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ làm bùng nổ sự bất ổn quan hệ xuyên Đại Tây Dương, nền tảng địa chính trị đã hỗ trợ sự ổn định của châu Âu trong 80 năm qua. Sự biến động mới thể hiện bằng việc ông Trump tăng thuế quan vào ngày 2-4, được xem như lời nhắc nhở rõ ràng về cách học thuyết “Nước Mỹ trên hết” tiếp tục gây ủi ro đáng kể đối với lợi ích kinh tế và chiến lược của “lục địa già”.
Trong bối cảnh đó, các cuộc thảo luận về “giảm rủi ro từ Mỹ” đã nổi lên ở châu Âu, phản ánh sự thay đổi ngày càng tăng về tư duy. Châu Âu đánh giá lại ưu tiên kinh tế bên ngoài thông qua lăng kính rộng hơn về sự thay đổi trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương và bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng phức tạp. Những nhân vật có ảnh hưởng của EU ủng hộ việc châu Âu giảm sự phụ thuộc quá mức vào Mỹ. Theo đó, EU sẵn sàng áp gói thuế quan trả đũa đối với Mỹ và đang xem xét kích hoạt Công cụ chống cưỡng chế (ACI), biện pháp đối phó thương mại mạnh mẽ nhất. Khối này cũng thúc đẩy sáng kiến đánh thuế kỹ thuật số nhắm vào các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như Google, Amazon và Meta.
Hướng tới châu Á
Nhận thức rõ tầm quan trọng của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong thế kỷ XXI, EU đang chuyển dịch trọng tâm chiến lược sang châu Á. Các quốc gia như Pháp, Đức, Hà Lan đã công bố chiến lược riêng đối với khu vực này, nhấn mạnh hợp tác thương mại, an ninh hàng hải và chuỗi cung ứng. Năm 2021, EU công bố “Chiến lược hợp tác với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, xác định rõ mục tiêu mở rộng mạng lưới thương mại, tăng cường liên kết với các nền kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và các quốc gia ASEAN. Đây được coi là một phần trong chiến lược “trung lập năng động”, giúp EU vừa giữ khoảng cách với Mỹ và Trung Quốc, vừa bảo vệ lợi ích riêng.
Đáng chý ý, bà Ursula von der Leyen gần đây kêu gọi “đẩy nhanh quá trình chuyển hướng của EU sang châu Á”, thậm chí còn xem xét khả năng tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), báo hiệu nỗ lực có chủ đích nhằm đa dạng hóa quan hệ thương mại. Nắm bắt thực trạng các nước Trung Á đối mặt với rủi ro ngày càng tăng từ biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng, EU đang tăng cường hợp tác với các quốc gia ở khu vực này để xây dựng tương lai năng lượng xanh bền vững. Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Á đầu tiên diễn ra vào tháng 4-2025 được ví như cánh cổng dẫn đến những cơ hội hợp tác tiềm năng giữa hai khu vực, trong bối cảnh động lực toàn cầu đang thay đổi.
China-US Focus dẫn lời chuyên gia Dong Yifan tại Viện quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc, cho rằng EU nên tập trung định hình mô hình toàn cầu hóa “hậu Mỹ” dựa trên sự cởi mở, bao trùm và cùng có lợi. Thách thức cốt lõi trong sự thay đổi này là cách EU tương tác với Trung Quốc. Gần đây, EU có những động thái tích cực, gồm đàm phán với Trung Quốc về giải quyết tranh chấp xe điện thông qua cơ chế cam kết giá và các lãnh đạo châu Âu có các chuyến thăm cấp cao tới Trung Quốc. Tuy nhiên, để quan hệ đối tác Trung Quốc-EU phát triển ổn định, cùng có lợi, EU phải tiến hành đánh giá lại sâu sắc hơn về nhận thức của mình về sự trỗi dậy của Trung Quốc và động lực ngày càng gia tăng của cạnh tranh kinh tế. Bên cạnh đó, EU đang tích cực đàm phán và hoàn tất các hiệp định thương mại tự do với các quốc gia khác ở châu Á như Indonesia, Philippines, Thái Lan và Ấn Độ.
Việc Liên minh châu Âu chủ động định hình lại chiến lược toàn cầu, tách dần khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ, tái định hình quan hệ với Trung Quốc và mở rộng ảnh hưởng tại châu Á phản ánh nhận thức ngày càng rõ ràng về nhu cầu tự chủ và đa dạng hóa. Trong trật tự thế giới đang phân mảnh, khả năng duy trì lập trường độc lập và linh hoạt sẽ là yếu tố sống còn để EU duy trì vai trò và ảnh hưởng trên trường quốc tế.
THƯ LÊ
Nguồn: Báo Đà Nẵng