Động lực thúc đẩy du lịch phát triển bền vững
Ngành du lịch có nhiều đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của thành phố. Đằng sau những con số ấn tượng về lượng khách và doanh thu là sự năng động, sáng tạo trong tổ chức thực thi các nhiệm vụ. Trong đó, việc triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 34-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy được xem là yếu tố cốt lõi tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ, từ tư duy đến hành động.
![]() |
Với nhiều giải pháp của ngành du lịch đã thu hút đông đảo du khách đến Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Du khách đến thành phố qua ga Đà Nẵng. Ảnh: PV
Xác định rõ cải cách hành chính là đòn bẩy nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, Đảng ủy Sở Du lịch (cũ) nay là Đảng ủy Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành kế hoạch quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 34-CT/TU về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay, gắn với chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu, năng động, dám nghĩ dám làm.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, Đảng ủy xác định Chỉ thị số 34-CT/TU là kim chỉ nam trong hành động thực hiện nhiệm vụ chính trị. Qua đó, yêu cầu 100% đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động xây dựng bản cam kết thực hiện chỉ thị gắn với đặc thù chức năng, nhiệm vụ, vị trí công tác. Lãnh đạo sở chủ động đổi mới phương thức lãnh đạo, làm việc, tạo môi trường để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Những sáng kiến, đề xuất có yếu tố đột phá nếu cán bộ còn do dự hoặc e ngại được đưa ra thảo luận tập thể để tạo sự đồng thuận, chia sẻ rủi ro và hỗ trợ kịp thời trong xử lý công việc
. Đối với trường hợp công chức, viên chức không thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc có hành vi né tránh, sợ trách nhiệm, lãnh đạo sở yêu cầu lập biên bản cụ thể, cá nhân phải nêu rõ lý do và ý kiến bằng văn bản. Căn cứ vào đó, sở thực hiện trừ điểm, gắn trách nhiệm với đánh giá kết quả công tác hàng tháng.
Sở sửa đổi quy chế làm việc, yêu cầu rõ ràng trong từng nội dung tham mưu: cán bộ phải thể hiện đầy đủ quan điểm, ký tên chịu trách nhiệm trên phiếu trình, hạn chế tình trạng chung chung, “đẩy việc”. Đồng thời, thành lập tổ quy chế chuyên rà soát tiến độ, chất lượng công việc định kỳ hằng tuần/tháng, nhất là các đầu việc liên quan đến chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, HĐND thành phố. “Chúng tôi áp dụng cơ chế cộng điểm, trừ điểm minh bạch đối với mỗi cán bộ công chức, viên chức trong sở và đơn vị trực thuộc, lấy đó làm căn cứ đánh giá xếp loại cuối tháng. Đây là cách để nâng cao ý thức tự giác, đồng thời tạo sự công bằng trong nội bộ”, bà Hạnh cho biết.
Nhờ hiệu quả từ đổi mới quản lý và sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mạnh dạn tham mưu nhiều đề án, chương trình mang tính đột phá trong phát triển du lịch. Nổi bật là đề án phát triển kinh tế ban đêm, thí điểm phố đi bộ Bạch Đằng, bãi biển đêm Mỹ An, dịch vụ đêm tại công viên bờ Đông cầu Nguyễn Văn Trỗi, tuyến phố du lịch An Thượng… đồng thời tổ chức nhiều chương trình kích cầu mang lại hiệu ứng tích cực như: Đà Nẵng Food Tour, du lịch cưới, du lịch MICE… Song song đó, thành phố tiếp tục khai thác các giá trị đặc sắc về ẩm thực, văn hóa bản địa để nâng tầm thành sản phẩm du lịch.
Việc ứng dụng công nghệ số như hệ thống giám sát du lịch thông minh, bản đồ số ẩm thực, metaverse VR360, ứng dụng công nghệ AI trong điều hành… từng bước đưa Đà Nẵng tiếp cận với xu hướng phát triển du lịch toàn cầu. Đáng chú ý, sở đẩy mạnh truyền thông bằng cách hợp tác với người nổi tiếng (KOLs), nghệ sĩ, youtuber, blogger nổi tiếng để quảng bá hình ảnh Đà Nẵng tới thị trường nội địa và quốc tế. Đồng thời, tổ chức xúc tiến thị trường, khôi phục và mở mới 16 đường bay quốc tế trực tiếp, góp phần tạo cú hích mạnh cho ngành du lịch.
Nhờ những nỗ lực đồng bộ, năm 2024, tổng lượng khách do cơ sở lưu trú phục vụ tại Đà Nẵng ước đạt gần 10,9 triệu lượt, tăng hơn 32,8% so với năm 2023. Trong đó, khách quốc tế đạt trên 4,1 triệu lượt, tăng 36,3%; khách nội địa hơn 6,7 triệu lượt, tăng 30,8%. Doanh thu từ lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt hơn 31.000 tỷ đồng, tăng 22%. Đà Nẵng khẳng định thương hiệu điểm đến quốc tế đặc sắc, an toàn, xanh sạch đẹp và mến khách, đồng thời tiếp tục được vinh danh với rất nhiều giải thưởng, bình chọn yêu thích của du khách trong nước và quốc tế.
“Chúng tôi xác định triển khai hiệu quả Chỉ thị số 34-CT/TU là nhiệm vụ xuyên suốt, không dừng lại ở cao điểm. Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các biểu hiện trì trệ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong cơ quan và các đơn vị sự nghiệp thuộc sở, góp phần cùng thành phố hoàn thành các kế hoạch, mục tiêu đã đề ra”, bà Trương Thị Hồng Hạnh thông tin.
NGỌC PHÚ
Nguồn: Báo Đà Nẵng
- Thị trường tài chính chao đảo sau thông tin áp thuế của Mỹ
- Hàng nghìn trái tim được hồi sinh nhờ sự hỗ trợ bền bỉ của cặp vợ chồng người nước ngoài
- Tuyên án nhóm bị cáo ‘Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép’
- Tuyển sinh năm 2025: Khối trường công an tuyển hơn 2.300 chỉ tiêu
- Xu hướng du lịch ngày Tết của người Việt