Định hình một cực tăng trưởng mới
Hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng là bước đi chiến lược nhằm cụ thể hóa chủ trương sắp xếp bộ máy, đồng thời thiết lập mô hình phát triển vùng hiệu quả và bền vững. Đây không chỉ là điều chỉnh địa giới hành chính mà còn là một bước định hình lại không gian phát triển miền Trung, một cực tăng trưởng mới của quốc gia, hướng tới mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
![]() |
Hợp nhất Quảng Nam và Đà Nẵng không chỉ là cộng gộp địa lý hay dân số mà sẽ tạo ra động lực mới, tiềm năng mới, không gian phát triển mới. Trong ảnh: Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Ảnh: NGUYỄN TRÌNH |
Hợp nhất để hội nhập, liên kết để dẫn dắt
Thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh theo tinh thần đổi mới tổ chức bộ máy và phát triển hiệu quả không gian vùng, lãnh đạo hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng đã tổ chức ba phiên làm việc để thống nhất lộ trình hợp nhất.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng khóa XXII ngày 22-4, Đảng bộ thành phố thống nhất chủ trương hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng thành một đơn vị hành chính mới mang tên thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương (gọi tắt là thành phố Đà Nẵng mới). Tiếp đó, ngày 26-4, HĐND thành phố họp và thông qua nghị quyết thống nhất với chủ trương hợp nhất hai địa phương.
Đây là bước chuyển có ý nghĩa chiến lược về mặt thể chế, định hình lại mô hình phát triển vùng miền Trung trong kỷ nguyên mới. Trong bối cảnh cả nước đang hiện thực hóa khát vọng phát triển thịnh vượng, bền vững, từng bước vươn lên nhóm các quốc gia có thu nhập cao vào giữa thế kỷ XXI, việc hình thành một cực tăng trưởng tích hợp, có năng lực điều phối và lan tỏa như thành phố Đà Nẵng mới là một giải pháp chiến lược ở cấp vùng.
Việc hợp nhất Quảng Nam và Đà Nẵng phải tạo ra động lực mới, tiềm năng mới, không gian phát triển mới. Chủ trương này của Trung ương phản ánh mục tiêu cốt lõi của quá trình sáp nhập không chỉ là cộng gộp địa lý hay dân số, mà là kiến tạo một thể chế điều hành đủ mạnh để tích hợp nguồn lực, đồng bộ chiến lược, tối ưu quản trị và mở rộng không gian phát triển vượt ra ngoài ranh giới cũ.
Trong hơn 27 năm kể từ ngày chia tách, Quảng Nam và Đà Nẵng đã hình thành các trụ cột kinh tế – xã hội riêng biệt. Sự “trở về” trong một chỉnh thể thống nhất không chỉ là một sự kiện chính trị, hành chính, mà còn là lựa chọn chiến lược để tổ chức lại không gian phát triển, khai thác tối đa dư địa tiềm năng và nâng cao hiệu quả quản trị vùng.
Theo đề án hợp nhất, thành phố Đà Nẵng mới sẽ có diện tích tự nhiên gần 12.000km², dân số hơn 3 triệu người, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích lớn nhất cả nước trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương sau hợp nhất. Cùng với đó, Đà Nẵng mới sẽ sở hữu hệ thống hạ tầng vùng đồng bộ và đa dạng bậc nhất hiện nay: ba cảng biển (Tiên Sa, Liên Chiểu đang xây dựng, Kỳ Hà), hai sân bay quốc tế (Đà Nẵng, Chu Lai), cùng hai di sản văn hóa thế giới (Hội An, Mỹ Sơn), hàng chục khu công nghiệp và khu công nghệ cao…
Đây là những yếu tố nền tảng để thu hút đầu tư, hình thành trung tâm sản xuất công nghệ cao, logistics và đô thị thông minh mang tính vùng. Ngoài ra, việc quy hoạch trung tâm tài chính khu vực, khu thương mại tự do, cùng mạng lưới logistics, đô thị thông minh và kinh tế số đang được định hình, sẽ là động lực tăng trưởng mới để phát triển đô thị đa trung tâm, kết nối trục bắc – nam và đông – tây. Thành phố Đà Nẵng mới có vị trí đặc biệt quan trọng trong Hành lang Kinh tế Đông-Tây, là cửa ngõ ra biển của khu vực Tây Nguyên.
Một cực tăng trưởng mới
Tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố ngày 25-4, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng cho rằng, sau 27 năm tạm thời “chia tay để mỗi người lớn lên”, thì hôm nay chúng ta lại về chung một nhà.
Trong sự hội tụ này, truyền thống lịch sử, văn hóa xứ Quảng đã thấm vào từng con người, trở thành nền tảng tinh thần, là “hồn cốt” và cũng là sức mạnh nội sinh quan trọng để kiến tạo tương lai. Đây không chỉ là sự gắn kết về địa lý, thể chế hành chính, mà là sự hội tụ sâu sắc về căn tính văn hóa, lòng tự hào và khát vọng phát triển bền vững của cả một vùng đất.
Bí thư Thành ủy phân tích, khi hai địa phương sáp nhập, thành phố Đà Nẵng mới sẽ có “điều kiện để lớn lên hơn” bởi hiện Đà Nẵng đang được thụ hưởng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù từ Trung ương. Khi hợp nhất, các cơ chế này sẽ áp dụng chung cho thành phố mới.
Chính sự cộng hưởng đó sẽ tạo ra sức bật mới trong tiến trình phát triển đô thị, công nghiệp, logistics, công nghệ cao và dịch vụ chất lượng cao.
Việc hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng cũng là bước cụ thể hóa hai chủ trương lớn của Bộ Chính trị: Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 26-NQ/TW về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cả hai văn kiện đều xác định rõ vai trò trung tâm vùng của Đà Nẵng. Để thực hiện vai trò đó, cần một mô hình hành chính phù hợp, một thể chế đủ năng lực điều phối và một không gian phát triển mở rộng. Việc hợp nhất không chỉ giảm thiểu chi phí vận hành bộ máy, mà còn tạo điều kiện cho việc quy hoạch liên thông, phân bổ nguồn lực hài hòa và nâng cao năng lực quản trị địa phương trong thời kỳ chuyển đổi số, toàn cầu hóa.
Việc Quảng Nam và Đà Nẵng bước vào lộ trình hợp nhất là một quyết định chính trị đúng đắn, kịp thời, thể hiện tư duy đột phá về tổ chức không gian phát triển và cải cách thể chế hành chính cấp vùng. Trong tương lai gần, thành phố Đà Nẵng mới hoàn toàn có thể trở thành cực tăng trưởng mới của quốc gia, hướng tới hình mẫu phát triển vùng hiện đại, xanh, thông minh, hội nhập, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển quốc gia trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
TRUNG ĐOÀN
Nguồn: Báo Đà Nẵng
- Meta triển khai tuyến cáp ngầm dài nhất thế giới nối 5 châu lục
- Sôi nổi hội thao các cơ quan Đảng thành phố
- Cựu giám đốc lừa đảo tiền tỷ tỏ ra bất ngờ khi bị bắt sau 8 năm bỏ trốn
- Câu lạc bộ stem trong trường học: trang bị kỹ năng cần thiết cho học sinh
- Công đoàn giám sát hoạt động chăm lo Tết cho người lao động