Châu Âu tăng cường năng lực quốc phòng

30 lượt xem - Đăng vào
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen công bố kế hoạch “ReArm Europe” ngày 4-3. Ảnh: AP

Châu Âu tăng cường năng lực quốc phòng

.

Lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) dự hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp vào ngày 6-3 để tìm cách tăng cường ngân sách quốc phòng ở quy mô lớn hơn sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đảo ngược chính sách với các liên minh truyền thống và tuyên bố châu Âu phải tự lo cho an ninh của mình.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen công bố kế hoạch “ReArm Europe” ngày 4-3. Ảnh: AP
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen công bố kế hoạch “ReArm Europe” ngày 4-3. Ảnh: AP

Kế hoạch tái vũ trang

Viễn cảnh rõ ràng về việc Mỹ xoay trục khỏi EU đã thúc đẩy sự đồng thuận ngày càng tăng về chủ đề chính khác của hội nghị thượng đỉnh lần này: tăng đáng kể chi tiêu quân sự để củng cố khả năng phòng thủ lâu dài của châu Âu trước các mối đe dọa tiềm tàng trong tương lai. Do đó, các nhà lãnh đạo EU bàn cách huy động thêm ngân sách quốc phòng và giảm bớt rào cản trong chi tiêu quân sự.

Một trong những nội dung trọng tâm được bàn thảo tại hội nghị là kế hoạch “ReArm Europe” (Tái vũ trang châu Âu) được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen công bố ngày 4-3, theo Euronews. Kế hoạch này dự kiến huy động nguồn vốn lên đến 800 tỷ euro (864 tỷ USD) để tăng cường năng lực quốc phòng của EU thông qua việc nới lỏng quy tắc ngân sách nghiêm ngặt để các nước thành viên tự điều chỉnh ngân sách quốc phòng mà không vi phạm cam kết hạn chế thâm hụt ngân sách; cung cấp các khoản vay đầu tư quốc phòng trị giá hơn 157 tỷ USD cho các thành viên EU đầu tư chung vào các năng lực quân sự quan trọng; huy động đầu tư từ khu vực tư nhân.

“Châu Âu sẵn sàng tăng mạnh chi tiêu quốc phòng, vừa để đáp ứng nhu cầu hành động cấp thiết trong ngắn hạn và hỗ trợ Ukraine, vừa để giải quyết nhu cầu dài hạn về tự gánh vác trách nhiệm an ninh”, Euronews dẫn lời bà Leyen.

Dự thảo kết luận của hội nghị thượng đỉnh hoan nghênh kế hoạch nói trên, nhấn mạnh sự cần thiết phải gia tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng và kêu gọi hành động ở cấp độ EU để nâng cao năng lực quân sự trước các mối đe dọa trong tương lai. Các lãnh đạo EU cũng dự kiến chào đón quy định cho vay mới của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), giúp giải phóng nguồn vốn cho các dự án quân sự. Ông Friedrich Merz, người nhiều khả năng trở thành thủ tướng tiếp theo của Đức đã “bật đèn xanh” điều chỉnh các quy tắc nợ của nước này để cho phép tài trợ kế hoạch tái vũ trang lớn.

Một dấu hiệu cho thấy tính cấp bách của thời điểm này khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo sẽ đàm phán chiến lược với các đồng minh châu Âu về mở rộng khả năng răn đe hạt nhân của Pháp cho các đối tác châu Âu để bảo vệ toàn bộ EU. Trong bài phát biểu trước toàn thể người dân Pháp ngày 5-3, ông Macron cho biết quyết định này nhằm đáp lại lời kêu gọi của ông Friedrich Merz, nhiều khả năng sẽ trở thành Thủ tướng Đức, vốn đề xuất không chỉ dựa vào Mỹ mà còn phải dựa vào Pháp về mặt răn đe hạt nhân.

Ông Macron cũng lưu ý rằng châu Âu vẫn cam kết với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và quan hệ đối tác với Mỹ song bản thân châu Âu phải làm nhiều hơn nữa để quyết định tương lai của châu Âu.“Tôi muốn tin rằng Mỹ sẽ sát cánh cùng chúng ta. Nhưng chúng ta phải sẵn sàng nếu điều đó không xảy ra”, AFP dẫn phát biểu của ông Macron.

Bất đồng bao phủ

Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong bối cảnh EU đang đối mặt thách thức lớn nhất từ trước đến nay như lời bà Leyen cảnh báo: “Châu Âu đang đối mặt với mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu ở quy mô chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ”, AP trích dẫn. Đối với Brussels, cả hai vấn đề – tương lai của Ukraine và chi tiêu quân sự – về cơ bản đã trở thành hai mặt của cùng một đồng xu.

Tham vọng tăng cường năng lực quốc phòng và hỗ trợ Ukraine đang đối mặt nhiều rào cản, trong đó có bất chấp khó khăn hiện tại về ngân sách. Khối này đang bị chia rẽ bởi sự trỗi dậy của phe cực hữu và cùng với đó là quan điểm cứng rắn của Hungary và Slovakia. Hungary thậm chí còn có thể phủ quyết tuyên bố chung của hội nghị có nhắc đến vấn đề Ukraine. Theo Euronews, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, đe dọa sẽ phá hỏng bất kỳ sáng kiến ​​mới nào mà theo quan điểm của ông có thể làm suy yếu nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận của ông Trump về vấn đề Ukraine. Ông Orbán đặc biệt phản đối phương án hỗ trợ quân sự thêm cho Kiev vì cho rằng điều này chỉ kéo dài xung đột.

Bên cạnh đó, nhiều nước lớn trong EU đang đối mặt bất ổn trên chính trường. Đức chuẩn bị có Thủ tướng mới, uy tín của Chính phủ Pháp đang suy giảm; Tây Ban Nha phụ thuộc vào các đảng nhỏ để duy trì liên minh cầm quyền; Ba Lan có thể đưa một ứng viên cánh hữu lên làm tổng thống; chính trường Hà Lan cũng bất ổn khi nội các đang đứng trước nguy cơ sụp đổ… Do đó, với những bất đồng này, hội nghị thượng đỉnh lần này tại Brussels sẽ là một phép thử quan trọng cho sự đoàn kết của châu Âu trong việc đối phó với các thách thức an ninh mới.

EU và các quốc gia thành viên cam kết chi nhiều hơn và tốt hơn cho quốc phòng và đã có hành động quyết đoán về vấn đề này. Trong giai đoạn 2021-2024, tổng chi tiêu quốc phòng của các quốc gia thành viên EU đã tăng hơn 30%, ước tính lên tới 326 tỷ euro, tương đương khoảng 1,9% GDP của EU.

THƯ LÊ

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

8 + 14 =