Đề xuất mới về cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí
Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã có đề xuất mới về cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí.
![]() |
Bộ TTTT đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Báo chí sửa đổi với nhiều nội dung quan trọng, liên quan đến hoạt động của các cơ quan báo chí. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Luật Báo chí được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 5-4-2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017.
Tuy nhiên, sau hơn 7 năm thi hành, một số quy định của Luật Báo chí đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí và sự phát triển của khoa học, công nghệ, truyền thông.
Bộ TTTT đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Báo chí sửa đổi với nhiều nội dung quan trọng, liên quan đến hoạt động của các cơ quan báo chí trong tình hình mới.
Bộ TTTT cho biết, ngày 28-2-2023, Ban Bí thư ban hành Quy định số 101-QĐ/TW về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí.
Trong đó, có quy định tiêu chuẩn và điều kiện bổ nhiệm đối với lãnh đạo cơ quan báo chí (gồm người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí) và việc có ý kiến của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí trước khi cơ quan chủ quản bổ nhiệm.
Về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm có quy định phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về báo chí và độ tuổi bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí.
Đồng thời, Quy định số 101-QĐ/TW cũng quy định, người đứng đầu cơ quan chủ quản không được kiêm nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo cơ quan báo chí, lãnh đạo cơ quan báo chí này không được kiêm nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo cơ quan báo chí khác.
Trong khi đó, Luật Báo chí 2016 chỉ có quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí (Điều 23) mà chưa có quy định đối với cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí.
Mặt khác, tiêu chuẩn bổ nhiệm quy định tại Luật Báo chí 2016 chưa có quy định về chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về báo chí và độ tuổi bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí.
Luật Báo chí 2016 chỉ quy định người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí không được kiêm nhiệm chức vụ người đứng đầu cơ quan báo chí; người đứng đầu cơ quan báo chí không được đảm nhiệm chức danh người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí khác.
Như vậy, quy định của Luật Báo chí hiện hành chưa đầy đủ so với Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí.
Tại dự thảo, Bộ TTTT đã đề xuất về nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí tại Điều 27.
“Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí không được đảm nhiệm chức danh người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí khác” – dự luật nêu rõ.
Bên cạnh đó, Bộ TTTT cũng đề xuất người đứng đầu cơ quan báo chí là Tổng Biên tập (đối với báo in, tạp chí in, báo điện tử, tạp chí điện tử), là Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc (đối với báo nói, báo hình).
Cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí là Phó Tổng Biên tập (đối với báo in, tạp chí in, báo điện tử, tạp chí điện tử), là Phó Tổng Giám đốc hoặc Phó Giám đốc (đối với báo nói, báo hình).
Theo laodong.vn
Nguồn: Báo Đà Nẵng