Đơn thuốc nghệ thuật

11 lượt xem - Đăng vào

Đơn thuốc nghệ thuật

.

Các bác sĩ tại một số nước đang kê cho bệnh nhân đơn thuốc mới lạ: một chuyến đi đến bảo tàng. Họ tin rằng, nghệ thuật không chỉ chạm tới tâm hồn, mà còn có thể chữa lành – lặng lẽ, dịu dàng và sâu sắc hơn bất kỳ loại thuốc nào.

Lần tới khi bạn đến gặp bác sĩ vì cảm giác lo âu hay trầm cảm, đừng ngạc nhiên nếu bên cạnh toa thuốc, bạn được trao thêm một tấm vé ghé thăm bảo tàng nghệ thuật địa phương. Từ Thụy Sĩ đến Massachusetts, một cuộc cách mạng thầm lặng đang len lỏi vào y học hiện đại: khi các bác sĩ bắt đầu tin vào điều mà giới nghệ sĩ đã thấu hiểu từ lâu – cái đẹp có thể chữa lành.

Nghệ thuật trở thành… thầy thuốc

Tại thị trấn Neuchâtel thơ mộng của Thụy Sĩ, một dự án y tế thí điểm đang thu hút sự chú ý của cộng đồng y khoa toàn cầu. Thay vì chỉ dựa vào thuốc men, các bác sĩ ở đây có thể kê đơn cho bệnh nhân tham quan bốn bảo tàng trong thành phố như một phần của hành trình chữa lành bằng nghệ thuật.
Bà Julie Courcier Delafontaine, thành viên hội đồng thành phố Neuchâtel, gọi đây là “một dạng thuốc phòng ngừa”, bởi nghệ thuật có thể làm dịu tâm trí, nhất là sau những trải nghiệm căng thẳng như khi Covid-19 bùng phát. “Khi các địa điểm văn hóa buộc phải đóng cửa, người ta mới nhận ra chúng ta cần những không gian này đến nhường nào để cảm thấy tốt hơn”, bà nói với trang Euronews.

Không chỉ là cảm nhận chủ quan, liệu pháp nghệ thuật ngày càng được củng cố bởi các bằng chứng khoa học. Trang Euronews dẫn một báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới công bố vào năm 2019 cho thấy tham gia vào các hoạt động nghệ thuật giúp giảm tác động của sang chấn, làm chậm tiến trình suy giảm nhận thức, đồng thời cải thiện sức khỏe tổng thể.

Lan tỏa như một xu hướng mới 

Có nền y học tiên tiến nhưng Mỹ lại chậm hơn trong việc đón nhận và triển khai ý tưởng “đơn thuốc nghệ thuật”. Trao đổi với tờ Obsever, tiến sĩ Jill Sonke, giám đốc sáng lập Trung tâm Nghệ thuật Y học (Đại học Florida) cho rằng, rào cản lớn nhất là ở tâm lý: “Người Mỹ trả tiền cho chăm sóc sức khỏe và muốn được nhận thứ ‘xứng đáng’. Nếu bác sĩ khuyên tham gia lớp khiêu vũ, nhiều bệnh nhân sẽ nghĩ: “Tôi đến đây đâu phải vì thế!”.

Tuy vậy, đã có những chuyển biến tích cực. Massachusetts hiện là bang đầu tiên của Mỹ triển khai chương trình kê đơn nghệ thuật trên toàn tiểu bang, kết nối các cơ sở y tế với hơn 300 tổ chức nghệ thuật. Tại bang New Jersey, công ty bảo hiểm Horizon Blue Cross Blue Shield đã liên kết với Trung tâm Nghệ thuật biểu diễn New Jersey để chi trả đến sáu tháng đơn thuốc nghệ thuật cho hội viên – một bước đi được xem là đột phá trong chính sách bảo hiểm y tế.

Trên thực tế, phong trào kê đơn nghệ thuật ở Mỹ thực chất còn phong phú và đa dạng hơn nữa. Tại Bệnh viện Y tế New York, không chỉ bệnh nhân mà cả nhân viên y tế cũng tham gia vào các lớp vẽ tranh, chế tác trang sức, nhiếp ảnh hay in ấn thực vật – những hoạt động được xem là liều thuốc tinh thần quý giá giữa nhịp sống áp lực. Đại học Stanford (Anh) thì triển khai chương trình đơn thuốc nghệ thuật dành riêng cho sinh viên bị căng thẳng, giúp họ tìm lại sự cân bằng qua tiếp xúc với cái đẹp. Lấy cảm hứng từ dự án Nhà hát Liên bang năm 1936, sáng kiến “Nghệ thuật cho mọi người” gần đây đã triển khai các dự án nghệ thuật cộng đồng tại 18 thành phố trên toàn nước Mỹ.

Tuy nhiên, để những sáng kiến này trở thành một phần bền vững trong hệ thống y tế, thách thức lớn nhất vẫn là làm sao tích hợp chúng vào hồ sơ sức khỏe điện tử và chính sách bảo hiểm. Một số doanh nghiệp xã hội như Art Pharmacy đang tiên phong trong nỗ lực này, nhằm đưa “đơn thuốc nghệ thuật” đến gần hơn với mọi tầng lớp – để chữa lành bằng văn hóa không chỉ là đặc quyền, mà là quyền lợi chung.
Tờ Observer cũng dẫn một nghiên cứu khác tại Vương quốc Anh cho thấy việc tham gia hoạt động trải nghiệm nghệ thuật tạo ra giá trị cải thiện chất lượng sống lên đến 8 tỷ bảng Anh mỗi năm, cho thấy những lợi ích không chỉ về mặt sức khỏe mà còn trong việc giảm áp lực lên hệ thống y tế.

Y học kiến tạo hạnh phúc

Cái đẹp từ lâu đã được xem là một phần của trị liệu, nhưng giờ đây, nghệ thuật đang được chính thức hóa như một phần trong đơn thuốc tại một số quốc gia. Đó là một bước chuyển từ “y học chữa bệnh” sang “y học kiến tạo hạnh phúc” – điều mà các xã hội hiện đại, sau đại dịch và giữa khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu, đang gấp rút theo đuổi.
Từ góc nhìn Việt Nam, đây là một gợi mở quý giá. Trong bối cảnh chúng ta đang xây dựng hệ thống y tế hướng tới phòng ngừa và chăm sóc toàn diện, các không gian văn hóa như bảo tàng, nhà hát, phòng triển lãm có thể đóng vai trò như những “phòng khám mở” cho tinh thần. Mạng lưới bảo tàng tại các đô thị lớn đang chờ được kích hoạt đúng cách để trở thành một phần của chiến lược sức khỏe cộng đồng.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

mười hai − 1 =