Đà Nẵng ‘phủ sóng’ tháp báo ngập úng, lũ lụt
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với các địa phương và Công ty CP Tư vấn và phát triển kỹ thuật tài nguyên nước (WATEC) lắp đặt thêm 14 tháp báo lũ tại các khu vực thường hay bị ngập lũ và 52 tháp báo ngập nước tại các tuyến đường, khu vực.
![]() |
Lãnh đạo Công ty CP Tư vấn và phát triển kỹ thuật tài nguyên nước (WATEC) giới thiệu về tháp báo lũ và tháp báo ngập nước. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Đêm 12-4 và rạng sáng 13-4, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có mưa to cục bộ trong 15-30 phút tại nhiều nơi. Một số tháp báo ngập nước vừa được lắp đặt đã truyền dữ liệu, hiển thị lên hệ thống giám sát ngập lụt trực tuyến về mức ngập nước cục bộ tại đường Đà Sơn 2 (tổ 15, phường Hòa Khánh Nam), chợ Thanh Vinh (phường Hòa Khánh Bắc), cầu Đa Cô (tổ 98, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu); đường Tôn Đản (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ)…
Những đoạn, tuyến đường và khu vực dân cư thường hay bị ngập úng sâu được lắp đặt tháp báo ngập nước như ngã tư đường Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hoàng, ngã tư đường Phan Đăng Lưu – Lê Thanh Nghị, ngã ba đường Cù Chính Lan – An Xuân 2, kiệt 264 đường Trần Cao Vân, kiệt 251 Thái Thị Bôi, kiệt 25 đường Hà Huy Tập, đường Bàu Trảng 6, kiệt 8 đường Trần Xuân Lê, góc đường Lương Ngọc Quyến – Hải Hồ, đường Nguyễn Xuân Hữu, UBND phường Hòa Thọ Đông (đường Nguyễn Nhàn), ngã tư đường Đinh Liệt – Tú Mỡ, đường Yên Thế (chợ Hòa An)…
Bên cạnh đó, có một số tháp báo ngập nước được lắp đặt tại những khu vực thường hay bị ngập lụt do ảnh hưởng của lũ và lũ quét như gầm cầu Đỏ (đường Thăng Long), ngã ba thôn Nam Yên (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang), Đình làng Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), cầu thôn 1 – Hòa Ninh (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang)… Ngoài ra, còn có các tháp báo lũ tại thôn La Châu 1 (xã Hòa Khương), Lộc Mỹ (xã Hòa Bắc), Thái Lai (xã Hòa Nhơn), Tây An (xã Hòa Châu), Bồ Bản (xã Hòa Châu), Nam Yên (xã Hòa Bắc), Trường Định (xã Hòa Liên), Đông Lâm và Hòa Phước (xã Hòa Phú)…
Đây đều là những tháp vừa được lắp đặt mới và dữ liệu đã được kết nối, truyền lên hệ thống giám sát ngập lụt thành phố Đà Nẵng, được các cơ quan chức năng của thành phố theo dõi, phục vụ công tác cảnh báo, ứng phó ngập nước cục bộ, đặc biệt là xây dựng các cấp báo động ngập nước và tổng hợp dữ liệu mức ngập so với cao độ nền hiện trạng để có giải pháp đầu tư khắc phục.
Theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn và phát triển kỹ thuật tài nguyên nước (WATEC) Văn Phú Chính, 66 tháp báo lũ và tháp báo ngập nước vừa được lắp đặt trên địa bàn thành phố gần như đã “phủ sóng” các đoạn, tuyến đường, khu vực bị ngập nước sâu. Các tháp này đã kết nối, truyền dữ liệu về các cơ quan, đơn vị liên quan. WATEC sẽ tiếp tục bảo đảm vận hành ổn định hệ thống này và cung cấp dữ liệu đầy đủ, kịp thời cho thành phố cũng như nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng dữ liệu này vào công tác cảnh báo, chỉ đạo và điều hành ứng phó ngập nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; đặc biệt là nghiên cứu để người dân, cộng đồng có thể sử dụng dữ liệu này để chủ động phòng ngừa và ứng phó sớm, kịp thời với lũ, lụt, nhất là ngập nước cục bộ trong đô thị.
Giám đốc Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) Đà Nẵng Nguyễn Văn Quốc nhìn nhận, trong giai đoạn đầu khi mới thành lập (năm 2023), IOC được khai thác dữ liệu từ 30 trạm đo mưa trên địa bàn thành phố và 4 tháp báo ngập nước ở khu vực Khe Cạn (phường Thanh Khê Tây), hồ Thạc Gián (quận Thanh Khê), đường Đà Sơn 2, Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam). Dù vậy, hệ thống này đã cho những dữ liệu rất quý.
Hiện nay, sau khi mới được thành phố đầu tư thêm, IOC khai thác dữ liệu từ 17 tháp báo lũ và 56 tháp báo ngập nước do WATEC lắp đặt, cơ bản tạo ra được mạng lưới giám sát tình hình ngập nước trên địa bàn thành phố theo thời gian thực và hỗ trợ cho các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương để cảnh báo, chỉ đạo, điều hành ứng phó với thiên tai cũng như có cơ sở để đầu tư nguồn lực.
Ông Nguyễn Văn Quốc cho hay: “IOC cũng đề nghị WATEC tiếp tục chia sẻ dữ liệu thường xuyên và tăng thêm tần suất quan trắc, cập nhật dữ liệu trong xu thế mưa lũ cực đoan nhằm cảnh báo, ứng phó kịp thời, chính xác, hiệu quả hơn. Đồng thời, nghiên cứu thêm về công nghệ dự báo dựa trên cơ sở dữ liệu từ các trạm, tháp quan trắc này truyền về để triển khai cảnh báo, ứng phó sớm các loại hình thiên tai do mưa lớn gây ra”.
Trưởng Chi cục Quản lý tài nguyên nước và thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố) Lê Văn Tuyến thông tin, đến nay, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố cùng các địa phương và WATEC đã phối hợp lắp đặt, đưa vào vận hành 17 tháp báo lũ thông minh tại các khu vực thường hay bị ngập lũ sông Yên, Túy Loan, Cu Đê, Cẩm Lệ; 56 tháp báo ngập lụt tại các tuyến đường, khu vực; 5 trạm đo mực nước sông; 1 trạm đo mực nước hồ; 30 trạm đo mưa chuyên dùng.
WATEC đã phối hợp với thành phố triển khai lắp đặt, xây dựng, hình thành 2 hệ thống là giám sát ngập lụt (Vfass) và đo mưa chuyên dùng (Vrain), góp phần rất lớn cho công tác cảnh báo, ứng phó thiên tai của thành phố và giúp ích cho người dân, cộng đồng. “Chúng tôi đã đề nghị WATEC tiếp tục nghiên cứu, phát triển các giải pháp, công nghệ mới cảnh báo, ứng phó thiên tai, nhất là trong bối cảnh thiên tai đang diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay”, ông Lê Văn Tuyến nói.
HOÀNG HIỆP
Nguồn: Báo Đà Nẵng
- Thời tiết ngày 16-1: Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trời rét đậm, rét hại
- Hamas sẵn sàng thả toàn bộ con tin Israel để đạt ngừng bắn vĩnh viễn
- Tăng kỷ lục, ngành hàng không phục vụ 3,6 triệu hành khách trong dịp Tết
- Nâng cao hiệu quả phối hợp công tác tư pháp, thi hành án dân sự
- Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam thăm, chúc Tết các đơn vị