Chủ động mở rộng hợp tác, hội nhập với ASEAN
Sự kiện “Gặp gỡ ASEAN” 2025 tại Đà Nẵng là hoạt động có ý nghĩa mở đầu chuỗi sự kiện hướng đến kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN (28-7-1995 – 28-7-2025), khẳng định tinh thần hội nhập sâu rộng của Đà Nẵng. Những kết quả đạt được trên các lĩnh vực hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch tạo nền tảng để thành phố mở rộng hợp tác sâu rộng và thực chất hơn với các đối tác nhằm nâng cao vị thế và đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng ASEAN năng động và phát triển.
![]() |
Sự kiện “Gặp gỡ ASEAN” tại Đà Nẵng diễn ra từ ngày 9 đến 11-4 nhân kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN (28-7-1995 – 28-7-2025). TRONG ẢNH: Lãnh đạo thành phố cùng đại biểu quốc tế tham quan “Triển lãm các thành phố hữu nghị và hợp tác” năm 2025. Ảnh: THANH PHƯƠNG |
Mở rộng hợp tác với ASEAN
Theo Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Xuân Bình, trong những năm qua, quan hệ hợp tác giữa Đà Nẵng và các nước ASEAN có những bước tiến đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, du lịch và quan hệ địa phương. Thành phố thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác với 9 địa phương trong khu vực, đồng thời là điểm đến thường xuyên của nhiều sự kiện cấp cao của ASEAN. Các hoạt động này không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh Đà Nẵng mà còn mở ra những cơ hội kết nối thực chất.
Về thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Đà Nẵng và các nước ASEAN tăng đều qua các năm, trong đó nổi bật là các mặt hàng dệt may, nguyên vật liệu và linh kiện điện tử. Đáng chú ý, Singapore hiện là nhà đầu tư lớn nhất của khu vực ASEAN tại Đà Nẵng với 31 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 838,6 triệu USD. Tiếp đến là Malaysia (18 dự án, hơn 222 triệu USD), Thái Lan (15 dự án, gần 65 triệu USD) và Philippines (8 dự án, khoảng 11 triệu USD).
Trong lĩnh vực du lịch, ASEAN là một trong những thị trường quan trọng với nhiều quốc gia trong khu vực nằm trong nhóm 10 thị phần khách quốc tế lớn nhất đến Đà Nẵng. Đặc biệt, thành phố có đường bay trực tiếp đến 8/10 quốc gia ASEAN, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển du lịch. Đà Nẵng cũng được chọn là nơi tổ chức nhiều sự kiện cấp cao của ASEAN như hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 32 (2023), hội nghị Ủy ban cấp cao về hội nhập tài chính ASEAN lần thứ 28 (2024), Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á năm 2024…
“Điều này cho thấy vị thế ngày càng tăng của thành phố trong khu vực. Có thể khẳng định, trên cả phương diện song phương và đa phương, Đà Nẵng ngày càng thể hiện tính hội nhập mạnh mẽ và sâu rộng trong khu vực ASEAN” ông Bình nói.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, bên cạnh những kết quả tích cực, hợp tác giữa Đà Nẵng và các nước ASEAN chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên.
![]() |
Sự kiện “Gặp gỡ ASEAN” tại Đà Nẵng diễn ra từ ngày 9 đến 11-4, nhân kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN (28-7-1995 – 28-7-2025). TRONG ẢNH: Sự kiện “Gặp gỡ Thái Lan” năm 2024 tại Đà Nẵng góp phần thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế giữa hai bên. Ảnh: THANH PHƯƠNG |
Phát huy tối đa tiềm năng hợp tác với ASEAN
ASEAN là thị trường gần về mặt khoảng cách địa lý với Việt Nam, các địa phương trong khu vực có nhiều điểm tương đồng về quy mô và trình độ phát triển kinh tế. Do đó, Đà Nẵng có thể vừa học hỏi kinh nghiệm, vừa khai thác các nguồn lực thông qua thu hút đầu tư từ các đối tác để bổ trợ cho sự phát triển kinh tế – xã hội thành phố.
Ở lĩnh vực du lịch, có 8/10 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng. Năm 2024, Đà Nẵng đón 4,2 triệu lượt khách quốc tế, trong đó thị trường lớn nhất là Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), tiếp theo là các nước Đông Nam Á: Thái Lan, Malaysia, Singapore…
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng Cao Trí Dũng bày tỏ, điều đó chứng tỏ sức hút, sự lan tỏa, năng lực phục vụ đón tiếp cũng như vai trò, vị thế của Đà Nẵng. Đà Nẵng có hệ sinh thái tài nguyên du lịch phù hợp với các nước Đông Nam Á, nằm trong bán kính bay rất thuận lợi, chỉ mất 1 đến 2 giờ bay là có thể kết nối đến các trung tâm du lịch lớn nhất trong khu vực. Qua đây, khẳng định tiềm năng của Đà Nẵng trong hợp tác phát triển lĩnh vực du lịch với các nước ASEAN.
Theo ông Cao Trí Dũng, Đà Nẵng đang hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp khu vực Đông Nam Á đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Việc lần đầu tiên Đà Nẵng tổ chức hội nghị “Gặp gỡ ASEAN” 2025 với phiên thảo luận chuyên đề “Hợp tác xúc tiến du lịch ASEAN – Đà Nẵng” là bước đi thiết thực trong định hướng này. Ông Dũng nhấn mạnh, thay vì thụ động chờ khách, Đà Nẵng cần chủ động phân tích thị trường, định vị rõ các thị trường ngách, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù nhằm tiếp cận sâu hơn với từng đối tượng du khách trong khu vực.
Trong lĩnh vực đầu tư, Đà Nẵng đang triển khai hàng loạt dự án hạ tầng lớn như cảng Liên Chiểu, cảng nước sâu có khả năng kết nối vận tải biển với các quốc gia ASEAN, tạo động lực mới cho phát triển logistics và chuỗi cung ứng. Thành phố đang xúc tiến thành lập khu thương mại tự do, trung tâm tài chính khu vực, phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, lĩnh vực nhiều quốc gia ASEAN như Singapore, Malaysia, Indonesia có thế mạnh.
Ông Low Zi Keat, Giám đốc Công ty TNHH may mặc Whitex (Việt Nam) đánh giá, Đà Nẵng có tiềm năng phát triển rất lớn, đặc biệt là các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu. Đà Nẵng đang xây dựng cảng Liên Chiểu, điều này sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa việc vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp đi nước ngoài và ngược lại. Theo ông Low Zi Keat, Đà Nẵng nên tập trung mạnh hơn về lĩnh vực tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI); nhu cầu máy móc hiện đại trong ngành may mặc là rất lớn và các doanh nghiệp ASEAN hoàn toàn có thể đóng vai trò đối tác công nghệ quan trọng với Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Xuân Bình chia sẻ, với định hướng xây dựng trung tâm tài chính và phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, Đà Nẵng kỳ vọng thu hút thêm đầu tư từ các nước ASEAN có kinh nghiệm và nguồn lực phù hợp. Thành phố cũng xác định nhiệm vụ ưu tiên là đào tạo nhân lực chất lượng cao để phục vụ các ngành công nghiệp mới nổi, đồng thời đẩy mạnh hợp tác đào tạo và nghiên cứu với các trường đại học, viện nghiên cứu trong khu vực. Ngoài ra, việc mở rộng các chương trình giao lưu địa phương, hợp tác chính quyền cấp cơ sở, kết nghĩa giữa các đô thị cũng là giải pháp thúc đẩy quan hệ nhân dân giữa Đà Nẵng và các thành phố ASEAN, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho hợp tác kinh tế.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 8-8-1967. Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN vào ngày 28-7-1995, đánh dấu mốc quan trọng trong việc hội nhập của Việt Nam vào cộng đồng khu vực và quốc tế. ASEAN là một khu vực có ảnh hưởng lớn trong các vấn đề toàn cầu, từ thương mại đến an ninh quốc tế, được đánh giá là tổ chức khu vực thành công nhất trên thế giới. Sự kiện “Gặp gỡ ASEAN” 2025 tại Đà Nẵng diễn ra từ ngày 9 đến ngày 11-4, thu hút khoảng 200 đại biểu tham dự, trong đó có sự tham gia của các Trưởng SOM ASEAN và đại sứ các nước, với nhiều hoạt động ý nghĩa. |
THANH PHƯƠNG
Nguồn: Báo Đà Nẵng
- Lãnh đạo Đà Nẵng giải đáp băn khoăn “xã tôi đã suýt thành phường”
- Ba thế hệ gia đình nhạc sỹ Văn Cao xúc động khi lần đầu cùng hát Quốc ca
- Năm 2025, phấn đấu phát triển Đảng đạt 4%
- Thêm nhiều địa phương công bố mức thưởng Tết: Có nơi trên 800 triệu/người
- Hàn Quốc trước bước ngoặt chính trị quan trọng