Đà Nẵng nỗ lực xóa nhà tạm, nhà dột nát – Bài 3: Quyết tâm hoàn thành đúng kế hoạch
Ngày 9-11-2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 42/CT-TTg về việc đẩy nhanh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát, đặt mục tiêu phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành ba nhiệm vụ: hỗ trợ nhà ở cho người có công, hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia và xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân ngoài hai nhóm hỗ trợ trên.
![]() |
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh (thứ 2, bên phải sang) và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Lê Văn Trung (bên trái) tặng hoa cảm ơn đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025. Ảnh: LAM PHƯƠNG |
Cụ thể hóa các mục tiêu đó, Ban Chỉ đạo Thành ủy về công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn thành phố ban hành Kế hoạch số 06/KH-BCĐ triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, nỗ lực hoàn thành xóa nhà dột nát, xuống cấp trước ngày 2-9-2025, trên tinh thần “6 rõ” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ đối tượng, rõ thời gian và rõ kết quả.
Bảo đảm tiến độ
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Đăng Hoàng cho biết, qua khảo sát, thành phố còn 997 hộ gia đình có công cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo đang ở nhà xuống cấp, hư hỏng, không bảo đảm an toàn, dễ bị tác động bởi thiên tai, biến đổi khí hậu. Đây là những hộ có đất ở ổn định, đủ điều kiện được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở trong năm 2025. Theo Phó trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận Liên Chiểu Thân Đức Minh, toàn quận có 204 nhà tạm, nhà dột nát của hộ gia đình người có công cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo cần hỗ trợ, trong đó, có 69 nhà xây mới và 135 nhà sửa chữa. Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát quận quyết tâm xóa tất cả nhà tạm, nhà dột nát trước tháng 9-2025. Đặc biệt, quận phát động phong trào thi đua, vận động nguồn lực; tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tinh thần chủ động của mỗi cá nhân, tập thể và gia đình góp phần hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đúng tiến độ.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang Bùi Nam Dũng cho biết, toàn huyện có hơn 400 ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng, dột nát, không bảo đảm an toàn và điều kiện sinh hoạt tối thiểu. Với tinh thần quyết tâm cao, huyện Hòa Vang đặt mục tiêu hoàn thành việc “xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong vòng 120 ngày kể từ ngày phát động được tổ chức trong tháng 1-2025. Trên tinh thần đó, Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát huyện Hòa Vang Tô Văn Hùng có thư kêu gọi ủng hộ chiến dịch “120 ngày xóa hết nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện”.
Qua thống kê ban đầu, quận Thanh Khê có 137 hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có công cách mạng đang ở nhà xuống cấp, không bảo đảm điều kiện sinh hoạt tối thiểu. Để giúp các hộ dân cải thiện nơi ở, Quận ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các hội, đoàn thể quận nỗ lực vận động các nguồn lực từ đơn vị, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, mạnh thường quân để hỗ trợ người dân, phấn đấu hoàn thành trong quý 3-2025.
Nhằm huy động sự đồng thuận, chung tay của các tầng lớp nhân dân góp phần “xóa nhà tạm, nhà dột nát”, mới đây, Ban Chỉ đạo Thành ủy về công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức lễ phát động ủng hộ chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” năm 2025 trên địa bàn thành phố, kêu gọi toàn thể nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức hưởng ứng, chung tay ủng hộ chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” từ ngày 1-2 đến 31-7-2025. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động ủng hộ một ngày lương; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, người dân ủng hộ theo tinh thần tự nguyện.
Hỗ trợ đúng người, đúng hoàn cảnh
Theo Chỉ thị số 42/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có ba nhiệm vụ cần hoàn thành trong năm 2025, là hỗ trợ nhà ở cho người có công, hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia và xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân ngoài hai nhóm hỗ trợ trên. Ban Chỉ đạo Thành ủy về công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn thành phố phấn đấu hoàn thành hỗ trợ xây mới, sửa chữa 997 nhà xuống cấp, hư hỏng cho người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo trước ngày 2-9-2025. Đồng thời giao ban chỉ đạo các quận, huyện tiếp tục rà soát số hộ đang ở nhà tạm, nhà dột nát có đất ở ổn định phát sinh theo chỉ đạo tại Công điện số 102/CĐ-TTg và Chỉ thị số 42/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đại diện Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận Liên Chiểu cho biết, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, bên cạnh hỗ trợ các hộ đã được khảo sát, UBND các phường tiếp tục rà soát, thống kê số hộ dân đang ở nhà tạm, nhà dột nát phát sinh có nhu cầu và đủ điều kiện hỗ trợ cải thiện nhà ở. Bên cạnh đó, thời gian tới, quận thành lập các tổ thẩm định, chủ động dự toán kinh phí; tiếp tục rà soát, đề xuất phương án xử lý các nhà chung cư xuống cấp, hư hỏng cần sửa chữa, di dời; nghiên cứu, đề xuất hỗ trợ các trường hợp vướng pháp lý về đất đai.
Tại quận Cẩm Lệ, thực hiện mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát, trong năm 2025, toàn quận hỗ trợ xây mới 5 nhà, sửa chữa 32 nhà cho người có công; xây mới 8 nhà, sửa chữa 41 nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và xây mới 6 nhà, sửa chữa 35 nhà theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện gần 4 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 2,795 tỷ đồng, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp và nguồn vận động khác hơn 1,1 tỷ đồng.
Bí thư Quận ủy, Trưởng ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát quận Cẩm Lệ Nguyễn Văn Hùng cho biết, với phương châm “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, toàn quận phấn đấu đến ngày 30-8 cơ bản hoàn thành hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên địa bàn quận, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 20 ngày thành lập quận và là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ quận lần thứ V, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2025-2030.
Để có căn cứ xác định nhà tạm, nhà dột nát, Ban Chỉ đạo Thành ủy về công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn thành phố đưa ra các tiêu chí cụ thể. Theo đó, nhà tạm là nhà có nền bằng đất hoặc lát gạch nhưng không có gắn kết bằng vữa xi-măng, sàn bằng tre, nứa (đối với nhà sàn). Cột, kèo, xà gồ, đòn tay không chắc chắn, không có liên kết bằng bu-lông, mộng gỗ. Tường bao che bằng đất, phên tre, tôn; mái lợp bằng tranh, rơm, lá các loại; thiếu nhà bếp, nhà vệ sinh.
Tương tự, nhà dột nát là nhà có mái bằng ngói, tôn, xi-măng, tranh, rơm, lá… đã bị thủng, dột nước, không có khả năng che mưa, che nắng. Kết cấu đỡ mái bằng gỗ, sắt bị cong vênh nhiều, bị mục; cột, dầm, sàn, trần bê tổng nứt rạn nhiều chỗ, cốt thép bị đứt, lộ rỉ sét nhiều chỗ. Móng, tường có vết nứt, mục, cong vênh, có nguy cơ sụp đổ, không còn an toàn. Điều kiện hỗ trợ là hộ gia đình người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân không đủ khả năng tự xây dựng, sửa chữa nhà ở; chưa nhận hỗ trợ nhà ở từ các chương trình khác trong vòng 10 năm; nhà, đất phải hợp pháp hoặc có đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; không nằm trong khu vực giải tỏa, tranh chấp, quy hoạch đất công; diện tích nhà ở bình quân đầu người nhỏ hơn 8m2.
Năm 2025, kinh phí thực hiện 47,4 tỷ đồng Theo kế hoạch triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025 trên địa bàn thành phố, tổng kinh phí thực hiện là 47,4 tỷ đồng (chưa tính hộ phát sinh), trong đó ngân sách nhà nước 30,3 tỷ đồng, Quỹ “Vì người nghèo” và vận động khác 17,1 tỷ đồng. Định mức hỗ trợ đối với hộ có công với cách mạng: hỗ trợ xây mới 100 triệu đồng/nhà, sửa chữa tối đa 40 triệu đồng/nhà. Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo: hỗ trợ xây mới 80 triệu đồng/nhà, sửa chữa tối đa 30 triệu đồng/nhà. Đối với hộ dân hỗ trợ xây mới 60 triệu đồng/nhà, sửa chữa tối đa 30 triệu đồng/nhà. |
LAM PHƯƠNG – KHÁNH NGÂN
Nguồn: Báo Đà Nẵng